CafeLand - Nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy Quảng Nam xác định xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị là một trong 3 nhiệm vụ chiến lược đột phá, được xem là động lực quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản địa phương này tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tiếp tục phát triển mạnh mẽ hạ tầng và đô thị

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường vừa ký ban hành Chương trình hành động số 01-CTr/TU về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020-2025, gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, các Đảng bộ trực thuộc tỉnh và các đơn vị có liên quan.

Một dự án lớn của Tập đoàn VinGroup tại vùng Đông Quảng Nam

Theo đó, đối với vấn đề xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị, Tỉnh ủy Quảng Nam giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chủ trì tham mưu nhiều vấn đề quan trọng.

Cụ thể, huy động các nguồn lực để thúc đẩy xây dựng, hoàn thiện và phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình, dự án quan trọng, có sức lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển. Có thể kể đến như, hệ thống cảng biển và sân bay quốc tế Chu Lai gắn với logistics, hạ tầng đáp ứng dự án khí – điện, hệ thống giao thông,…. Chú trọng đầu tư một số cầu qua sông Trường Giang, sông Cổ Cò,…

Tập trung thu hút đầu tư, hoàn chỉnh hạ tầng các khu công nghiệp hiện có; nghiên cứu phát triển thêm các khu, cụm công nghiệp mới theo quy hoạch.

Bên cạnh đó, đề ra các cơ chế, chính sách và nhiệm vụ, giải pháp phát triển đô thị bền vững đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 37%; đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 40%.

Trong đó, chú trọng việc phát triển đô thị Hội An thành đô thị đặc thù tương đương tiêu chí đô thị loại II, phát triển thị xã Điện Bàn trở thành đô thị loại III, hướng đến là thành phố trực thuộc tỉnh giai đoạn 2025 – 2030. Đặc biệt, hình thành 3 đô thị mới (Duy Hải – Duy Nghĩa, Bình Minh và Bình Hải) là đô thị loại V và từng bước kết nối hình thành chuỗi đô thị Nam Hội An đạt các tiêu chí đô thị loại IV theo hướng đô thị du lịch, dịch vụ cấp vùng; xây dựng Duy Xuyên trở thành thị xã vào năm 2030,…

Ngoài ra, Tỉnh ủy Quảng Nam cũng xác định việc huy động các nguồn vốn từ ngân sách, đất đai, xã hội hóa và nhất là nguồn vốn ODA để thực hiện các dự án hạ tầng phát triển tổng hợp tỉnh Quảng Nam. Đồng thời, đầu tư phát triển hạ tầng các đô thị động lực, các tuyến giao thông kết nối, thu gom và xử lý nước thải, ứng phó với biến đổi khí hậu. Mời các tổ chức tư vấn quốc tế có uy tín tham gia thực hiện điều chỉnh Quy hoạch vùng của tỉnh và tham gia Quy hoạch tỉnh Quảng Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Vùng Đông Quảng Nam sẽ phát triển ra sao trong 5 năm tới?

Tỉnh ủy Quảng Nam cũng đã xác định việc tích cực làm việc với Trung ương để đề xuất áp dụng một số cơ chế đặc thù riêng cho các dự án động lực trong Khu kinh tế mở Chu Lai.

Đôi bờ sông Cổ Cò sẽ khoát lên mình chuỗi đô thị mới

Tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông Vận Tải lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, có năng lực đầu tư xây dựng sân bay Chu Lai trở thành Trung tâm dịch vụ hàng không quốc tế đa chức năng. Đồng thời đầu tư phát triển cảng biển Chu Lai trở thành cảng loại I quốc gia,…

Mở rộng diện tích khu công nghiệp Đông Nam Thăng Bình theo định hướng 800 ha, thu hút các ngành công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp khác.

Hình thành trục đô thị - du lịch ven sông Cổ Cò. Đẩy mạnh đầu tư chuỗi du lịch – dịch vụ cao cấp ven biển từ Thăng Bình đến Núi Thành, dọc theo sông Trường Giang và tuyến đường Võ Chí Công; kết hợp phát triển du lịch cộng đồng với các làng nghề truyền thống, du lịch sinh thái đông quê.

Phấn đấu đến năm 2025, hình thành được một số khu du lịch lớn tại vùng Đông Nam Thăng Bình, vùng Đông Tam Kỳ và huyện Núi Thành.

Tại khu vực phía Bắc gồm các xã Bình Minh, Bình Đào, Bình Hải, Bình Sa, Bình Nam của huyện Thăng Bình sẽ tập trung phát triển du lịch đặc thù, cao cấp, các khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp, hiện đại.

Tại khu vực các xã Tam Thăng, Tam Thanh, Tam Phú của TP. Tam Kỳ và xã Tam Tiến, Tam Hòa thuộc huyện Núi Thành sẽ tập trung phát triển các khu dịch vụ, giải trí cao cấp, khu đô thị có chức năng dịch vụ - du lịch; du lịch nông nghiệp, trải nghiệm, làng nghề truyền thống.

Khu vực thị trấn Núi Thành, các xã Tam Hiệp, Tam Hòa, Tam Anh Bắc, Tam Nghĩa thuộc huyện Núi Thành sẽ tập trung phát triển các khu nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái đồng quê, du lịch gắn với Cảng hàng không quốc tế Chu Lai.

Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh khu công nghiệp chuyên Nông – Lâm nghiệp Thaco Chu Lai. Xây dựng và phát triển mô hình khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Thăng Bình gồm các xã Bình Sa (190ha); Bình Giang, Bình Phục (150ha); Bình Dương (370 ha),….

Lê Phước Bình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.