Trước những khó khăn của thị trường bất động sản, để duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã lựa chọn việc chuyển đổi sang xây dựng nhà ở xã hội để được hưởng ưu đãi của Nhà nước.

Để hiểu rõ thêm về những thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp khi chuyển đổi mô hình từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Viết Trường - Tổng giám đốc công ty CP Đầu tư xây dựng Hà Nội (Hacic).

Phóng viên: Thưa ông, được biết doanh nghiệp của ông đang có một khu đất đang có ý định chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội tại dự án chung cư Trung Văn (Từ Liêm, Hà Nội). Ông có thể cho biết lý do tại sao lại quyết định chuyển đổi mô hình này?

Nguyễn Viết Trường: Trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn, để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp đang phải xoay sở. Nắm bắt được chủ trương của Chính phủ, Bộ Xây dựng sẽ có nhiều ưu đãi cho nhà ở xã hội, công ty đã đề xuất với UBND TP Hà Nội, xin chuyển dự án chung cư Trung Văn sang nhà ở xã hội.

Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy được nhà ở xã hội có điều kiện thuận lợi, người mua nhà sẽ được hỗ trợ nhiều hơn. Như các chính sách liên quan đến miễn giảm thuế, tiền sử dụng đất, các chính sách về thuế VAT sẽ làm giảm giá thành bán nhà. Ngoài ra, cơ cấu căn hộ cho phép các loại căn hộ vừa và nhỏ với giá thành giảm đi vài trăm triệu đồng, phù hợp với khả năng thanh toán của các đối tượng có mức thu nhập thấp.

Về phía chủ đầu tư, thời gian thực hiện dự án cũng được rút ngắn hơn khi các cơ quan quản lý đã đưa ra các mẫu nhà thiết kế sẵn của Sở Quy hoạch và kiến trúc. Việc rút ngắn thời gian sẽ tiết kiệm được chi phí, tiết kiệm giá thành.

Theo ông, việc chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, giá thành căn hộ sẽ giảm được bao nhiêu?

Trước đây giá bán dự án chung cư của công ty dao động trên thị trường khoảng 20 triệu đồng/m2, diện tích trung bình các căn hộ 100-120m2, giá thành trên dưới 2 tỷ đồng/căn hộ. Hiện nay, công ty đã khảo sát, tính toán, đón đầu chính sách của Nhà nước, có thể giá thành giảm được khoảng 5-6 triệu đồng/m2. Dự tính giá bán căn hộ vào khoảng 15 triệu đồng/m2, với quy mô diện tích 40-50 m2, giá căn hộ sẽ khoảng 600 triệu đồng/căn. Với vị trí dự án đẹp, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ được đông đảo người dân đón nhận.

Chuyển dự án từ vị trí đất vàng sang làm nhà ở cho người thu nhập thấp, lãnh đạo công ty có thấy tiếc điều gì không, thưa ông?

Đầu tiên chúng tôi cảm thấy tiếc, nếu giai đoạn trước đây 2005-2009 thì kinh doanh thuận lợi hơn, việc chuyển đổi dự án sang nhà ở xã hội là phương án chưa bao giờ được tính đến. Hiện nay, do thị trường bất động sản gặp khó, vì sự phát triển của doanh nghiệp chúng tôi cũng đã đưa ra quyết định chuyển đổi dự án này sang nhà ở xã hội. Trước hết, là để duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh, công ăn việc làm cho cán bộ công nhân viên, ổn định giá trị sản xuất của doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn.

Hiện nay, giá nhà ở thu nhập thấp chỉ dao động trên dưới 10 triệu đồng/m2, cao nhất là 13 triệu đồng/m2 tuy nhiên lượng giao dịch rất thấp. Vậy, phương án công ty đưa ra giá bán là 15 triệu đồng/m2 có khả thi không thưa ông?

Theo quy định của Nhà nước, giá nhà thu nhập thấp là do Nhà nước quản lý, các công ty xây dựng sẽ phải chịu sự quản lý này. Tuy nhiên, nói về thị trường, luôn có sự khác nhau về giá tùy thuộc vị trí từng dự án. Tuy nhiên, về giá thành xây dựng tùy từng vị trí mức giá khác nhau. Ngoài ra, về tiền sử dụng đất, tiền xây dựng cơ sở hạ tầng, về chính sách về thuế...khác nhau. Nhưng khi được Nhà nước ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất thì chi phí xây dựng cơ bản là giống nhau. Doanh nghiệp triển khai xây dựng với mức giá theo quy định của Nhà nước không khó khăn.

Xin cám ơn ông!

Khánh An (VnMedia)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.