Cấp tiền cứu doanh nghiệp làm BOT Đèo Cả không phải chuyện đơn giản, phải theo quy định về vốn đầu tư công hoặc nằm trong gói hỗ trợ cụ thể.

Ngày 24/7/2020, ĐBQH Hồ Thanh Bình bày tỏ nhiều sự băn khoăn trước kiến nghị của Bộ GTVT gửi tới Chính phủ xem xét bố trí 1.180 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ dự án BOT Đèo Cả để giúp doanh nghiệp tiếp tục có tài chính thực hiện dự án và không làm tăng thời gian thu phí hoàn vốn tại dự án này.

"Việc bố trí 1.180 tỷ đồng ngân sách cho doanh nghiệp làm dự án BOT Đèo Cả không phải chuyện đơn giản. Cần phải xem xét lại việc hỗ trợ khoản tiền này có đúng quy định pháp luật về vốn đầu tư công hay không?

Bên cạnh đó, phía doanh nghiệp và Bộ GTVT cần đưa ra một bản giải thích đầy đủ, lý do vì sao cần khoản tiền này, và nếu có khoản tiền này thì sẽ thực hiện vào những việc gì, ảnh hưởng tới toàn diện dự án như thế nào?" - ông Bình nêu quan điểm.

Được biết, số tiền 1.180 tỷ đồng mà Bộ GTVT kiến nghị từng nằm trong gói hơn 5.000 tỷ đồng mà Chính phủ từ đồng ý chi cho việc giải phóng mặt bằng, tái định cư... để doanh nghiệp thực hiện dự án BOT Đèo Cả trong giai đoạn 2014 - 2016.

BOT Đèo Cả đang nhận được nhiều ưu ái từ Bộ GTVT?

Tuy nhiên, sau khi thực hiện xong việc giải phóng mặt bằng, tái định cư, bàn giao đất cho doanh nghiệp thì còn dư 1.180 tỷ đồng và Chính phủ đã thu hồi lại số tiền này.

ĐBQH Hồ Thanh Bình cho biết, số tiền này còn nằm trong vốn đầu tư công trung hạn của Chính phủ nên có thể giải ngân. Thế nhưng không phải vì thế mà cứ có kiến nghị của các Bộ, ngành là Chính phủ lại phải giải ngân để cho hết số tiền mà cần căn cứ vào thực tế, tình hình triển khai dự án của doanh nghiệp và lý do nào để làm căn cứ giải ngân khoản tiền này. Khoản tiền đó phải nằm trong kế hoạch đầu tư trong một thời gian cụ thể hoặc nằm trong gói hỗ trợ cụ thể của Chính phủ dành cho doanh nghiệp gặp ngoại cảnh tác động như ảnh hưởng của dịch bệhh Covid-19.

"Có nhiều nguyên nhân dẫn đến dự án BOT Đèo Cả gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai dự án. Có thể đó là do bản thân doanh nghiệp đó hoặc cũng có thể bị tác động từ ngoại cảnh như dịch Covid-19... Tùy từng trường hợp mà Chính phủ cần phải cân nhắc kỹ xem có chấp nhận kiến nghị của Bộ GTVT đối với dự án BOT Đèo Cả hay không" - ông Bình nói.

Về việc Bộ GTVT cho rằng, nếu Chính phủ không chấp nhận đề xuất giải ngân 1.180 ngân sách cho dự án BOT Đèo Cả sẽ làm ảnh hưởng tới thời gian thu phí hoàn vốn tại dự án. Theo đó, trường hợp không được bổ sung 1.180 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn của dự án từ 27 năm 5 tháng sẽ tăng lên khoảng 32 năm 2 tháng.

Nói về điều này, ĐBQH Hồ Thanh Bình cho rằng, cần phải xem xét kỹ hợp đồng đã ký với nhà đầu tư BOT Đèo Cả như thế nào, phần vốn đầu tư công tại dự án ảnh hưởng tới thời gian thu phí hoàn vốn dự án BOT Đèo Cả ra sao?

Số tiền ngân sách có trong dự án có được tính vào kế hoạch thu phí hoàn vốn tại dự án hay không? Nếu có tính vào thì thông thường số tiền tăng lên thì thời gian thu phí tăng lên, số tiền giảm đi thì thời gian thu phí cũng giảm đi chứ khó có chuyện số tiền giảm đi mà thời gian thu phí hoàn vốn tăng lên như Bộ GTVT đã đưa ra.

"Bộ GTVT và doanh nghiệp cần phải đưa ra được cơ sở khoa học và thực tế cho việc nếu số tiền 1.180 tỷ đồng ngân sách không được chi ra thì sẽ làm tăng thời gian thu phí hoàn vốn dự án? Từ đó mới có cơ sở để xem xét kiến nghị của Bộ GTVT đúng hay không để chấp thuận hay bác bỏ kiến nghị này" - ĐBQH Hồ Thanh Bình nêu quan điểm.

Trước đó, nói về việc Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chi 1.180 tỷ đồng cứu BOT Đèo Cả, ông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội cho rằng, về hình thức, trong quản lý nhà nước của ngành GTVT có gì khó khăn, vượt tầm kiểm soát thì cần kiến nghị lên Chính phủ để được hỗ trợ giải quyết.

"Đó là việc làm đúng quy trình, không có gì sai. Tuy nhiên, trong kiến nghị cứu BOT Đèo Cả này, Bộ GTVT phải giải thích rõ vì sao dự án đó làm xong rồi mà giờ đưa lên thì hẫng hụt tài chính để bây giờ phải bù lỗ", ông Liên nói.

Ông Liên thẳng thắn nhận xét, thời gian qua, BOT của ngành GTVT xảy ra quá nhiều việc mà Bộ chưa giải quyết dứt điểm. Các doanh nghiệp vận tải cũng bất lực trước việc kêu cứu nhiều lần mà Bộ chưa để ý đến những lời kêu cứu đó, chỉ giải quyết việc đầu tư cơ bản mà chưa có giải pháp gì.

Ngành giao thông đường bộ khó khăn vô cùng mà Bộ cũng chưa có chính sách nào quan tâm đúng mức, chỉ quan tâm đến sự thua thiệt của các doanh nghiệp BOT.

Cũng theo ông Liên, ông thấy hơi khó hiểu vì trong suốt thời gian qua Bộ GTVT đề xuất làm rất nhiều dự án lớn, đường cao tốc hàng trăm, nghìn tỷ nhưng chưa bao giờ thấy đề cập tới chính sách phát triển vận tải.

Phải chăng, trong tư duy của cơ quan quản lý chỉ có làm dự án, còn thu từ đâu, tạo ra nguồn thu từ đâu là việc của cơ quan khác lo?".

"Kiểu điều hành mạnh ai nấy làm đang đẩy các doanh nghiệp vận tải vào thế khó, khiến các doanh nghiệp rất chản nản. Tôi tin sẽ ít có cơ quan, bộ ngành nào ủng hộ hay tán thành với đề xuất của Bộ GTVT", ông Liên thẳng thắn.

Chủ đề: Các dự án BT, BOT,
Ngọc Vân (Báo Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.