30/03/2016 9:04 AM
Không có sổ đỏ, người dân chịu nhiều thiệt thòi về quyền lợi trên diện tích đất rừng của mình.
Những ngày qua, người dân các xã Đại Lãnh, Đại Hưng của huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam bất bình khi biết Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp của họ bị xã “giam” gần 4 năm nay.
Không có sổ đỏ, người dân chịu nhiều thiệt thòi về quyền lợi trên diện tích đất rừng của mình. Trước thực tế trên, lãnh đạo huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam chỉ đạo cuối tháng 3 này, những bìa đỏ không bị tranh chấp phải cấp ngay cho dân.
Ông Huỳnh Văn Hòa, thôn Hà Dục Đông, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam kể, trước đây, gia đình ông khai hoang 7 ha đất rừng tại khu đồi Bằng Trâm và Hóc Khế để trồng keo.
Ảnh minh họa
Năm 2009, đoàn cán bộ ở tỉnh, huyện và xã đến đây đo đạc, hứa sẽ cấp bìa đỏ cho gia đình ông canh tác lâu dài. Hơn 4 năm chờ đợi chẳng thấy bìa đỏ đâu, ông đến gặp cán bộ địa chính xã thì được biết, sổ đỏ của ông huyện chưa chuyển về xã. Mấy hôm nay dư luận xôn xao chuyện bìa đỏ, ông đến xã hỏi lần nữa được biết, sổ đỏ của gia đình ông nằm trong ngăn tủ ở xã gần 4 năm nay.
Xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam có 249 trường hợp bị xã “găm” sổ đỏ mấy năm nay. Ông Ngô Xuân Yến, Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh giải thích rằng, năm 2007, tỉnh Quảng Nam triển khai Dự án giao đất lâm nghiệp, xã chỉ có 1 cán bộ địa chính lại kiêm nhiều việc nên không đi xác minh cùng đoàn, chỉ có Ban Dân Chính thôn tham gia. Do đó, khi xác minh trở lại thấy nhiều trường hợp bị chồng lấn diện tích nên xã “tạm thời” không cấp phát bìa đỏ cho dân.
Ông Ngô Xuân Yến thừa nhận: “Sau khi có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng mới biết có nhiều vụ tranh chấp. Trước tình hình này, muốn cấp được cho nhân dân, cán bộ xã phải đi khảo sát thực tế lại”.
Tuy nhiên, khi được hỏi vì sao sổ đỏ xã chưa cấp cho dân mà biết được là có tranh chấp, lãnh đạo các xã Đại Lãnh, Đại Hưng đều cho rằng, căn cứ vào thực tế các vụ tranh chấp ở địa phương mà phỏng đoán như vậy. Còn việc xã “găm” sổ đỏ của dân cán bộ xã thừa nhận là sai.
Qua tìm hiểu được biết, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam có 18 xã, thị trấn; trong đó 13 xã, thị trấn có đất lâm nghiệp. Thực hiện dự án thành lập bản đồ tỉ lệ 1/10.000 và dự án KFW6, trong những năm qua, huyện đã phối hợp với các ngành liên quan và UBND các xã, thị trấn có đất lâm nghiệp triển khai đo đạc, lập hồ sơ địa chính và cấp hơn 3.600 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân. Tuy vậy, vẫn còn hàng ngàn sổ đỏ nằm im trong ngăn tủ ở các xã Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Sơn, Đại Chánh, Đại Thạnh…
Ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Cái sai đó là do của xã. Khi người dân có đủ điều kiện mà không cấp là sai hoàn toàn. Những cái nào không đủ điều kiện phải rà soát lại”.
Ông Lưu Văn Ba, Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam cho rằng, Văn phòng chưa nhận được đơn thư khiếu nại nào của người dân huyện Đại Lộc về việc chồng lấn đất rừng thuộc Dự án giao đất lâm nghiệp của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ông Ba cho biết thêm, trường hợp chồng lấn, UBND huyện cần có văn bản kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường để có phương án điều chỉnh kịp thời, hoặc UBND xã làm việc với Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Đại Lộc để giải quyết.
Về trường hợp ở các xã Đại Lãnh, Đại Hưng, huyện Đại Lộc, ông Lưu Văn Ba cho biết, sau khi tiến hành đo đạc, xã cam kết sẽ giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân dứt điểm vào tháng 11/2012 nhưng đến nay chưa trao là trách nhiệm thuộc về xã.
Ông Ba nói: “Khi đăng ký cấp giấy chứng nhận phải rà soát lại tất cả các thủ tục hồ sơ trước đây thật cụ thể. Nếu chồng lấn phải giải quyết dứt điểm. Còn nếu sai thì phải sửa, đó là chuyện rất bình thường”.
Việc giấy chứng nhận chưa đến tay người dân còn có nguyên nhân nữa là, sau khi đo đạc từ năm 2007 đến năm 2010, nhiều thửa đất nằm trong quy hoạch mới được phê duyệt phát triển khu đô thị, khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Ngoài ra, nhiều khu vực đất lâm nghiệp nhân dân đang sản xuất, nhưng trước đây thuộc đất rừng các dự án trồng rừng Quốc gia, do Nhà nước quản lý chưa có quyết định giao đất cho dân quản lý, sử dụng nên chưa thể trao giấy chứng nhận cho dân được. Rõ ràng, không thể đổ lỗi hết cho chính quyền xã khi mà có quá nhiều vướng mắc đằng sau tấm bìa đỏ.
Cơ quan quản lý nhà nước về đất đai ở tỉnh cần nghiêm túc đánh giá lại quá trình triển khai dự án và phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về việc đo đạc sơ sài, qua loa nên đã dẫn tới những tắc tách này./.
Hoài Nam (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.