Vài ngày qua, việc thị trường ngoại tệ “chợ đen” nhộn nhịp hoạt động trở lại với tỷ giá của một số điểm giao dịch ngoài luồng cao hơn tỷ giá trần chính thức là lý do xuất hiện tâm lý hoài nghi về cam kết ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Chính tâm lý này đã tác động trở lại, đẩy cầu USD lên cao, tạo ra những căng thẳng nhất định trên thị trường... Phóng viên ĐTTC đã có cuộc trao đổi với TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, chung quanh vấn đề

PV: - Thưa ông, sau khi NHNN tuyên bố điều chỉnh tỷ giá USD/VNĐ 1% vào ngày 27-6, những biến động gần đây trên thị trường ngoại tệ đã khiến một số nhà quan sát quốc tế đưa ra nhận định NHNN có thể sẽ sớm phải tiếp tục can thiệp. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

- TS. Võ Trí Thành: - Đúng là hiện nay có tình trạng giá USD “chợ đen” tăng cao hơn so với mức trần được NHNN công bố. Đồng thời, trước đây các NHTM thường giao dịch dưới biên độ, nhưng bây giờ đều ở mức kịch trần. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tỷ giá USD/VNĐ biến động, cụ thể VNĐ có xu hướng mất giá so với USD.

Đầu tiên phải khẳng định xu thế tăng giá khá mạnh của USD trên thị trường thế giới so với 6 đồng tiền chủ chốt.

Thứ hai, việc 1-2 tháng gần đây Việt Nam quay lại nhập siêu và kỳ vọng tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm lạc quan hơn cũng dẫn đến việc tăng nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất.

Thứ ba, nhìn vào mặt bằng lãi suất hiện nay, doanh nghiệp và người dân cũng có xu hướng mua sẵn USD để không phải chịu sức ép vào dịp cuối năm. Một nguyên nhân nữa là giá vàng trong nước cao hơn so với giá vàng thế giới, điều này tạo ra cơ hội đầu cơ hưởng chênh lệch giá nên vẫn có một khoản ngoại tệ được bỏ ra để nhập lậu vàng về.

Rồi một số nhà đầu tư nước ngoài đã bỏ vốn vào thị trường trái phiếu Việt Nam có động thái bán chốt lời, sau đó mua USD để chuyển lợi nhuận về. Cuối cùng là hiệu ứng tâm lý, trong đó có vấn đề thông tin chưa thật đầy đủ, minh bạch trong khi thị trường vàng vẫn chưa thật sự yên ả sau thời hạn tất toán vàng 30-6...

- Trong bối cảnh đó, ông lượng định tình hình sắp tới có đáng lo ngại? Dự báo của các tổ chức quốc tế về việc tiếp tục phá giá VNĐ liệu có thành hiện thực?

- Thứ nhất, cần khẳng định Việt Nam vẫn kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, bên cạnh chính sách tài khóa tiền tệ đảm bảo vừa linh hoạt vừa chặt chẽ, vẫn phải làm cho tiền Việt “hấp dẫn” hơn ngoại tệ, tránh tình trạng “đô la hóa”. Một động thái dễ thấy là đồng thời với việc giảm lãi suất VNĐ, lãi suất tiền USD cũng giảm. Thứ hai, room điều chỉnh (không quá 3%) vẫn còn và xét tổng thể tôi cho rằng NHNN hoàn toàn có thể hiện thực hóa cam kết đó.

Dự trữ ngoại hối đang tăng mạnh, theo một số tổ chức quốc tế dự báo đến cuối năm nay có thể đạt trên 40 tỷ USD. Cán cân thanh toán quốc tế vẫn thặng dư (dù có thể không cao bằng năm ngoái, nhưng dòng tiền vào vẫn lớn hơn tiền ra khoảng 3-4 tỷ USD).

Cộng với khả năng rất hiện thực là lạm phát có thể giữ được ở mức dưới 7% thì NHNN hoàn toàn có đủ lực để thực hiện cam kết. Tại từng thời điểm cán cân cung - cầu USD có thể có biến động, nhưng nhìn chung tôi cho là vẫn chưa quá căng thẳng.

Còn có tiếp tục phá giá (trong biên độ 3% - PV) hay không và thời điểm nào là bài toán có nhiều biến số mà NHNN phải tính kỹ. Nhưng có thể thấy bài toán này năm nay đã được NHNN giải một cách linh hoạt hơn năm ngoái, ít nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp nông thôn thông qua việc hỗ trợ sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu.

- Như vậy có thể hiểu là tình hình chưa thật sự đáng lo ngại?

- Có một vấn đề cần lưu ý là thị trường tài chính Việt Nam hết sức nhạy cảm trước những biến số vĩ mô, cho nên các thông điệp truyền thông phải rất rõ ràng và mạnh mẽ. Chính phủ cần khẳng định chắc chắn là Việt Nam kiên định với mục tiêu ổn định vĩ mô với chính sách tiền tệ linh hoạt nhưng thận trọng và không có chuyện nới lỏng ồ ạt hay bung ra những gói kích cầu lớn như năm 2009.

Cũng cần công khai, minh bạch những thông tin đủ để thị trường tin tưởng rằng cam kết của NHNN dựa trên những cơ sở thực tế chứ không phải chỉ khẳng định suông để tạo lòng tin.

- Xin cảm ơn ông.

Trả lời phỏng vấn mới đây Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, việc NHNN điều chỉnh tăng 1% tỷ giá vào ngày 28-6-2013 nhằm phản ánh chính xác hơn cung cầu ngoại tệ trên thị trường, tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ trong thời gian tới và tỷ giá này là phù hợp.

Tuy nhiên, vài ngày gần đây, tỷ giá có xu hướng tăng, đặc biệt là tỷ giá trên thị trường tự do. Diễn biến tỷ giá những ngày gần đây đang bị chi phối chủ yếu bởi yếu tố tâm lý, không xuất phát từ mất cân đối cung cầu ngoại tệ, và có lý do một phần từ việc thanh khoản đồng Việt Nam đang dồi dào nên một số ngân hàng gia tăng hoạt động mua vào ngoại tệ.

Bên cạnh đó, cũng không loại trừ khả năng một số đối tượng kinh doanh ngoại tệ bất hợp pháp trên thị trường tự do lợi dụng cơ hội để đầu cơ, làm giá ngoại tệ nhằm kiếm lợi bất chính.

Theo dự báo của NHNN, cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2013 sẽ tiếp tục thặng dư trong khi nhu cầu ngoại tệ trong quý III-2013 theo khảo sát có tăng nhưng sẽ không đáng kể, ít có khả năng gây áp lực cho tỷ giá.

Trên cơ sở dự báo vĩ mô cũng như định hướng điều hành chính sách tiền tệ, NHNN khẳng định không điều chỉnh tỷ giá và sẽ áp dụng các biện pháp kiên quyết để ổn định tỷ giá trong đó có cả việc bán ngoại tệ can thiệp mạnh để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường.

NHNN có trách nhiệm điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam, thực hiện các biện pháp đồng bộ để cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Anh Thư (Sài Gòn đầu tư tài chính)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.