Mô hình trên giấy dự án Tricon Tower của CTCP Đầu tư Minh Việt.
Hoành tráng trên giấy
Chị Nguyễn Thị Nguyệt – một NĐT “tay mơ” cho biết, có ít tiền đáng lẽ dành để xây nhà, nhưng vì năm 2010 không hợp tuổi nên theo lời rủ rê của bạn bè, chị quyết định đầu tư vào chung cư dự án AZ Vân Canh do CTCP BĐS AZ (AZ Land) làm chủ đầu tư. “Lúc đó dự án CT1, CT2 Vân Canh do Cty này làm NĐT thứ cấp đang ra hàng, nổi như cồn với giá bán từ 14 - 15 triệu đồng/m2. Hàng chủ đầu tư bán ra nhỏ giọt nên để mua được, tôi phải chấp nhận chênh thêm hơn 300 triệu đồng/căn” - chị Nguyệt cho biết.
Tuy nhiên, tiền thì đã nộp vào Cty từ lâu, hàng năm đã trôi qua nhưng đến nay dự án vẫn chưa có động tĩnh gì. Hỏi chủ đầu tư, khách hàng mới "té ngửa" ra rằng hợp đồng chuyển giao dự án giữa chủ đầu tư là Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD) với AZ Land vẫn chưa xong. Công trình hiện giờ vẫn trong tình trạng khởi công đối phó rồi để đấy. “Vì trót dại đầu tư vào đây, giờ không rút được tiền ra, muốn bán rẻ với giá chỉ còn 12 triệu đồng/m2 và không tính chênh lệch một đồng nào cũng không có người hỏi. Đất làm nhà đã có nhưng vì chưa có tiền xây nên gia đình tôi hiện vẫn phải đi thuê nhà để ở”, chị Nguyệt buồn rầu nói.
Tương tự, cũng được chào bán từ năm 2009, dự án tòa tháp Diamond Tower, nằm trong dự án Nam An Khánh do Sudico làm chủ đầu tư dù đã được bán qua tay nhiều chủ đầu tư với giá lúc đỉnh điểm hơn 20 triệu đồng/m2, nhưng đến nay vẫn là bãi đất trống và chưa rõ ông chủ đích thực của dự án này là ai.
Đình đám nhất gần đây là vụ khách hàng vây trụ sở chủ đầu tư tòa chung cư Tricon Tower của CTCP Đầu tư Minh Việt đòi kiện vì chậm tiến độ quá lâu. Tọa lạc trên mảnh đất vàng KĐT Bắc An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội), nằm trên mặt tiền trục đại lộ Thăng Long, dự án khi mở bán đã thu hút khá đông sự quan tâm của NĐT. Một NĐT cho biết, anh đóng tiền mua căn hộ ở đây từ tháng 11.2009. Dự kiến khi tòa nhà Tricon Tower tại Bắc An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội hoàn thiện, mỗi căn hộ sẽ có diện tích 156,88m2 với số tiền là 263.000USD. Khách hàng sẽ phải đóng tiền theo định kỳ 3 tháng/lần, mỗi lần 20.000USD. Tuy nhiên, theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, nếu khách hàng xuống 70% trị giá số tiền của căn hộ sẽ được giảm 5% (xấp xỉ 14.000USD). Trong hợp đồng mua bán nhà cũng ghi rõ, CTCP Đầu tư Minh Việt sẽ phải giao nhà cho khách hàng vào ngày 31.12.2011, muộn nhất là ngày 30.6.2012. Điều đáng buồn là đến nay, dự án này mới chỉ xong phần móng và đã “đắp chiếu” từ nhiều tháng nay.
Chỉ người mua là thiệt
Theo một chuyên gia của Bộ Xây dựng, các văn bản pháp lý hiện hành của Việt Nam, NĐT chỉ được bán "nhà trên giấy" khi đã hoàn thành phần móng nhà và nội dung hợp đồng "mua bán nhà trên giấy" cần lập theo hướng dẫn. Tuy nhiên, việc công khai, minh bạch thông tin về dự án, chủ dự án vẫn chưa được thực hiện ở mức đủ cần thiết, người mua "nhà trên giấy" không có thông tin thực mà chủ yếu nghe từ thị trường, từ NĐT tự giới thiệu. Trong khi đó người tiêu dùng lại hoàn toàn chưa có thói quen phân tích pháp lý và phân tích thông tin khi tham gia thị trường. Đây chính là một trong những thách thức lớn đối với thị trường BĐS hiện nay. Bởi trên thực tế, quy định này chưa đủ sức kiểm soát được các rủi ro, hiện hình thức mua - bán "nhà trên giấy" đang chiếm tới 60-70% tổng lượng giao dịch bất động sản trên thị trường.
“Những dự án được huy động vốn khi mới chỉ nằm trên giấy là một trong những tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho khách hàng, nhất là khi vì một lý do nào đó mà dự án họ đã bỏ tiền ra góp vốn sau những lời hứa của chủ đầu tư vẫn chỉ là dự án “treo” - chuyên gia này cho biết.
Lý giải nguyên nhân cho nhận định này, chuyên gia phân tích: Thông thường các giao dịch BĐS khách hàng nếu đặt cọc thì chỉ đặt một phần nhỏ tiền xác định mình sẽ mua nhà đất, còn nếu hợp đồng góp vốn thì phải sinh lời. Nhưng ở đây, góp vốn thì bị DN BĐS lạm dụng vốn. Nhà đầu tư luôn ở thế “cầm dao đằng lưỡi” vì các giao dịch chỉ dựa trên sự tin tưởng vào uy tín của chủ đầu tư. Nếu chủ đầu tư không nghiêm túc, không giữ chữ tín thì việc nhà đầu tư thiệt là khó tránh khỏi!