Việc phân hạng và công nhận hạng chung cư sẽ được thực hiện trước hay sau khi dự án đã hoàn thành là điều được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Trong ảnh là một dự án chung cư đang được xây dựng ở Quận Long Biên, Hà Nội - Ảnh: Mạnh Tùng
Quy định này nằm trong dự thảo Thông tư quy định về phân hạng và công nhận hạng nhà chung cư mà Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến và nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Tại hội thảo lấy ý kiến dự thảo thông tư trên diễn ra tại TPHCM vào sáng nay, 23-1, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết thông tư này sẽ áp dụng cho các nhà chung cư thương mại, chung cư tái định cư, bao gồm cả nhà chung cư hỗn hợp dùng để ở và sử dụng vào mục đích khác.
Theo đó, nhà chung cư được đánh giá phân hạng và công nhận hạng theo bốn nhóm tiêu chí: quy hoạch kiến trúc; hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; mức độ và chất lượng hoàn thiện; chất lượng dịch vụ quản lý chung cư.
Theo ông Khởi, việc phân hạng nhà chung cư được xác định bằng cách chấm điểm trên cơ sở bốn nhóm tiêu chí nói trên và sau đó, chung cư được phân thành ba hạng A, B, C. Hạng A là chung cư cao cấp có tổng điểm từ 90-100, hạng B là chung cư có tổng điểm từ 80 đến dưới 90 điểm và hạng C là chung cư có tổng điểm dưới 80.
“Bộ Xây dựng sẽ là cơ quan quyết định công nhận nhà chung cư hạng A là công trình cấp 1, theo phân cấp công trình quy định của pháp luật xây dựng tại Hà Nội và TPHCM. Riêng Sở Xây dựng các tỉnh, thành là cơ quan quyết định công nhận các nhà chung cư không thuộc diện trên”, ông Khởi cho hay.
Theo phụ lục tiêu chí đánh giá phân hạng nhà chung cư kèm theo dự thảo thông tư này, các tiêu chí phân hạng chung cư được liệt kê một cách khá chi tiết. Chẳng hạn, với tiêu chí vị trí, nếu dự án thuận tiện sử dụng các dịch vụ thể thao, thương mại với khoảng cách dưới 500 mét được chấm 2 điểm, trên 500 mét được chấm 1 điểm.
Dự thảo này nhận được hai luồng ý kiến từ các doanh nghiệp địa ốc tham dự hội thảo trên.
Thứ nhất, nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc phân hạng và công nhận hạng nhà chung cư là rất cần thiết do đây là căn cứ xác định giá trị tòa nhà; là cơ sở để áp dụng mức giá dịch vụ quản lý, vận hành chung cư theo khung giá đã được UBND cấp tỉnh ban hành. Theo lập luận của các lãnh đạo doanh nghiệp này, việc phân hạng chung cư, được cơ quan quản lý công nhận sẽ tránh việc tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến mức giá dịch vụ, quản lý chung cư.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Triển Vọng (SAVISTA) – một đơn vị chuyên về quản lý tòa nhà – cho rằng, mặc dù phí dịch vụ quản lý chung cư được quy định ở từng địa bàn cấp quận trong thành phố, nhưng tranh cãi vẫn xảy ra khi người dân cho rằng, dịch vụ tại chung cư mình đang ở không xứng với số tiền họ phải đóng.
Cũng theo ông Dũng, cần quy định bắt buộc chủ đầu tư phải công bố phân loại chung cư trước khi mở bán, để khách hàng có được thông tin nhằm định hướng được giá mua sao cho hợp lý. “Ví dụ, một chung cư được xếp hạng C thì không thể có giá bán theo căn hộ cao cấp được. Tức là, khách hàng cũng có được một căn cứ khi chọn mua căn hộ sao cho phù hợp nhất”, ông Dũng nêu quan điểm.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp khác lại cho rằng, quy định phân hạng chung cư là không cần thiết, mà nên để giá bán, giá dịch vụ quản lý chung cư theo sự thỏa thuận giữa chủ đầu tư và khách hàng. Mặt khác, một số doanh nghiệp lo ngại, quy định này sẽ tạo ra một “giấy phép con” trong quá trình đầu tư nhà chung cư, dẫn đến cơ chế “xin-cho”, thêm thủ tục hành chính rườm rà.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi cũng thừa nhận, nhiều tiêu chí trong dự thảo thông tư còn mang tính chất định tính, sẽ dễ gây ra những tranh cãi nên ban soạn thảo sẽ xem xét để định lượng các tiêu chí trên.
Ông Khởi cho biết thêm, việc phân loại chung cư theo dự thảo thông tư này là bắt buộc bởi điều này đã được quy định trong Luật Nhà ở 2014. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng sẽ cân nhắc hai vấn đề mà nhiều doanh nghiệp còn băn khoăn. Thứ nhất là thời điểm phân loại chung cư là trước hay sau khi đã xây dựng, hoàn thiện dự án. Thứ hai là nên bắt buộc phải phân loại tất cả các chung cư hay là sự tự nguyện của chủ đầu tư.