Tại thị trường Mỹ, chốt phiên ngày 11/4, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 89,46 điểm, tương đương 0,7% và đóng cửa ở mức 12.805,39 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng tiến thêm 10,12 điểm lên mức 1.368,71 điểm,…
Dù vậy, thị trường đã rút ngắn đà tăng vào cuối phiên khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho rằng chi phí năng lượng ngày càng cao ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Theo ông Dennis Lockhart, Chủ tịch Fed bang Atlanta, Fed chỉ cung cấp thêm gói kích thích khi tình hình kinh tế sa sút nghiêm trọng.
Hòa theo xu hướng tăng điểm của phố Wall, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt chuyển “sắc xanh” trong phiên giao dịch ngày hôm qua, nhờ thông tin lãi suất trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha và Italia bất ngờ giảm nhẹ. Cụ thể, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Italia đã giảm từ mức 5,7% xuống còn 5,55%, của Tây Ban Nha cũng hạ xuống 5,8%.
Ngoài ra, việc Ủy viên Hội đồng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ông Benoit Coeure khẳng định rằng ECB vẫn duy trì chương trình mua trái phiếu của các quốc gia khu vực nếu cần thiết góp phần xoa dịu mối lo ngại của giới đầu tư về tình hình kinh tế của Eurozone và tạo thêm động lực đẩy giá các cổ phiếu đi lên.
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 0,7%, lên 5.634,74 điểm và chỉ số CAC 40 của Pháp cũng ghi thêm 0,62%, lên 3.237,69 điểm. Trong khi đó, tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX tăng tới 1,03%, chốt ở mức 6.674,73 điểm.
Sang tới phiên giao dịch sáng nay (ngày12/4), hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á cũng đồng loạt “khởi sắc” sau vài phiên giảm điểm gần đây. Mở cửa phiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 27,45 điểm, lên 9.486,19 điểm. Trong khi đó, “sắc xanh” cũng trở lại trên hai thị trường chứng khoán chủ chốt của Trung Quốc là Thượng Hải và Hồng Kông. Chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite lần lượt tăng 26,33 điểm và 3,26 điểm.