Từ ngày 27-31/5 tới đây, UBND huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) sẽ triển khai cưỡng chế hàng loạt công trình xây dựng trái phép, sử dụng đất sai mục đích trên đất nông nghiệp (ảnh minh họa)
Mua nhà đất bằng giấy viết tay
Những mảnh đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, những căn nhà xây trái phép trên đất nông nghiệp là những “sản phẩm bất động sản” hấp dẫn nhà đầu tư bởi có giá rẻ.
Tuy nhiên, người ta thường nói: tiền nào của nấy. Với những người đã trót mua phải những nhà đất ấy, đây là lúc họ nên lo lắng vì không biết lúc nào thửa đất ấy bị thu hồi, hoặc bị cưỡng chế tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép.
Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh Đắk Lắk đang ra quân cưỡng chế những công trình xây dựng trái phép, sử dụng đất sai mục đích trên đất nông nghiệp.
Và đây cũng là một bài học quý giá nhằm cảnh tỉnh cho những nhà đầu tư nào đang có ý định sẽ mua nhà đất bằng giấy viết tay tại địa phương này trong thời gian tới.
Dự kiến từ ngày 27-31/5 tới đây, UBND huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) sẽ triển khai cưỡng chế hàng loạt công trình xây dựng trái phép, sử dụng đất sai mục đích trên đất nông nghiệp do Công ty TNHH MTV cà phê Việt Thắng quản lý tại địa bàn thôn 8, thôn 13 xã Ea Tiêu.
UBND huyện Cư Kuin cho biết tình trạng xây dựng trái phép, sử dụng đất sai mục đích trên đất nông nghiệp do Công ty TNHH MTV cà phê Việt Thắng quản lý dọc quốc lộ 27, thuộc thôn 8, thôn 13 xã Ea Tiêu diễn ra trong nhiều năm, diễn biến ngày càng phức tạp gây khó khăn trong quá trình xử lý.
Theo thống kê, có 58 hộ gia đình, cá nhân vi phạm với 64 công trình, nhà xây dựng trái phép. Trong đó, từ năm 2015 đến năm 2017 là 34 công trình và từ năm 2017 đến nay là 30 trường hợp.
Trong số các trường hợp vi phạm, có một số trường hợp là người nhận khoán, một số trường hợp là người nhận chuyển nhượng đất nhận khoán trái quy định. Các đối tượng vi phạm tranh thủ thời gian ngày nghỉ, ngãy lễ, ban đêm khi không có lực lượng kiểm tra để tập kết vật liệu và tiến hành xây dựng.
Cũng theo UBND huyện Cư Kuin, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên. Trong đó, một phần do một số người dân nghĩ rằng diện tích đất này sau khi bị tỉnh thu hồi sẽ bàn giao về cho địa phương quản lý. Lúc đó, UBND huyện sẽ công nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ.
Điều này xảy dẫn đến tình trạng sử dụng đất sai mục đích, xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp. Vì lợi ích kinh tế, nhiều người đã đầu cơ, bỏ ra một số tiền lớn để mua bán đất trái phép, xây dựng nhà để ở và kinh doanh, buôn bán, chờ cơ hội sau này đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Lúc đó, nhà họ sẽ có vị trí mặt tiền quốc lộ 27 nên sẽ có giá trị kinh tế lớn.
Liệu giá đất có quay đầu giảm sâu?
Thời gian gần đây, thị trường bất động sản tỉnh Đắk Lắk khá sôi động, giá đất liên tục tăng cao, thậm chí đã xảy ra nhiều cơn sốt đất cục bộ tại các địa phương trong tỉnh.
Đến với thị trường bất động sản Đắk Lắk thời điểm này, nhiều nhà đầu tư đang tự hỏi liệu sau cơn sốt đất, giá đất tại Đắk Lắk có quay đầu giảm sâu?
Theo nhiều chuyên gia bất động sản, khi định giá mua một sản phẩm nhà đất là mua giá tương lai của sản phẩm ấy chứ không phải mua giá hiện tại.
Giá đất sốt ảo chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Vì vậy, khi giá đất tăng cao, hãy tìm hiểu xung quanh khu vực ấy xem định hướng trong phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật ra sao.
Những yết tố trên đang là chỗ dựa cho thị trường bất động sản Đắk Lắk, giúp giá giá đất tại nơi này chưa quay đầu giảm sâu sau cơn sốt đất vừa qua.
Tỉnh Đắk Lắk cho biết sẽ huy động mọi nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đô thị, góp phần sớm đưa thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.
Ngày 18/5/2022, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Kế hoạch số 111/KH-UBND về việc thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-HĐND ngày 21/12/2021 của HĐND tỉnh về Chương trình xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thành phố Buôn Ma Thuột được xác định sẽ trở thành đô thị xanh, sinh thái, thông minh, mang bản sắc riêng của Tây Nguyên với hạ tầng đồng bộ, đảm nhiệm chức năng đầu mối về thương mại, giao thông vận tải, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, chuyển giao khoa học - công nghệ của vùng.
Dự kiến đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 11%/năm; cơ cấu kinh tế ngành dịch vụ chiếm 62%; ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 30% trong cơ cấu kinh tế của thành phố; thu nhập bình quân đầu người đạt 150 triệu đồng/người/năm; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 125.000 tỉ đồng, tăng bình quân 14%/năm.
Sẽ có tuyến cao tốc kết nối Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột - Lâm Đồng? (ảnh minh họa)
Sẽ có tuyến cao tốc về Buôn Ma Thuột?
Cũng theo Kế hoạch của UBND tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021-2025, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng bình quân hàng năm 14%/năm, đạt khoảng 125.260 tỉ đồng.
Cùng với đó, giai đoạn 2026 - 2030, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 239.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước 21.200 tỷ đồng và nguồn vốn ngoài ngân sách (vốn doanh nghiệp, dân cư) là 217.800 tỷ đồng.
Trong giai đoạn sắp tới, UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ phát triển thành phố Buôn Ma Thuột có hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị theo hướng xanh, sinh thái, thông minh, hiện đại và kết nối cấp vùng.
UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị có liên quan chủ động thực hiện và tham mưu UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, đầu tư xây dựng các công trình, dự án động lực, trọng tâm.
Trong số đó có dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Buôn Ma Thuột - Liên Khương (Lâm Đồng), Cảng hàng không Buôn Ma Thuột thành Cảng hàng không quốc tế, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông thành phố Buôn Ma Thuột, đường vành đai phía Tây 2, dự án đầu tư xây dựng đường Trường Sơn Đông, nâng cấp Quốc lộ 26, 27, 29, 14C và 19C…
-
Buôn Ma Thuột đề xuất đầu tư khu đô thị hơn 8.000 tỷ đồng
Mới đây, TP. Buôn Ma Thuột đề xuất chủ trương đầu tư Dự án phát triển đô thị khu vực phía Đông và dọc hành lang suối Ea Nao - Ea Tam với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 8.000 tỷ đồng.
-
Đề xuất xây dựng khu công nghiệp 300ha tạo thêm hàng ngàn việc làm ở Đắk Lắk
UBND tỉnh Đắk Lắk vừa đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Phú Xuân, tọa lạc tại xã Ea Đrơng, huyện Cư Mgar, với tổng diện tích hơn...
-
Dự án cao tốc đầu tiên nối Tây Nguyên với duyên hải miền Trung đang làm tới đâu?
Tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột là cao tốc đầu tiên nối khu vực Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền Trung. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 22.000 tỉ đồng, khởi công xây dựng từ năm 2023....