Giải quyết nợ xấu là bài toán khó nhưng bắt buộc phải làm, mới tạo đột phá thúc đẩy nền kinh tế đi lên. Muốn giải quyết nợ xấu, trước hết phải làm rõ địa chỉ của nợ xấu, Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm chỉ rõ, nợ xấu đang tồn tại.

Thách thức phải vượt qua: Tái cấu trúc lại nền kinh tế

Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đánh giá: Năm qua, bên cạnh những điểm sáng của nền kinh tế, như xuất khẩu tăng 18% và lần đầu tiên nước ta xuất siêu đạt 284 triệu đô trong đó nông nghiệp vượt trội, đồng tiền ổn định so với đô-la Mỹ, lạm phát được kiềm chế ở mức 6,81%... thì nền kinh tế nước ta hiện hội tụ những yếu kém cả những vấn đề tình thế và lâu dài, cả ngắn hạn và dài hạn, đồng thời chịu tác động của sự suy thoái kinh tế thế giới. Nghĩa là đến 2012, chúng ta buộc phải giải quyết tất cả những vấn đề về kinh tế đặt ra, do những tồn tại yếu kém trước đó tích tụ lại. Vì thế, năm 2013 phải tạo ra một bước nhảy mới với tinh thần: Đổi mới, cấu trúc lại nền kinh tế, từ đó mới có điều kiện phát triển bền vững.

Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm đề xuất những vấn đề tình thế phải giải quyết là:

Thứ nhất, là giải quyết bằng được hàng tồn kho của các doanh nghiệp, hiện cao chưa từng có. Điển hình như xi măng, sắt thép, hàng nhu yếu phẩm, số lượng hàng chục ngàn căn hộ…làm sản xuất đình trệ, công nhân mất việc làm, doanh nghiệp, nhà sản xuất không vay vốn ngân hàng được. Giải quyết vấn đề này bằng cách: Nâng sức mua; giảm chi phí sản xuất; làm cho sản xuất, lưu thông hàng hóa trở lại bình thường. Đây là vấn đề chúng ta đã phát hiện từ năm 2012, nhưng chưa giải quyết được.

Thứ hai, là giải quyết nợ xấu. Nợ xấu có căn nguyên từ hàng tồn kho; từ việc cho vay dễ dãi; và do doanh nghiệp sử dụng vốn không hiệu quả (điển hình như vinashin, vinalines…). Nợ xấu hiện rất cao (khoảng 400.000 tỷ đồng) đã dẫn đến hệ lụy xấu đó là: Doanh nghiệp không vay được vốn và ngược lại, ngân hàng không thể cho vay do vướng nợ xấu. Muốn giải bài toán nợ xấu, thì phải giải quyết những ngân hàng yếu kém, nâng cao khả năng quản lý của ngân hàng và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Việc sắp xếp, kể cả xử lý sai phạm ở một số ngân hàng đã và đang tiến hành như bạn đọc đã biết.

Thứ ba, phải giải quyết được tình trạng trầm lắng của thị trường bất động sản. Hiện đang có tình trạng đầu cơ bất động sản kiếm lời là chủ yếu, không căn cứ vào nhu cầu của thị trường nhà ở. Số dư nợ chủ yếu nằm ở bất động sản (chiếm khoảng 1/3 dư nợ của ngân hàng), nợ xấu bất động sản chiếm khoảng 70% nợ xấu nói chung. Đây là nút thắt có tác động rất lớn tới nền kinh tế nếu được giải quyết.

Vạch rõ địa chỉ nợ xấu và quyết liệt xử lý

Giải quyết nợ xấu là bài toán khó nhưng bắt buộc phải làm, mới tạo đột phá thúc đẩy nền kinh tế đi lên. Muốn giải quyết nợ xấu, trước hết phải làm rõ địa chỉ của nợ xấu. Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm chỉ rõ, nợ xấu đang tồn tại dưới các dạng:

Một là nợ xấu trong bất động sản. Giải pháp cụ thể giảm nợ xấu trong bất động sản là giảm lượng hàng tồn kho, bằng cách: Giảm giá bán; chuyển công năng nhà từ chung cư cao cấp, nhà ở thương mại sang nhà chủ yếu dành cho người thu nhập thấp; khi hạ giá bán rồi mà người dân không có khả năng thanh toán, thì phải cho họ vay mua nhà bằng quỹ nhà hoặc ngân hàng cho vay với lãi suất thấp, thời gian trả dài (nhiều năm) người ta mới có khả năng thanh toán.

Địa chỉ thứ hai, là nợ xấu trong xây dựng cơ bản của Nhà nước. Cần phải nói thật, thời gian qua chúng ta kiểm soát không tốt tốc độ đầu tư xây dựng, nhiều địa phương như đại công trường, mới ghi vốn đã huy động doanh nghiệp vào cuộc, tỉnh Hà Giang là ví dụ đã gây hậu quả xấu. Tình trạng này dẫn đến chỗ, doanh nghiệp cứ vay vốn ngân hàng đầu tư trước, chờ ngân sách cấp vốn sau nhưng không kịp hoặc không có nguồn, thành nợ. Số này đọng chừng 100.000 tỷ đồng.

