Tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 52/2017 về Quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 – 2020.
Theo đó, địa điểm triển khai bao gồm: từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh), từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên Huế), từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai) và Cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long).
Tổng mức đầu tư của dự án là 118.716 tỉ đồng, bao gồm 55.000 tỉ đồng vốn ngân sách nhà nước, còn lại là nguồn vốn huy động ngoài ngân sách. Tổng tuyến đường đầu tư khoảng 654 km, chia thành 11 dự án thành phần, trong đó có ba dự án đầu tư công và tám dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Sau một năm rưỡi được Quốc hội thông qua, đến nay tất cả 11 dự án trên tuyến cao tốc Bắc-Nam đã được giao vốn, hiện đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, toàn bộ tám dự án cao tốc Bắc Nam theo hình thức đối tác công tư đã được mở thầu, thu hút 60 nhà đầu tư và liên danh các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Trong đó có 15 nhà đầu tư Việt Nam, còn lại là các doanh nghiệp, liên doanh đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp.
Ảnh minh hoạ.
Theo kế hoạch, trong tháng 9/2019, đơn vị tư vấn tổ chức đánh giá, thẩm định, phê duyệt kết quả sơ tuyển nhà đầu tư đối với tám dự án cao tốc Bắc - Nam thực hiện bằng hình thức hợp tác công tư PPP. Từ tháng 10/2019 đến tháng 01/2020 sẽ phát hành hồ sơ mời thầu và đến tháng 3/2020 sẽ phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
Theo GTVT, yêu cầu và điều kiện để lựa chọn nhà thầu đối với tám dự án theo hình thức đối tác công tư được thực hiện đúng quy định, với nhiều yêu cầu khắt khe hơn, đó là vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư bằng 20% tổng vốn đầu tư dự án. Quy định này cao hơn quy định tại Nghị định số 63/2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Đặc biệt, nhà đầu tư muốn tham gia đấu thầu cao tốc Bắc - Nam phải chứng minh đã có toàn bộ số vốn này tại thời điểm chấm thầu mà không được xét đến lộ trình tăng vốn. Hồ sơ mời thầu sơ tuyển các dự án BOT cao tốc Bắc - Nam cũng yêu cầu phải có văn bản cam kết cung cấp tài chính từ ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng.
Theo lý giải của Bộ GTVT, việc đặt ra các yêu cầu cao trong lựa chọn nhà thầu sẽ không xảy ra những vấn đề tương tự như tại Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Những yêu cầu khắt khe này đang là khe cửa hẹp đối với các nhà đầu tư trong nước tham gia dự thầu.
Ông Lưu Huy Vinh, cử tri quận Hoàng Mai, cho rằng cần chọn nhà đầu tư có đủ năng lực chuyên môn, chứng minh được trình độ chuyên môn tiên tiến, thực hiện dự án với giá thành cạnh tranh. Muốn làm được điều này cần phải tiến hành đấu thầu công khai, minh bạch để mọi nhà đầu tư có năng lực, trình độ đều có thể tham gia, tránh tình trạng chỉ căn cứ vào giá ban đầu nhưng lại đội vốn, thậm chí kéo dài thời gian.
Ông Lê Bộ Lĩnh, đại biểu Quốc hội Khóa XIII cho rằng, lựa chọn nhà thầu cần chú ý đến năng lực công nghệ, vì hiện nay công nghệ thi công công trình giao thông trên thế giới phát triển rất nhanh. Nếu năng lực không tốt, việc ứng dụng công nghệ lạc hậu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ và chất lượng của dự án.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo lắng về tình trạng “thông thầu”, bán thầu vẫn chưa được kiểm soát dứt điểm, nên dù có lựa chọn được nhà thầu tốt nhưng người thực hiện lại kém, không đủ năng lực thì cũng như không.
Đại biểu Dương Trung Quốc, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, cho rằng nhu cầu đòi hỏi sớm có đường cao tốc Bắc Nam là cần thiết, nhưng xây dựng như thế nào thì phải căn cứ vào nhiều yếu tố.
Cụ thể là về luật pháp. Luật Đấu thầu có những kẽ hở, nếu không quản lý tốt sẽ rất dễ bị lợi dụng. Do đó, cần sớm có giải pháp để tránh tình trạng thầu thật nhưng làm giả, dẫn tới hiện tượng như đội vốn, kéo dài thời gian thi công.
Trước những băn khoăn, lo lắng của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, đây là dự án trọng điểm quốc gia nên Chính phủ thực hiện theo ba nguyên tắc nhằm đáp ứng yếu tố kinh tế cũng như bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Nguyên tắc thứ nhất là trình tự, thủ tục thực hiện đúng quy định pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng, vì đây là dự án trọng điểm quốc gia. Nguyên tắc thứ hai là tiến hành đấu thầu công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật. Nguyên tắc thứ ba là chú ý đến yếu tố an ninh quốc phòng.
-
Cao tốc Bắc - Nam: Nhà đầu tư “ngoại” áp đảo nhà đầu tư “nội”
Dự án cao tốc Bắc-Nam có tổng mức đầu tư khoảng 118.700 tỷ đồng đang thu hút được rất nhiều nhà đầu tư dự tuyển. Nhưng nhà đầu tư trong nước rất ít.