Những năm gần đây những khu chung cư cũ, mới, và những ngôi nhà dưới mặt đất đều làm thêm các khung sắt kiểu giống như chuồng cọp, vừa để chống trộm vừa để cơi nới thêm diện tích sử dụng. Những chuồng cọp không có cửa thoát hiểm này đang là mối nguy hiểm dẫn đến bao nhiêu cái chết thương tâm khi xảy ra hỏa hoạn.
Vào tháng 7 vừa qua, đã xảy ra vụ cháy ở số nhà 48 ngõ 41, phố Vọng (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) ngọn lửa bùng cháy trong đêm đã khiến hai mẹ con tử vong thương tâm. Nhiều người dân vẫn còn ám ảnh bởi hình ảnh cánh tay chới với kêu cứu đầy khắc khoải ở bên trong chuồng sắt.
Tất cả các ban công của ngôi nhà 4 tầng này đều hàn sắt kiên cố làm bịt kín lối thoát hiểm phía ban công. Chỉ khi lực lượng chức năng đến cắt những khung sắt của khu chuồng cọp thì mới cứu được nạn nhân thứ 3 không bị chết cháy.
Những “chuồng cọp” như thế này mọc khắp các khu chung cư.
Cuối tháng 9, tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội cũng xẩy ra vụ hỏa hoạn, chủ nhà vội lao ra ban công tầng 3 nhưng bị kẹt lại bởi lan can đã bị quây kín bằng chuồng cọp kiên cố.
Nhờ sự hợp sức của người dân, tổ công tác đã phá được 1 góc chuồng cọp trong thời gian nhanh nhất, tạo thành 1 lỗ hổng vừa 1 người chui để cứu người bị kẹt. Đã có 5 người trong ngôi nhà được lực lượng CSGT cứu kịp thời, an toàn.
Tuy nhiên, do đám cháy lớn khiến 2 bé gái sinh năm 2003 và 2006 (con gái chủ nhà) tử vong. Đến 4h30 sáng, thi thể hai nạn nhân xấu số được đưa ra ngoài. Đó là những cái chết vô cùng thương tâm khiến nhiều người giật mình nhìn lại, Hà Nội đang chằng chịt những ngôi nhà, khu chung cư có những chuồng cọp bịt kín lối thoát hiểm như thế.
Dạo quanh một vòng Hà Nội người ta sẽ luôn bắt gặp những khu chung cư đang gồng mình cõng trên vai những hộp sắt khổng lồ vươn ra khỏi ban công của căn hộ. Người dân thường tận dụng chúng làm chỗ phơi quần áo hoặc trồng cây cảnh, tăng thêm diện tích sử dụng.
Những chuồng cọp này vô hình chung không những gây nguy hiểm mà còn làm mất đi vẻ đẹp mỹ quan đô thị, khiến cho bộ mặt của những tòa nhà chung cư hoặc nhà mặt đất sai lệch đi thiết kế ban đầu và trở nên nhếch nhác.
Từ những khu chung cư cũ như Nguyễn Công Trứ, người dân thi nhau đua được bao nhiêu thì đua, càng rộng càng tốt, sau đó họ chất lên đó bất cứ thứ gì họ muốn. Thậm chí cả những khu chung cư mới như ở khu đô thị Đền Lừ (Hoàng Mai).
Chỉ mới xây dựng từ 2005 nhưng trông những tòa nhà này đã “xuống cấp” và nhếch nhác bởi các lồng sắt nhô ra dày đặc từ các lan can tòa nhà. Tất cả đều được quây kín bởi những thanh sắt đặc không có lấy một lối thoát hiểm.
Ông Phạm Sỹ Liêm - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng phân tích: “Khi thiết kế chung cư, đơn vị chuyên môn phải tính toán kỹ lưỡng tất cả các mặt như độ chịu tải, lối thoát hiểm, khoảng trống lan can…
Khi thiết kế được duyệt, tức là người sử dụng không được phép cơi nới thêm để gia tăng diện tích sử dụng. Để xảy ra tình trạng “chuồng cọp” bủa vây chung cư tại nhiều khu đô thị (KĐT) hiện nay, có trách nhiệm rất lớn của những đơn vị nắm giữ nhiệm vụ giám sát là Ban Quản lý KĐT, Cty Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội…
Việc xây dựng, lắp đặt “chuồng cọp” không thể thực hiện trong một chốc, một lát. Nếu các đơn vị giám sát quản lý giám sát thường xuyên và quản lý chặt chẽ, sẽ chẳng có hộ dân nào xây dựng được “chuồng cọp””.
Đã đến lúc các kiến trúc sư và các cơ quan chức năng cần đưa ra một giải pháp theo quy chuẩn khi người dân cơi nới chuồng cọp, để dung hòa được tính thẩm mỹ đô thị, độ an toàn, chống cháy, chống trộm làm giảm bớt những những cái chết thương tâm không đáng có.
Hạ Ly (Xây Dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.