Giải quyết khoản nợ xấu này bằng cách, trước hết lên số liệu thật cụ thể các địa phương nợ đọng khoản này. Có kế hoạch trả từng giai đoạn từ nay đến 2015, trả xong 100.000 tỷ đồng bằng ngân sách. Nếu không, thiệt hại không chỉ cho doanh nghiệp mà cả các ngân hàng cũng phải chịu thua thiệt, cuối cùng đập vào lưng Nhà nước vì doanh nghiệp không làm ăn được thì cũng không có khả năng nộp thuế...

Thứ ba, là nợ xấu do sở hữu chéo. Thông thường, các ngân hàng huy động vốn trong dân để cho doanh nghiệp vay làm ăn. Nhưng vừa qua, không ít ngân hàng huy động vốn nhưng không cho doanh nghiệp vay, mà lại cho vay trang trải lẫn nhau giữa các ngân hàng và công ty con của ngân hàng. Dẫn đến tiền không vào sản xuất mà lòng vòng bù đắp nợ cũ, trở thành nợ xấu. Tháo gỡ khoản này, các ngân hàng phải phân định các khoản nợ, quy rõ trách nhiệm, trả lại nhau, còn thiếu bao nhiêu thì phải có địa chỉ, chủ thể chịu trách nhiệm một cách cụ thể.

Cuối cùng, là nợ xấu do bất khả kháng như thiên tai, bão lũ, dịch bệnh… Đây là những khoản bất khả kháng trong kinh doanh ngân hàng, giải quyết bằng cách trích quỹ dự phòng rủi ro.

Để doanh nghiệp vay được vốn, người thu nhập thấp có nhà ở

Giải quyết tình trạng nợ xấu trong bất động sản hiện nay cần gắn liền với giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp, thực hiện chiến lược nhà ở của Chính phủ. Để người thu nhập thấp mua được nhà, thuê được nhà, thì Nhà nước phải có chính sách nhà ở, có quỹ nhà do Nhà nước đảm nhiệm. Giải quyết kho bất động sản tồn đọng là vấn đề tình thế. Muốn người nghèo tiếp cận được nhà ở phải thông qua chính sách Nhà nước, cụ thể là: Lãi suất cho vay phải thấp hơn thị trường; có chính sách cho vay mua nhà với thời hạn trả dài từ 10 đến 15 năm; ban hành chính sách tín dụng dành cho người mua nhà ở và cần mở rộng diện người mua.

Còn doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay hay không, thì lãi suất không phải là yếu tố quyết định, Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm cho biết. Có 3 yếu tố tác động tới khả năng vay vốn của doanh nghiệp, đó là: Lãi suất giảm xuống; hàng tồn kho giảm và nợ xấu cũng phải giảm. Phải đồng thời giải quyết cả 3 yếu tố này, có lộ trình phù hợp, qua đó doanh nghiệp mới dễ dàng tiếp cận vốn vay, đẩy mạnh sản xuất.

Rõ trách nhiệm và địa chỉ chịu trách nhiệm

Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm cho rằng, tình trạng kinh tế hiện nay là cơ hội để chúng ta nói thẳng và làm thật quyết liệt, tái cấu trúc nền kinh tế, bởi các bệnh của nền kinh tế đã lộ rõ.

Muốn thoát khỏi tình trạng hiện nay thì điều quan trọng là phải rõ trách nhiệm và địa chỉ chịu trách nhiệm trước những vấn đề tồn tại nêu trên. Trách nhiệm đó cần được xác định rõ ràng, đó là: Những tồn tại thuộc về ngành Ngân hàng, nhất là nợ xấu thì do ngân hàng chịu trách nhiệm giải quyết; những tồn tại do cơ chế, chính sách tạo nên thì Nhà nước phải hỗ trợ (chẳng hạn thiệt hại do tỷ giá thay đổi, hay ban hành quyết định thiếu kịp thời trong xuất, nhập khẩu...); những tồn tại do doanh nghiệp gây ra thì doanh nghiệp phải chịu, ví dụ đầu tư không hiệu quả ở các doanh nghiệp bất động sản vừa qua… Tuy nhiên, phần Nhà nước sẽ phải chịu trách nhiệm chung. Ví dụ, ngân hàng phải trích quỹ rủi ro bù đắp thua thiệt, đồng thời hạ lãi suất xuống để cùng Nhà nước gánh hậu quả kinh tế hiện nay.

Lời tòa soạn:

Trước thực trạng nền kinh tế nước ta đan xen hai gam màu “sáng-tối” trong đó màu xám chi phối khá nặng nề bởi tình trạng hàng tồn kho lớn, thị trường bất động sản trầm lắng, nợ xấu ở mức báo động, sản xuất đình trệ, Chính phủ đã có nghị quyết đề ra những giải pháp cụ thể tháo gỡ tình trạng này. Để hiểu rõ hơn về các giải pháp của Chính phủ, thấy rõ tác động của các chính sách đó đối với đời sống dân sinh, qua đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân đưa đất nước vượt qua khó khăn, Báo CAND trân trọng gửi tới bạn đọc những đóng góp tâm huyết của các chuyên gia, các nhà quản lý nhằm biến nghị quyết của Chính phủ thành hiện thực.

Thanh Phong (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.