Đường Đồng Văn Cống, đoạn từ giao lộ Mai Chí Thọ đến cảng Cát Lái và điểm cuối là phà Cát Lái bắc qua sông Đồng Nai, được xem là điểm đen về ùn tắc giao thông cũng như những tai nạn gây chết người. Hàng loạt giải pháp của chính quyền đã được đưa ra, hàng ngàn tỷ đồng đã được đầu tư nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện.

Đầu tư như muối bỏ biển

Ông Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch UBND quận 2, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2016, có trên 5 triệu lượt phương tiện ra vào cảng Cát Lái, riêng xe container, xe tải chở hàng chiếm gần 3,2 triệu lượt. Như vậy, trung bình mỗi ngày trên 17.000 lượt xe, những ngày cuối tuần trên 19.000 lượt và ngày cao điểm có trên 21.000 lượt, vượt quá khả năng thông hành của các tuyến đường và nút giao thông dẫn vào cảng. Còn theo Bộ Giao thông-Vận tải, lượng xe container ra vào khu cảng này chiếm tới gần 50% lượng hàng hóa ra vào hệ thống cảng biển trong cả nước. Tỉnh lộ 25B (nay là đường Đồng Văn Cống) hàng dãy xe container nối đuôi nhau lưu thông, cùng lúc xe tải, xe gắn máy chen nhau chạy, chỉ cần một sự cố nhỏ ngay lập tức toàn tuyến đường bị tê liệt. Nạn kẹt xe ở đây xảy ra như cơm bữa, bởi các trục đường này và đặc biệt đường Mai Chí Thọ là trục đường xe tải, xe container được lưu thông 24/24 giờ để ra vào khu cảng biển Cát Lái.

Tình trạng ùn tắc giao thông đang diễn biến hết sức phức tạp và chủ yếu xảy ra ở các tuyến đường như: Nguyễn Thị Định (đoạn từ vòng xoay Mỹ Thủy đến phà Cát Lái), đường Vành đai phía Đông (từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy), đường Đồng Văn Cống và đường Mai Chí Thọ. Nguyên nhân gây ra tình trạng này do mặt đường nhỏ, hẹp, trong khi lượng xe container, xe hàng tập trung về cảng Cát Lái ngày càng tăng cao. Bên cạnh đó, thời gian làm thủ tục trong cảng chậm, dẫn đến tình trạng hàng trăm phương tiện xếp hàng dài trên đường để chờ tới lượt. Nút giao An Phú là nút giao đồng mức (giao thông trên mặt bằng đường, không có cầu vượt, hầm chui) nên không đáp ứng được lượng xe qua lại. Chính vì vậy tình trạng tai nạn trên đoạn đường này cũng hết sức phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm 2016, tai nạn giao thông trên địa bàn quận tăng cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương và ùn tắc giao thông xảy ra triền miên.

Để khắc phục tình trạng này, từ nhiều năm qua TPHCM đã đầu tư rất nhiều cho hệ thống giao thông ở khu vực Cát Lái. Trong đó có dự án cải tạo và mở rộng liên Tỉnh lộ 25B, xây dựng cầu Giồng Ông Tố, cầu Mỹ Thủy trị giá hơn 612 tỷ đồng, hoàn thành vào năm 2010. Trước đó là dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, xây mới cầu Rạch Chiếc, đường Mai Chí Thọ (thuộc dự án xây dựng Đại lộ Đông Tây)… để phục vụ và hỗ trợ nhu cầu giao thông ở Cát Lái. Ngoài ra, TP còn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng xây cầu Phú Mỹ, đường nối cầu Phú Mỹ với Xa lộ Hà Nội… Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực này, giao thông tại khu vực Cát Lái vẫn diễn biến phức tạp. Mới đây TP lại tiếp tục đầu tư nút giao thông Mỹ Thủy với tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, nút giao thông An Phú. Tuy nhiên đầu tư nhiều vẫn như muối bỏ biển, tình hình giao thông tại khu vực này vẫn chưa có chiều hướng cải thiện.


Ùn ứ làn xe ô tô trên xa lộ Hà Nội, đoạn gần nút giao thông Cát Lái.

Ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển

Theo quan sát của ĐTTC, hầu hết dự án nhà ở nằm trên trục đường Đồng Văn Cống đều gặp rất nhiều trở ngại do giao thông quá khó khăn và nguy hiểm. Hàng loạt dự án BĐS tại phường Thạnh Mỹ Lợi được triển khai cách đây hơn 10 năm nhưng đến nay hầu như chưa có ai đến ở. Anh Trần Quang Bình, một khách hàng, cho biết sau khi xem quảng cáo một dự án căn hộ của Công ty K. nằm ở cuối đường Đồng Văn Cống, thấy giá cả hợp lý, khoảng cách không quá xa nơi anh đang làm việc. Nhưng sau khi đi “thực địa” anh đã không ngần tại từ chối thẳng thừng. “Công việc của tôi thường về tối lại hay tiếp khách, xe container như vậy quá nguy hiểm. Đó là chưa kể hàng ngày phải đưa đón con nhỏ đến trường, hoàn toàn không an tâm tí nào” - anh Bình nói. Chính vì vậy, nhiều công ty BĐS có dự án khu vực này nhưng lại thuê một khu đất tại phường An Phú hay An Khánh để làm nhà mẫu cho tiện khách tham quan.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia BĐS, cảng Cát Lái đã “giết chết” hàng loạt dự án nhà ở tại khu vực này. Trong trường hợp bài toán giao thông vào cảng Cát Lái được giải quyết, giá trị đất đai tại đây sẽ tăng lên nhanh chóng. Sự tắc nghẽn giao thông tại đây cũng tác động không nhỏ đến sự phát triển của Nhơn Trạch (Đồng Nai). Rất nhiều dự án tại Nhơn Trạch hạ tầng được đầu tư bài bản nhưng vẫn rất khó thu hút khách từ TPHCM. Mới đây Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho TPHCM bổ sung quy hoạch đến năm 2020 một cây cầu nối từ quận 2 (khu vực Cát Lái) bắc qua sông Đồng Nai vào Nhơn Trạch (Đồng Nai) được người dân hồ hởi đón nhận. Kỳ vọng quy hoạch này sớm được thực hiện để góp phần giải tỏa điểm đen về giao thông tại cửa ngõ phía Đông này.

Bình Minh (ĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.