04/10/2012 8:27 AM
Tại buổi họp báo công bố Báo cáo cập nhật Triển vọng phát triển châu Á năm 2012 do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức ngày 3.10, ADB đã chia sẻ ý kiến về tình hình sở hữu chéo tại các ngân hàng thương mại tại Việt Nam hiện nay, về lạm phát và tăng trưởng kinh tế.

Ảnh minh họa. (Nguồn/TTXVN).

Hạ triển vọng tăng trưởng xuống 5,1%

Báo cáo của ADB cho biết, dựa trên kết quả đạt được 6 tháng đầu năm, ADB đã hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2012 của Việt Nam xuống còn 5,1% trước khi tăng lên 5,7% trong năm 2013.

Trước đó, hồi tháng 4 năm nay, ADB từng đưa ra nhận định tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam có thể đạt mức 5,7% và sẽ tăng lên 6,2% trong năm 2013.

Các chuyên gia của ADB nhìn nhận, sau khi tiến hành kiềm chế lạm phát và ổn định nền kinh tế trong năm 2011, sang năm nay, Chính phủ đã nới lỏng các chính sách tiền tệ và tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng.

Theo đó, những biện pháp bình ổn được thực hiện trong năm 2011 làm suy yếu nhu cầu nội địa và làm chậm lại đà tăng trưởng. Hệ quả là, tăng trưởng GDP của quý I chỉ đạt mức khiêm tốn 4% so cùng kỳ và 4,7% trong quý II, đưa tăng trưởng trong nửa đầu năm ở mức 4,4%.

Lý giải về sự cải thiện trong tăng trưởng GDP quý III, ADB cho rằng đây là kết quả của việc các ngành sản xuất, xây dựng, vận tải được cải thiện.

Tại báo cáo lần này, ADB cũng nhắc lại Chính phủ đã đối phó với các cuộc suy thoái trước đây bằng các chính sách chống khủng hoảng, qua đó, nỗ lực phục hồi tăng trưởng để đạt được mục tiêu nhưng lại thường kèm theo gây nên lạm phát và sự chậm trễ trong cải cách tài chính cũng như khu vực doanh nghiệp.

Trong lần cập nhật này, ADB dự báo đến cuối năm 2012, lạm phát cả nước sẽ là 7% trước khi tăng tốc lên 9,4% vào cuối năm 2013. Tỷ lệ lạm phát trung bình trong năm nay sẽ là 9,1%.

Giả định rằng chính sách nới lỏng trong giai đoạn dự báo ở mức trung bình, ADB cho rằng, dự kiến hoạt động kinh tế nửa cuối năm 2012 sẽ được cải thiện nhờ các chính sách thực hiện hồi đầu năm cùng với việc ngân sách có xu hướng được tăng tốc giải ngân vào cuối năm.

Minh bạch là chìa khóa

Tại buổi họp báo, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc ADB tại Việt Nam, đưa ra quan ngại về mối liên kết giữa các ngân hàng, bao gồm cả sở hữu chéo và việc ngân hàng cho vay các công ty liên quan.

Ông Kimura phân tích, bản chất của sở hữu chéo không phải là xấu. Một ngân hàng lớn khi có sở hữu tại các ngân hàng nhỏ, ngân hàng địa phương sẽ có những hỗ trợ rất tốt về thanh khoản khi những ngân hàng nhỏ này gặp khó khăn. Đồng thời, việc cử cán bộ đến các ngân hàng nhỏ cũng giúp nâng cao năng lực quản trị kinh doanh cho các ngân hàng này. Thế nhưng, hiện Việt Nam chưa có một văn bản pháp lý quy định cụ thể về sở hữu chéo, khiến việc này chưa được giám sát rõ ràng.

“Chính phủ Việt Nam cần có những điều hành rõ ràng, các ngân hàng cũng cần phải công bố thông tin minh bạch và giám sát việc sở hữu chéo” - ông Kimura khuyến cáo.

Trong báo cáo của mình, ADB cũng chỉ ra rằng rủi ro trong nước tác động triển vọng chủ yếu là từ lĩnh vực tài chính và có thể tăng lên cho đến khi vấn đề nợ xấu được giải quyết dứt điểm.

Ông Kimura nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế có khả năng sẽ bị chi phối bởi tiến độ giải quyết các vấn đề dễ tổn thương trong lĩnh vực tài chính. Chu kỳ tăng trưởng tín dụng nhanh chóng sau đó là chính sách thắt chặt và suy giảm tăng trưởng kinh tế, cùng với sự suy yếu của thị trường bất động sản, đã tạo ra ngày càng nhiều áp lực cho ngành ngân hàng.

Ông Kimura khuyến nghị: "Trong thời gian tới, cần tránh xu hướng thực hiện các chính sách trái ngược nhau như đã diễn ra trong lịch sử. Lộ trình cải cách của Chính phủ cần có một thời hạn cụ thể để tạo niềm tin của thị trường."

Cũng tại buổi họp báo, ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế của ADB, cho biết Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15-17%, tuy nhiên, vào cuối tháng 9, tín dụng chỉ tăng ước tính 1,9%.

Cũng theo ông Mellor, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đưa ra quy định trần lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ một số khách hàng vay ưu tiên nhất định. Chính vì vậy, lãi suất cho vay trung bình bằng VND ước tính giảm xuống còn 13%-15% trong tháng 8 nhưng vẫn còn ở mức cao đối với nhiều khách hàng vay. Tuy nhiên, hiệu quả của chính sách tiền tệ bị hạn chế bởi trần lãi suất quy định của Ngân hàng Nhà nước và bất ổn trong sức khỏe tài chính của các ngân hàng, khiến các ngân hàng thận trọng trong việc cho vay lẫn nhau.

"ADB ủng hộ các kế hoạch cải cách của Chính phủ và đánh giá cao các bước đi quan trọng đã được tiến hành cho đến nay như việc sáp nhập các ngân hàng yếu kém. Tuy nhiên, Chính phủ cần đưa ra lộ trình và thời hạn cụ thể trong việc cải cách lĩnh vực tài chính và doanh nghiệp Nhà nước để cải thiện niềm tin của thị trường và phục hồi cho vay," ông Tomoyuki Kimura nhấn mạnh./.

Theo Minh Thúy (Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.