Phóng viên (PV): Tổng cục Thống kê vừa công bố CPI tháng 6 với mức giảm âm, ông đánh giá kết quả này như thế nào?
- TS. Lê Đình Ân: CPI tháng 6 giảm 0,26% so với tháng 5, tôi cho rằng cần phải suy nghĩ. Mừng thì ít nhưng lo thì nhiều hơn. Mừng là CPI giảm tạo dư địa chính sách để Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp cho nền kinh tế phát triển tốt hơn. Cụ thể, CPI giảm có điều kiện để giảm lãi suất cho vay và áp dụng các chính sách và các giải pháp cơ bản khác. Đồng thời, giảm bớt sự đình trệ của thị trường bất động sản và các thị trường khác.
TS. Lê Đình Ân, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia. Ảnh: Internet. |
Có thể nói rằng các giải pháp để kiềm chế lạm phát của Chính phủ về cơ bản là thành công. Tuy nhiên, còn tiềm ẩn nhiều vấn đề khác nhau. CPI giảm cho thấy tiêu dùng của dân cư tiếp tục giảm. Tiếp đến là nền kinh tế, sản xuất tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng yếu dẫn đến nhiều lĩnh vực tăng trưởng âm làm cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng khó khăn chồng chất. Đó là những nỗi lo rất lớn mà các nhà kinh tế, nhà quản lý phải hết sức chú ý.
Tôi thống nhất với ý kiến của một số chuyên gia đưa ra gần đây là CPI tháng 6 âm 0,26% chưa hẳn đã có sự giảm phát bởi nó chỉ mới bắt đầu biểu hiện của hiện tượng giảm phát. Nếu trong trường hợp 2 - 3 tháng tới mà CPI vẫn có xu thế giảm âm thì rõ ràng khi đó là lời cảnh báo nền kinh tế Việt Nam.
PV: Nếu so sánh diễn biến giảm CPI vào năm 2009, vậy có gì tương đồng giữa hai thời điểm này hay không, thưa ông?
- TS Lê Đình Ân: So sánh với năm 2009 và khó khăn hiện nay thì về hiện tượng có tương đồng ở chỗ là sau khi CPI đi xuống, Ngân hàng Nhà nước lại bơm ra một lượng tiền rất lớn để cuối cùng lại tiếp tục chống lạm phát và bỏ phải ra rất nhiều công sức để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, có cái khác là tình hình kinh tế hiện nay có nhiều vấn đề nan giải hơn năm 2009.
Thứ nhất, giá cả nguyên vật liệu trên thế giới năm 2009 có xu thế ngày càng tăng nhưng hiện nay giá cả nguyên vật liệu lại có xu hướng ngược lại. Thứ hai là giá xuất khẩu trước đây của Việt Nam còn cao thì trong những tháng đầu năm nay cũng như cuối năm 2011 lại giảm. Thứ ba, tình hình kinh tế thế giới khó khăn hơn nhiều, các nước đang vật lộn để chống chọi với nợ công của Châu Âu.
PV: Nhiều ý kiến quan ngại là lạm phát sẽ bùng phát trở lại trong thời gian tới khi Chính phủ thực hiện các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế thông qua nới lỏng chính sách tài chính - tiền tệ. Theo ông, những lo ngại này có cơ sở không và cần thực hiện các giải pháp gì tiếp theo để nó không thành hiện thực?
- TS. Lê Đình Ân: Quan ngại này có cơ sở, vì vậy phải biến nó thành những cảnh báo để có thể lường trước được tất cả những khó khăn và vận dụng các kinh nghiệm năm 2009, 2010.
Nếu giảm phát đến thì việc kiểm soát dòng tiền và thực hiện các biện pháp kích cầu phải thận trọng hơn, phải theo quy trình chặt chẽ và phải được kiểm tra, kiểm soát vững tay hơn. Vì vậy, tôi cho rằng nếu cho đó là một lời cảnh báo thì việc kiềm chế lạm phát sắp tới sẽ càng “gay go” hơn khi vừa kiềm chế lạm phát vừa phải đối mặt với việc giảm phát. Nếu lường trước được những điều này để chủ động trong điều hành chính sách sắp tới thì tôi nghĩ sẽ kiểm soát tốt được tình hình.
Trong thời gian vừa qua, việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát là một thành công. Từ những kết quả này có thể rút ra bài học là chúng ta làm rất tốt chính sách tiền tệ thắt chặt nhưng có lúc nới lỏng, linh hoạt. Còn chính sách tài khoá phối hợp với chính sách tiền tệ thì đôi lúc lại làm chưa tốt.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần kiểm soát giá, chống buôn lậu, chống hàng giả, hàng nhái, tất cả những mặt trận đó cũng phải thực hiện quyết liệt hơn để phối hợp với chính sách tiền tệ. Đồng thời, phải kiên quyết đẩy mạnh hơn tiêu dùng trong nước và đầu tư để nâng cao mạng lưới thương mại trong nước. Điều cơ bản là các ngành, các cấp phải đồng tâm hiệp lực và xem đây là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng để thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội 6 tháng cuối năm.
PV: Xin cảm ơn ông!