Tỷ lệ nhà biệt thự bỏ hoang ngày càng nhiều gây lãng phí một nguồn lực lớn của xã hội. Tuy nhiên việc đánh thuế đối với những ngôi biệt thự này cũng gặp nhiều ý kiến đồng tình, nhưng cũng có những ý kiến tỏ ra băn khoăn với biện pháp này.

Trong khó khăn chung của thị trường BĐS (BĐS), phân khúc biệt thự/nhà liền kề Hà Nội được cho là rơi vào tình cảnh khó khăn nhất khi mà tỷ lệ giao dịch ở mức rất thấp. Theo đánh giá của Savills Việt Nam, mặc dù giá chào bán biệt thự/nhà liền kề thời gian qua vẫn tiếp tục giảm, nhưng thanh khoản thị trường vẫn thấp. Đặc biệt, các dự án ở vùng 2 vẫn trầm lắng và không có ai hỏi mua.

Ảnh: MH

Anh Nguyễn Văn Nam, một nhà môi giới BĐS cho biết, trên thị trường tỷ lệ rao bán biệt thự khá nhiều, nhưng hầu như không có người hỏi mua. Một khách hàng của anh đang rao bán một căn biệt thự tại Resco Cổ Nhuế có diện tích 250m2 xây thô 3,5 tầng, đầy đủ gara, sân vườn với mức giá 85 triệu đồng/m2. So với thời điểm trước thì mức giá này đã giảm rất nhiều. Tuy nhiên mặc dù rao bán lâu nhưng vẫn chưa gặp được khách hàng nào hỏi mua.

Theo đánh giá của Savills Việt Nam, thị trường BĐS tuột dốc kéo theo các nhà đầu tư (NĐT) và người dân chưa tin tưởng vào thị trường này. Một khó khăn nữa đối với phân khúc này đó là đề án đánh thuế đối với biệt thự bỏ hoang đang được TP. Hà Nội đề xuất với Bộ Tài chính. Theo đó, biệt thự bỏ hoang 3 tháng có thể áp thuế khoảng 5% trên giá trị hợp đồng, còn sau một năm biệt thự vẫn bỏ hoang sẽ bị tính thuế 10% trên tổng giá trị biệt thự. Nếu đề án này thông qua thì những căn biệt thự sẽ gánh thêm chi phí khiến cho thị trường càng thêm khó.

Theo kết quả kiểm tra của Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) và Sở Xây dựng Hà Nội, hiện có khoảng 655 biệt thự và 574 nhà liền kề đã hoàn thành phần thô hoặc mặt ngoài nhưng chưa đưa vào sử dụng. Những căn biệt thự bỏ hoang tập trung chủ yếu ở các khu như: Mỹ Đình, Cổ Nhuế, Linh Đàm, Lê Văn Lương kéo dài...

Hàng loạt biệt thự bỏ hoang là hệ quả của một quá trình đầu cơ của các NĐT khi thị trường BĐS hưng thịnh. Các khu biệt thự xây lên không với mục đích để ở mà được các NĐT mua đi bán lại nhiều lần. Bên cạnh đó phải kể đến thị trường BĐS thời gian qua đóng băng nên những ngôi biệt thự mới được xây cũng không có nhiều người mua. Chính vì vậy mà tỷ lệ nhà biệt thự bỏ hoang ngày càng nhiều gây lãng phí một nguồn lực lớn của xã hội. Tuy nhiên việc đánh thuế đối với những ngôi biệt thự này cũng gặp nhiều ý kiến đồng tình, nhưng cũng có những ý kiến tỏ ra băn khoăn với biện pháp này.

Anh Hoàng Anh Tuấn (Linh Đàm) cho rằng, mức đánh thuế 5 hay10% đối với nhà biệt thự là quá cao và không hợp lý vào thời điểm này. Đầu tư mua nhà biệt thự cũng với mong muốn đem lại hiệu quả, tuy nhiên trước tình hình thị trường BĐS khó khăn như hiện nay thì anh không thể bán hay cho thuê được. Vì vậy anh đành phải để hoang và chờ cơ hội. Với mức thuế này thì chắc chắn sẽ phải bỏ số tiền khá lớn cho căn biệt thự bỏ hoang của mình.

Ông Nguyễn Trung Hải - Giám đốc Công ty BĐS Phú Gia cho rằng, việc đánh thuế biệt thự bỏ hoang là cần thiết nhằm hạn chế sự lãng phí về nhà, chống sự đầu cơ BĐS cũng như sự lãng phí tài nguyên đất. Nhưng đưa ra mức thuế như thế nào cho hợp lý cần phải xem xét kỹ lưỡng để phù hợp với tình hình thực tế. Trong việc sửa đổi Luật Đất đai sắp tới cũng cần quan tâm đến vấn đề này nhằm tránh tình trạng đầu cơ BĐS.

Mặc dù thị trường biệt thự/nhà liền kề rớt giá nhưng nguồn cung tương lai lại có nhiều dấu hiệu tăng lên. Khảo sát của Savill Việt Nam cho thấy, trong quý III vừa qua, thị trường Hà Nội tiếp tục đón nhận 3 dự án mới là khu đô thị mới Vạn Phúc, Phú Lương và Tiên Phương với gần 930 căn. Đến nay, thị trường biệt thự, nhà liền kề có khoảng hơn 41.000 căn từ 122 dự án. Dự kiến, trong thời gian tới, thị trường Hà Nội sẽ đón nhận 70 dự án nhà liền kề, biệt thự trên 14 quận, huyện với quy mô 9.500 ha.

Theo Nguyễn Minh (TBNH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.