Kết quả của cuộc nghiên cứu khảo sát lần thứ 11 do Grant Thorton Việt Nam tiến hành dựa trên quan điểm và triển vọng của lĩnh vực đầu tư tư nhân tại Việt Nam đã cho thấy rằng bất động sản, du lịch và khách sạn là các ngành có mức độ hấp dẫn đối với nhà đầu tư nhất hiện nay tại Việt Nam, chỉ đứng sau ngành bán lẻ và thực phẩm và đồ uống.

Về mức độ hấp dẫn đầu tư, theo nhà nghiên cứu, phần lớn ý kiến (54%) vẫn cho rằng Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đầu tư. Thêm vào đó, 51% ý kiến phản hồi cho rằng họ sẽ gia tăng phân bổ đầu tư vào Việt Nam trong vòng 12 tháng tới. Trong đó, ngành BĐS được tin là đã chạm đáy và số lượng giao dịch đã gia tăng. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang ngày càng lạc quan về các yếu tố căn bản lâu dài của thị trường BĐS dựa trên thế mạnh về nhân khẩu trẻ của Việt Nam và tin rằng nền kinh tế hiện nay đang ở thế vững chắc với dự báo mức tăng trưởng 5,9% cho năm 2014. Hơn nữa, các nhà đầu tư cũng đang hết sức hào hứng với dự thảo luật Nhà ở đang được Quốc hội xem xét cho phép sở hữu lớn hơn bởi nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Thị trường BĐS của Việt Nam vẫn hấp dẫn trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài

Một điều đáng mừng đó là đối với các nhà đầu tư nước ngoài, có bốn yếu tố quan trọng chính được cân nhắc khi đầu tư vào Việt Nam, đó là minh bạch trong hoạt động kinh doanh, dự báo/kế hoạch tăng trưởng, chiến lược phù hợp, và sự hỗ trợ của ban lãnh đạo công ty mục tiêu. Trong đó, minh bạch được xem là yếu tố quan trọng nhất, với 21% ý kiến, tăng 2% so với cuộc khảo sát lần trước. Đây đặc biệt là một vấn đề quan trọng với các nhà đầu tư tư nhân vì họ mất nhiều thời gian, chi phí và khó khăn để thu thập thông tin hỗ trợ cho quyết định đầu tư của họ.

Con số để minh chứng niềm tin của giới đầu tư vào VN vẫn mạnh mẽ, thể hiện ở số vốn FDI 6 tháng đầu năm rót vào thành phố khá ấn tượng.

Chỉ tính riêng tại TP.HCM, tính từ đầu năm đến ngày 2.7, có 182 dự án tổng có vốn đầu tư nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 971,63 triệu USD (bằng 424,37% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ 2013). Trong đó, có 55 dự án tăng vốn đầu tư với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 110,07 triệu USD. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay vốn đầu tư nước ngoài, tính chung cấp mới và vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 1,08 tỷ USD (bằng 191,96% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2013). Xét về lĩnh vực đầu tư, trong những tháng đầu năm 2014, kinh doanh bất động sản là lĩnh vực thu hút nguồn vốn FDI đầu tư cao nhất, với 5 dự án có tổng vốn đăng ký trên 385 triệu USD (chiếm tỷ lệ 39,71% trổng tổng vốn FDI đăng ký).

Theo đánh giá của Sở KHĐT TPHCM, từ năm 1988 đến nay, lĩnh vực kinh doanh BĐS vẫn chiếm ưu thế trong thu hút FDI, với 243 dự án đầu tư có tổng vốn đăng ký trên 12 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 36,68 trong tổng vốn đăng ký. Tính chung cả dự án cấp mới và dự án điều chỉnh tăng vốn, giá trị vốn đầu tư thu hút được trong 6 tháng đầu năm bằng 424,37% so với cùng kỳ năm 2013. Điều này thể hiện niềm tin mạnh mẽ của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của thành phố bất chấp một số diễn biến bất lợi trong thời gian vừa qua.

Bảo Chương (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.