Nâng cao chất lượng nhà ở cho công nhân là một trong những yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra trong buổi đối thoại với hơn 800 công nhân lao động mới đây.

Nhà ở công nhân mới đạt 28% nhu cầu

Tuy nhiên để đi đến thực tế là cả một thách thức không nhỏ. Bởi theo thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện cả nước có 2,8 triệu công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có 1,7 triệu người có nhu cầu về nhà ở.

Doanh nghiệp chưa mặn mà

Trong khi đó, theo số liệu từ Bộ Xây dựng, trên phạm vi cả nước, mới hoàn thành đầu tư xây dựng 87 dự án nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 28.800 căn hộ, mới đáp ứng được gần 28% nhu cầu về nhà ở cho công nhân. Như vậy, số lượng nhà ở cần đầu tư xây dựng để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là rất lớn.

Ông Bùi Phạm Khánh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã ra một số nguyên nhân có ít chủ đầu tư quan tâm tới phân khúc này. Thứ nhất là Nhà nước chưa có đủ nguồn lực tài chính để tập trung vốn đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội. Thứ hai là việc đầu tư đòi hỏi nguồn vốn lớn, nhưng nếu chỉ cho thuê và thuê mua thì thời gian thu hồi vốn rất dài, khả năng sinh lợi thấp. Thứ ba là Nhà nước chưa có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ về tín dụng, thuế đủ mạnh để thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển nhà cho công nhân ở các khu công nghiệp.

Còn trong một báo cáo hợp tác cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Bộ kế hoạch và Đầu tư nhận định việc huy động các nguồn vốn, nhất là vốn từ khu vực tư nhân để xây dựng còn khó khăn do đây là các dự án gắn liền với phúc lợi xã hội, có khả năng sinh lợi thấp và thu hồi vốn chậm. Trong khi đó, theo quy định về cách định giá nhà ở xã hội, tỷ lệ lợi nhuận không được vượt quá 10% chi phí đầu tư trong trường hợp xây nhà để bán, 15% trong trường hợp xây nhà để cho thuê, được cho là không phù hợp.

“Hiện tại các nhà đầu tư và cả những người công nhân vẫn đang hi vọng vào sự điều chỉnh trong chính sách hỗ trợ để có thể phát triển nhiều dự án nhà ở cho công nhân hơn” – báo cáo cho biết.

Trách nhiệm của toàn xã hội

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vấn đề thiếu hụt nhà ở cho công nhân tại các KCN là vấn đề cần được quan tâm một cách nghiêm túc. Đây cũng là mục tiêu trong Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là các mục tiêu về phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động tại các KCN giai đoạn 2016 – 2020 mà Chính phủ đã đề ra. Vì thế, trong thời gian tới cơ quan quản lý phải có chính sách hỗ trợ mới để khuyến khích, thu hút nguồn vốn xã hội hóa tham gia phát triển phân khúc này.

Mới đây nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và JICA đã phải đề xuất Chính phủ bãi bỏ quy định cách định giá nhà ở xã hội với tỷ lệ lợi nhuận không được vượt quá 10% chi phí đầu tư trong trường hợp xây nhà để bán, 15% trong trường hợp xây nhà để cho thuê, nhằm thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư bất động sản vào các dự án nhà ở xã hội, sau khi tiến hành một cuộc khảo sát về nhà ở của công nhân các khu công nghiệp.

Ngày 12/5/2017, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất". Mục tiêu từ năm 2017-2020 đầu tư xây dựng 50 thiết chế công đoàn trên cả nước; đến năm 2030, phấn đấu 100% khu công nghiệp, khu chế xuất phải có ít nhất 1 khu thiết chế công đoàn.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết, năm 2018 sẽ xây dựng 10 công trình nhà ở cho công nhân đầu tiên tại Hà Nam, Quảng Nam và Tiền Giang. Từ năm 2019 trở đi sẽ xây tiếp 40 công trình.

“Mô hình nhà ở cho công nhân với diện tích 3 m2 có giá 100 triệu đồng bán theo hình thức trả tiền toàn bộ khi nhận được nhà hoặc trả góp tối đa trong 10 năm. Mỗi hộ tiết kiệm 1,8 - 2 triệu đồng/tháng thì 5-7 năm sau sẽ trả được hết nợ. Chúng tôi đã làm việc với các ngân hàng để có gói tín dụng vay trong 10 năm"- ông Cường nói.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng kiến nghị, để đẩy nhanh tiến độ xây nhà ở cho công nhân cần sự quan tâm và có chính sách ưu đãi hơn nữa từ cơ quan quản lý như: Thủ tục hành chính, cấp đất sạch ở địa phương cần rút gọn, triển khai nhanh.

Thiên Bình (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.