79 công trình cao tầng, chung cư vi phạm phòng cháy, chữa cháy trong đầu tư xây dựng đã được UBND thành phố Hà Nội “điểm mặt, chỉ tên”, yêu cầu khắc phục trước ngày 30-7. Song, đến nay đã quá mốc thời gian quy định, mới có 13 công trình khắc phục xong và 1 công trình dừng hoạt động. Số công trình còn lại vẫn chưa hồi âm, đồng nghĩa với việc cư dân sinh sống tại đây từng ngày phải sống trong tâm trạng khắc khoải lo âu.
Khu đô thị Xa La (quận Hà Đông), nơi có nhiều vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và đã từng xảy ra hỏa hoạn lớn. Ảnh: Bá Hoạt
65 công trình chưa khắc phục tồn tại
Sau khi UBND TP Hà Nội có những biện pháp mạnh mẽ, đến ngày 31-7, có 14/79 công trình nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) khắc phục các tồn tại. Trong đó, 13 công trình đã được nghiệm thu về PCCC; 1 công trình đã dừng đưa vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về PCCC.
Một số công trình đã khắc phục vi phạm như: Chung cư CT2, Khu đô thị mới Cổ Nhuế; chung cư 2A Vinaconex 7, 136 Hồ Tùng Mậu; chung cư ngõ 259 phố Yên Hòa (Cầu Giấy); tòa nhà N07B1, Khu đô thị Dịch Vọng; chung cư ngõ 130 Nguyễn Đức Cảnh (Hoàng Mai); tổ hợp Artemis (đường Lê Trọng Tấn); tòa nhà HH2 ABC (Hà Đông); tháp C VC2 Golden Silk (Kim Văn - Kim Lũ)… Công trình tòa nhà N02-T3 - khu đoàn Ngoại giao (quận Bắc Từ Liêm) đã dừng đưa vào hoạt động.
Tuy nhiên, vẫn còn 65 công trình chưa hoàn thành việc khắc phục vi phạm, trong đó có 61 công trình đã được thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động; 3 chung cư chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC đã đi vào hoạt động; 1 công trình đã thi công nhưng chưa thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Công trình vi phạm về PCCC nằm chủ yếu ở quận Hà Đông, với 19 chung cư. Ít nhất là ở 4 quận, huyện: Ba Đình, Đống Đa, Đan Phượng, Hoài Đức, mỗi địa phương có 1 công trình vi phạm.
Đơn cử, tại tòa nhà New Skyline (lô CC2, Khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông), đại diện Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy số 9 cho biết, qua hai lần nghiệm thu, kết cấu buồng thang bộ thoát nạn của công trình vẫn chưa bảo đảm, hệ thống báo cháy ở một số vị trí chưa được gắn cố định trên trần, họng nước chữa cháy tại tầng hầm chưa đủ lưu lượng theo quy định... Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đã lập biên bản vi phạm hành chính, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư dừng ngay việc bàn giao căn hộ, khẩn trương khắc phục các tồn tại về PCCC.
Ngoài ra, đối với các chung cư của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên, đến thời điểm này cũng chưa khắc phục xong. Trao đổi với Báo Hànộimới, Đại tá Nguyễn Ngọc Châu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 8 cho biết, hiện các công trình của doanh nghiệp này tại quận Hoàng Mai như, chung cư CT11 (Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ), các tòa nhà chung cư VP3, VP5, VP6 (Khu đô thị Linh Đàm) vẫn đang trong quá trình khắc phục cơ bản những vi phạm.
Việc chủ đầu tư chậm khắc phục vi phạm PCCC trong đầu tư xây dựng, khiến cư dân sinh sống tại các chung cư này vẫn canh cánh nỗi lo, nhất là khi cách đây vài ngày (18-8), chung cư T2 thuộc tòa nhà Thăng Long Victory (Khu đô thị Nam An Khánh, huyện Hoài Đức) - một trong 65 công trình chưa khắc phục xong tồn tại đã xảy ra sự cố cháy tại tầng hầm. Đáng lo ngại hơn, theo Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội, từ đầu năm 2017 đến nay đã xảy ra 30 vụ cháy tại chung cư, nhà cao tầng.
Nguyên nhân do đâu?
Tập huấn cho người dân kỹ năng phòng cháy, chữa cháy tại các chung cư là việc làm rất cần thiết.
Theo một chuyên gia về thiết kế công trình xây dựng, chi phí để hoàn thiện hệ thống PCCC chiếm khoảng 2% tổng vốn đầu tư công trình. Đối với chung cư quy mô vừa, chi phí này chiếm khoảng 15-20 tỷ đồng. Trong khi đó, mức xử phạt hiện nay đối với hành vi vi phạm về PCCC trong đầu tư, xây dựng được quy định tại Nghị định 52/2012/NĐ-CP chỉ từ 10 đến 30 triệu đồng - con số quá nhỏ, không đủ tính răn đe đối với các chủ đầu tư.
Ngoài ra, theo Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy (Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội), nguyên nhân chủ yếu là do chủ đầu tư chây ỳ, không khắc phục tồn tại. Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp muốn khắc phục tồn tại, nhưng không có kinh phí. Chưa kể, có nơi cư dân không đồng ý cho chủ đầu tư khắc phục tồn tại vì lo ngại ảnh hưởng đến sinh hoạt. Hơn nữa, nhiều chung cư đã xây dựng được hơn mười năm, khó để tu sửa, lắp đặt lại hệ thống PCCC.
Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 50% trong 65 công trình cao tầng, chung cư, chủ đầu tư đã lên phương án khắc phục, những đơn vị còn lại tiếp tục cam đoan sẽ bổ sung, tu sửa hệ thống PCCC. “Với những công trình này, cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đã có những biện pháp như, tính toán lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động, sử dụng trụ chữa cháy đô thị bên ngoài tòa nhà để giảm lưu lượng cấp nước chữa cháy tại công trình...” - Đại tá Trần Văn Vụ cho hay. Ngoài ra, lực lượng cảnh sát phòng cháy và chữa cháy sẽ tăng cường tập huấn, phổ biến kiến thức và kỹ năng PCCC cho người dân đang sinh sống ở các chung cư.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố, thời gian tới, đối với những trường hợp chủ đầu tư, đơn vị quản lý chây ỳ, qua 3 lần kiểm tra vẫn cố tình không chấp hành việc khắc phục những tồn tại thì cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố sẽ có phương án đề xuất chuyển cơ quan điều tra tiến hành xử lý hình sự. “Vì sự an toàn của chính mình, chúng tôi khuyến cáo các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình không vào sinh sống, kinh doanh, làm việc tại các công trình chưa bảo đảm về PCCC” - Đại tá Trần Văn Vụ nói.
Ngày 9-8, UBND TP Hà Nội đã ban hành Văn bản số 3884/UBND-NC về Thực hiện một số giải pháp bảo đảm an toàn PCCC. UBND thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng tổng rà soát, kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm các cơ sở tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, trong đó có các công trình đưa vào sử dụng như, nhà chung cư... Thời gian thực hiện xong trước ngày 30-10-2017. Trước đó, UBND thành phố chỉ đạo các sở: Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên - Môi trường, từ ngày 1-7-2017 không giới thiệu địa điểm cấp đất, giao đất, cho thuê đất đối với các đơn vị đang là chủ đầu tư công trình nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư xây dựng chưa khắc phục tồn tại.
Tiến Thành (HNM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.