CafeLand - Kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát, thị trường vàng chuyển biến khó lường, thị trường chứng khoán và thị trường bất động trầm lắng…Và hiện nay, vấn đề nợ công là một điều đáng lo ngại trong thời gian tới.

Nỗi lo nợ công


Thời gian vừa qua, khủng hoảng nợ công xảy ra chủ yếu các nước phát triển và mới nổi như: Mỹ, Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Nhật Bản. Và giờ đây, nguy cơ nợ công đang rình rập Việt Nam, một điều đáng lo ngại của các nhà chức trách.


Bất động sản trước áp lực nợ công

Nguồn: Bộ Tài chính


Theo báo cáo của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, nợ công Việt Nam năm 2007 là 33,8% GDP. Tỷ lệ này tiếp tục gia tăng từ năm 2008 đến nay, năm 2008 nợ công tăng lên 36,2% GDP, năm 2009 là 41,9%, năm 2010 tỷ lệ này nâng lên 56,7%, tương đương 1.122 ngàn tỷ đồng. Đến hết năm 2011, theo dự báo của Cục quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, nợ công ở mức 58,7% GDP, tương đương 1.357 nghìn tỷ đồng.


Trong cơ cấu nợ của Việt Nam, nợ vay nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 70%, còn lại là nợ nội địa. Trong 56,7% GDP của năm 2010, nợ nước ngoài chiếm tới 42,2% GDP, tương đương 835 nghìn tỷ đồng, chủ yếu là các khoản vay ODA. Với tỷ trọng nợ nước ngoài cao dẫn đến cơ cấu nợ trong tương lai sẽ gặp nhiều rủi ro và các khoản nợ vay nước ngoài phụ thuộc tỷ giá. Vì thế, Chính phủ khó kiểm soát kịp thời các món nợ trước các biến động kinh tế thế giới.

Lối thoát nào cho Bất động sản?

Ở khía cạnh lãi suất, theo nhận định của các nhà kinh tế, một khoản nợ công lớn sẽ gây ra hiệu ứng thế chỗ cho vốn tư nhân, nghĩa là thay vì sở hữu cổ phiếu hay trái phiếu công ty, dân chúng sở hữu trái phiếu Chính phủ dẫn đến cung về vốn cạn kiệt vì tiết kiệm của dân cư đã chuyển thành nợ Chính phủ. Hơn nữa, để huy động người mua, Chính phủ phải nâng lãi suất trái phiếu. Khi lãi suất trái phiếu tăng thì lãi suất chung của nền kinh tế cũng tăng. Điều này làm cho các doanh nghiệp đầu tư bất động sản lại gặp khó khăn về tài chính như tình trạng hiện nay.

Bên cạnh đó, nợ công Chính phủ lớn dẫn đến lãi suất trong nước tăng tương đối so với lãi suất nước ngoài. Điều này thu hút luồng tiền từ nước ngoài đổ vào trong nước, nếu lượng tiền này quá nhiều sẽ gây áp lực lên tỷ giá. Tỷ giá tăng làm gia tăng chi phí đầu vào kéo theo lạm phát gia tăng. Vì thế, Chính phủ tiếp tục sử dụng chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát, bài toán lãi suất sẽ gây áp lực cho thị trường bất động sản.

Hiện tại, nợ công của Việt nam vẫn được đánh giá an toàn. Tuy nhiên, trong cơ cấu nợ có nhiều rủi ro tiềm ẩn. Do đó, Chính phủ cần có các công cụ quản lý nợ công hiệu quả, ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng nợ công. Vấn đề nợ công được đảm bảo, lạm phát được kiềm chế, lộ trình giảm lãi suất không gặp nhiều trở ngại, đồng thời các chính sách Chính phủ đối với bất động sản thông thoáng hơn thì thị trường bất động sản sẽ có cơ hội trở về quỹ đạo phục hồi để bắt đầu chu kỳ tăng trưởng mới.

Tường Vy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.