Theo các chuyên gia, việc đầu tư đường cao tốc Bắc – Nam là cần thiết khi chưa có đường sắt cao tốc vì tuyến đường này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn.
Đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, là đoạn nằm trong hệ thống đường cao tốc Bắc Nam - Ảnh: Anh Quân
Sau khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), trình Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc Bắc - Nam với tổng số vốn ngân sách lên đến 314.100 tỉ đồng, dư luận xã hội và một số chuyên gia cho rằng, hiện nay quốc lộ 1A đã được mở rộng lên 4 làn xe, bên cạnh đó còn có đường sắt, đường biển và đường Hồ Chí Minh cũng chạy từ Bắc vào Nam.
Vì thế, ngân sách chi thêm hàng trăm ngàn tỉ đồng cho dự án đường cao tốc là chưa cần thiết. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng dự án này là cần thiết cho tầm nhìn dài hạn.
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Nguyễn Văn Thụ, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải, cho rằng khi chưa có đường sắt cao tốc thì nên xây đường bộ cao tốc vì với lượng xe tăng nhanh như hiện nay chỉ vài năm nữa quốc lộ 1A sẽ quá tải. Trong khi, các tuyến vận tải khác như đường sắt hiện nay rất yếu kém, đường biển đi mất nhiều thời gian.
Ông cho rằng cần phải nhìn nhận vấn đề ở hiệu quả kinh tế, khi có đường cao tốc việc vận chuyển hàng hóa từ Nam ra Bắc và ngược lại sẽ rút ngắn được rất nhiều thời gian.
Tương tự, ông Phạm Sanh, một chuyên gia giao thông cũng cho rằng, cần phải xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam vì nhiều tuyến quốc lộ hiện nay đã quá tải.
Trước mắt nên ưu tiên làm một số đoạn cao tốc quan trọng để giảm tải cho các quốc lộ đang có lưu lượng xe quá lớn và tai nạn giao thông xảy ra liên tục. Đồng thời, ưu tiên đầu tư đường cao tốc cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, đoạn từ Trung Lương tới Cần Thơ hay các đoạn có tính khả thi cao như Hà Nội – Vinh, TPHCM – Nha Trang.
Hiện nay, việc có cần thiết phải xây đường cao tốc Bắc – Nam hay không đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia và dư luận. Dự kiến, ngày mai 14-3, Chính phủ sẽ họp bàn về các phương án đầu tư tuyến đường này.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ, đường cao tốc Bắc – Nam cần phải xây dựng 1.372 km, điểm đầu tại nút giao Cao Bồ (Nam Định), điểm cuối tại nút giao Dầu Giây (Đồng Nai).
Bộ GTVT tính toán tổng mức đầu tư cho 1.372 km là 314.100 tỉ đồng, ở giai đoạn 1 dự kiến đầu tư gần 245.000 tỉ đồng, trong đó vốn Nhà nước dự kiến là 96.600 tỉ đồng, vốn của nhà đầu tư 148.400 tỉ đồng; giai đoạn 2 mức đầu tư 69.100 tỉ đồng. Bộ GTVT đã đưa ra 3 phương án để lựa chọn.
Phương án 1: Nhà nước hỗ trợ 41.414 tỉ đồng để đầu tư 467 km, gồm các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Vinh (Nghệ An); Cam Lộ (Quảng Trị) - Tuý Loan (Huế); Phan Thiết (Bình Thuận) - Dầu Giây (Đồng Nai).
Phương án 2: Nhà nước hỗ trợ 63.000 tỉ đồng đầu tư 916 km, gồm các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Vạn Ninh (Quảng Bình); Cam Lộ (Quảng Trị) - Tuý Loan (Huế); Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai).
Phương án 3: Nhà nước hỗ trợ 70.000 tỉ đồng để đầu tư 1.015 km, gồm các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Vạn Ninh (Quảng Bình); Tuy Hoà (Phú Yên) - Dầu Giây (Đồng Nai).
Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ, chọn phương án 1, vì nếu phân bổ hết vốn vào dự án cao tốc Bắc - Nam, các dự án giao thông khác sẽ không còn vốn để triển khai. Hơn nữa, các dự án đang triển khai dang dở sẽ phải đình hoãn, giãn tiến độ, gây ra tình trạng lãng phí và ảnh hưởng đến giao thông.
Lê Anh (Thời báo kinh tế Sài Gòn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.