14/06/2016 3:15 PM
Mới nghe có vẻ phi lý thế nhưng thực trạng đó đang diễn ra tại xã Hà Đông (H. Đăk Đoa, Gia Lai). Nguyên nhân là từ sự bất cập trong việc quy hoạch khiến hơn 840 hộ dân, chính quyền xã đều vi phạm khi ở, xây dựng trụ sở, nhà cửa, làm rẫy ngay trên đất lâm nghiệp.
Trường học, nhà dân đều xây dựng "trái phép" trên đất lâm nghiệp.
Cả xã "vi phạm"
Lâu nay người ta thường ví "xa như hốc Pờ Tó" nhưng có lẽ nhường cái sự xa đấy cho xã Hà Đông khi đường vào xã trước đây luôn sạt lở vào mùa mưa, một bên là vách núi thẳng đứng, một bên là vực thẳm. Từ khi tuyến đường vào xã được đầu tư xây dựng, đời sống người dân ở xã vùng sâu của H. Đăk Đoa đã có nhiều đổi thay rõ rệt. Cũng từ đó, nhu cầu sản xuất, trồng trọt của bà con cũng tăng theo. Thế nhưng, với hơn 840 hộ dân ở đây không thể có bìa đỏ để vay vốn làm ăn hay một tấc đất nương rẫy để sản xuất, bởi toàn bộ đất ở, đất sản xuất đều là đất lâm nghiệp thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) Đăk Đoa.
Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Việt, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Đầu năm nay trụ sở UBND xã Hà Đông mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chứ mấy năm trước là xây dựng "trái phép" trên đất lâm nghiệp của BQL RPH Đăk Đoa. Còn hiện giờ, nếu tính theo quy hoạch thì trạm xá hay trụ sở cũ của UBND xã, trường học, nhà dân đều "xâm chiếm" trên đất lâm nghiệp hết!". Tính sơ bộ, thì với 840 hộ dân tương ứng với hơn 4.600 nhân khẩu đều không có một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nào trong tay và toàn bộ đất ở, đất sản xuất đều là lâm phần thuộc quyền quản lý của BQL RPH Đăk Đoa. Tuy nhiên, thực tế mà UBND xã Hà Đông thống kê được hiện toàn xã có 140ha lúa nước và khoảng 4.000ha đất rẫy của người dân đều nằm trong 8 tiểu khu thuộc lâm phần của BQL RPH Đăk Đoa. Nghiễm nhiên, toàn xã đã "xâm chiếm" trái phép một diện tích đất lâm nghiệp khổng lồ.
Ông Hoàng Thi Thơ, Trưởng BQL RPH Đăk Đoa cho biết, toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp mà Ban quản lý là hơn 18.000ha, trong đó diện tích tại xã Hà Đông là khoảng 9.000ha và trong đó đất lâm nghiệp không có rừng là hơn 6.400ha. Theo ông Thơ, việc này là do từ bất cập trong việc thực hiện công tác quy hoạch vào năm 2008. Không hiểu vì lý do gì, việc quy hoạch đã "lấy" toàn bộ đất ở, đất sản xuất và gần như toàn bộ đất ở xã Hà Đông thành đất lâm nghiệp. Trong khi đó, xã Hà Đông là căn cứ địa cách mạng và người dân đã sinh sống, canh tác qua bao nhiêu đời ở đây.
"Chính vì nghịch lý đó mà khi chúng tôi kiểm tra việc người dân canh tác trên đất lâm nghiệp mà chúng tôi được giao quản lý, họ tỏ ra rất ngạc nhiên bởi mảnh đất rẫy đó đã được truyền qua đời ông, đời cha rồi. Năm 2009, tỉnh giao chúng tôi trồng 50ha rừng tại lâm phần ở xã Hà Đông, khi triển khai thì người dân của xã phản đối, họ khẳng định đó là đất rẫy cũ của họ qua bao đời. Chúng tôi phải hỗ trợ thêm cho người dân nhưng cũng chỉ trồng được 21,5ha rừng thôi", ông Thơ trình bày.
Không được bố trí đất sản xuất, người dân cũng đành phải bất chấp để làm rẫy trên những dốc núi cao.
Mong "một tấc đất cắm dùi"
Từ nghịch lý đó đã dẫn đến nhiều vấn đề bất cập trong công tác quản lý đất đai, công tác quản lý, phát triển và bảo vệ rừng cũng như phát triển sản xuất của người dân trên địa bàn xã Hà Đông. Cũng bởi không có một quy hoạch, không bố trí khu vực cấp đất sản xuất cho người dân nên người dân vừa canh tác trên rẫy cũ vừa tìm cách ken, lấn vào diện tích đất đang có rừng thuộc lâm phần của BQL RPH Đăk Đoa, kể cả vùng đệm Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Chính quyền UBND xã Hà Đông cũng tỏ ra lúng túng khi xảy ra tình trạng này, bởi không được cấp đất sản xuất, nên người dân vẫn giữ thói quen du canh. "Nhiều vụ tranh chấp đất giữa người dân làng này với dân làng khác nhưng xã cũng khó phân xử vì không có gì để chứng minh đó là đất rẫy của ai. Và khi nhắc nhở, xử lý người dân xâm chiếm đất lâm nghiệp thì gặp phản ứng cho rằng đó là đất rẫy cha, ông để lại", ông Chiên, Chủ tịch UBND xã Hà Đông cho biết.
Thế nên, những người dân ở xã Hà Đông đều chung mong muốn được Nhà nước bố trí đất sinh hoạt, đất sản xuất và đất đó được Nhà nước công nhận. Chị Giak (làng Kon Mahar, xã Hà Đông) bày tỏ: "Giờ mình chỉ mong Nhà nước cấp đất ổn định cho gia đình sản xuất, có đất rẫy mình mới yên tâm trồng cây mỳ, cây bời lời để tăng thu nhập được. Chứ bây giờ làm sợ các ngành chức năng, chính quyền địa phương nhắc nhở, không cho làm nữa". Theo tính toán của chính quyền địa phương, với hơn 4.600 nhân khẩu trong đó 99% là người đồng bào DTTS Ba Na thì cần có khoảng 2.800ha đất rẫy để bà con mới đủ để sản xuất, ổn định cuộc sống.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Long, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H. Đăk Đoa đề nghị: "Hiện việc phối hợp cùng các cơ quan chức năng để xử lý việc lấn chiếm đất lâm nghiệp rất khó, trong khi đó đất lâm nghiệp mà hiện người dân sản xuất cũng như mong muốn được sản xuất thì chủ yếu là đất không có rừng. Còn thực tế người dân ở xã Hà Đông có nhu cầu đất sản xuất rất lớn, thế nên đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét điều chỉnh lại quy hoạch đất lâm nghiệp. Phải làm sao đó có quỹ đất để cho người dân ổn định, đảm bảo cuộc sống". Điều đó không chỉ là mong muốn của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương mà còn là mong mỏi của hàng nghìn người dân ở xã vùng sâu của H. Đăk Đoa này.
CAĐN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.