Đất công vị trí “vàng” bị người dân lấn chiếm, dựng hàng trăm ngôi nhà trước sự buông lỏng của chính quyền, cơ quan chức năng. Khi sự việc vỡ lở, chính quyền địa phương loay hoay tìm cách xử lý, thậm chí có dấu hiệu hợp thức hóa.

Nhà hàng tiệc cưới dựng trên đất quốc phòng

Ðất quốc phòng bị lấn chiếm, cho thuê

Phó Chủ tịch UBND phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) Nguyễn Minh Đức xác nhận với phóng viên Tiền Phong, do có nguồn gốc đất quốc phòng, nên hiện trạng đất ở tại hẻm 568 (đường Nguyễn Văn Cừ) không được cấp sổ đỏ. Toàn bộ dãy nhà ở (trong đó có biệt thự) đều là xây dựng trái phép. “Người dân xây dựng trái phép, chúng tôi mới xử phạt hành chính, nhưng chưa hộ nào bị cưỡng chế”, ông Đức nói. Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, hiện nay nhiều hộ dân còn công khai chào bán đất với giá 1,2 tỷ đồng/lô 150 m2.

Lạ lùng nhất là, đất quốc phòng tại TP Buôn Ma Thuột còn được cho thuê không đúng mục đích nhiều nơi. Theo thống kê của Sở Xây dựng Đắk Lắk, đất thuộc quản lý của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk (tại đường Mai Hắc Đế) nhưng lại cho cá nhân thuê làm quán cà phê, nhà hàng tiệc cưới (nhà hàng Victory và quán cà phê Arabica), nhà nghỉ… Tại đường Hùng Vương, đất quốc phòng cũng được cho thuê làm sân bóng đá mini và nhiều dịch vụ khác. Báo cáo của Sở Xây dựng Đắk Lắk cho thấy, những địa điểm cho thuê này đều được Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk xin chủ trương đầu tư và được UBND tỉnh này và Bộ Tư lệnh Quân khu V đồng ý.

Những việc nêu trên tồn tại suốt thời gian dài, dường như không ai hay biết. Thế nhưng, khi được hỏi về hướng xử lý tại các điểm trên, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng nói rằng sẽ cho anh em kiểm tra lại.

Ðùn đẩy trách nhiệm

Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh Đắk Lắk nghiên cứu báo cáo, kiến nghị của Tổng Cty cà phê Việt Nam về tình trạng nhiều hộ dân lấn chiếm đất, chống đối nộp sản phẩm tại 7 đơn vị cà phê thành viên ở huyện Cư Kuin.

Theo đó, tình trạng lấn chiếm đất nông nghiệp trên diện tích giao khoán tại các công ty thành viên của Tổng Cty cà phê Việt Nam diễn ra rất phức tạp. Người dân đã rao bán trao tay đất công trái phép với giá từ 120 đến 150 triệu đồng/mét ngang (tương đương hơn 600 triệu/100 m2). Ngoài ra, còn có việc người dân tự ý phá cao su đã trồng theo hình thức liên kết với doanh nghiệp quản lý đất, rồi đem bán thu lợi bất chính. Tình trạng này xảy ra phổ biến tại lâm phần của Cty TNHH MTV cà phê Việt Đức (đơn vị thành viên của Tổng Cty cà phê
Việt Nam).

Do chính quyền các cấp buông lỏng quản lý, đến nay đã có tổng cộng 64 hộ dân lấn chiếm đất như trên. “Tổng Cty đã báo cáo khẩn cấp cho các ngành, các cấp chính quyền địa phương, nhưng không được xử lý”, lược trích báo cáo của Tổng Cty cà phê Việt Nam. Trong khi đó, lãnh đạo UBND huyện Cư Kuin thừa nhận, để xảy ra tình trạng trên, có một phần trách nhiệm của chính quyền địa phương. Nhưng, trách nhiệm chính vẫn thuộc các công ty cà phê thành viên do đã buông lỏng quản lý đất đai; không kiểm tra các hợp đồng giao khoán và thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ được giao.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin Võ Tấn Huy xác nhận, thực trạng dân lấn chiếm đất công dựng nhà (như trên) là có thật. “Huyện đã thành lập tổ vận động hộ dân lấn chiếm đất tự tháo dỡ công trình vi phạm. Trường hợp họ không chấp hành, chúng tôi sẽ thành lập đoàn cưỡng chế”, ông Huy nói.

Dãy nhà ở xây dựng trái phép tại hẻm 568. Ảnh: Văn Chương

Theo báo cáo của Tổng Cty cà phê Việt Nam, tổng công ty được UBND tỉnh Đắk Lắk cho thuê gần 1.000 ha, trong đó tại huyện Cư Kuin có hơn 500 ha để trồng, sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê. Tình trạng các hộ dân tự ý phân lô đất được giao khoán để xây nhà, mua bán trái phép diễn ra phổ biến tại các công ty thành viên, với gần 550 trường hợp.

Nói về hướng xử lý hộ dân lấn chiếm đất của Tổng Cty cà phê Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Võ Văn Cảnh cho biết, tới đây tỉnh sẽ xin ý kiến của Trung ương. Ông Cảnh nói: Quan điểm của UBND tỉnh, đất thuộc quản lý của Tổng Cty cà phê Việt Nam, không để cho dân lấn chiếm; dựng nhà. Cũng theo vị này, còn đất quốc phòng bị dân lấn chiếm, dựng nhà trái phép, UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ tạo điều kiện thuận lợi và từng bước hợp thức hóa theo hướng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân (tùy từng giai đoạn).
Vũ Long (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.