24/12/2013 11:34 PM
Nhận định về xu hướng thị trường năm 2014, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, cùng với việc các chính sách đi vào cuộc sống, thời gian tới, thanh khoản sẽ tốt hơn và chắc chắn thị trường sẽ từng bước hồi phục.

Năm của chính sách hỗ trợ bất động sản

Dấu ấn lớn nhất của thị trường bất động sản trong năm 2013 là nhiều chính sách đã được ban hành nhằm thúc đẩy thị trường phát triển, trong đó, nổi bật nhất là Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu của Chính phủ.

Để triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và nhiều bộ, ngành khác đã nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách về quản lý đô thị, phát triển nhà ở, kinh doanh bất động sản, chính sách thuế liên quan đến kinh doanh bất động sản, đầu tư dự án, tín dụng hỗ trợ cho bất động sản...

Thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ khởi sắc từ quý III/2014

Tính đến tháng 9/2013, chỉ riêng Bộ Xây dựng đã soạn thảo, trình và được cấp có thẩm quyền ban hành, hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền 10 văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở và kinh doanh bất động sản. Ngoài ra, còn nhiều đề án, văn bản quy phạm pháp luật khác đang trong giai đoạn hoàn thiện để ban hành.

Đơn cử, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 02/2013/TT-BXD ngày 8/3/2013 hướng dẫn việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, hoặc công trình dịch vụ. Ban hành Thông tư số 07/2013/TT-BXD ngày 15/5/2013 quy định về đối tượng, điều kiện cho các đối tượng cho vay để thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có diện tích sàn nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; và cho chủ đầu tư vay để triển khai các dự án nhà ở xã hội hoặc các dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính, nghiên cứu đề xuất với Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh các cơ chế, chính sách về thuế, tài khóa, miễn, giảm tiền sử dụng đất nhằm khuyến khích phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp theo tinh thần Nghị quyết 02/NQ-CP.

Trong quá trình triển khai, để tháo gỡ vướng mắc, ngày 17/6/2013, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 1183/BXD-QLN gửi 5 ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm cổ phần chi phối, được chỉ định triển khai gói 30.000 tỷ đồng là Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) và Ngân hàng TMCP Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB), yêu cầu các ngân hàng tổng hợp các vướng mắc phát sinh khi triển khai cho vay theo Nghị quyết số 02/NQ-CP đối với hộ gia đình, cá nhân. Tiếp đó, ngày 25/6/2013, Bộ Xây dựng tiếp tục có Văn bản số 1250/BXD-QLN gửi các ngân hàng này để hướng dẫn xác định đối tượng cho vay theo Thông tư số 11/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước và Thông tư số 07/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Để đẩy nhanh quá trình giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, ngày 31/10/2013, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 18/TT-BXD sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2013/TT-BXD theo hướng mở rộng đối tượng được tiếp cận và nới điều kiện tiếp cận gói 30.000 tỷ đồng cho các đối tượng.

Ngoài các chính sách trên, còn có nhiều văn bản luật khác liên quan đến thị trường bất động sản được ban hành trong năm 2013 như Nghị định số 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Thông tư liên tịch số 20/2013/TTLT-BXD-BNV ngày 21/11/2013 của Bộ Xây dựng - Bộ Nội vụ hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/1/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị, đặc biệt là Luật Đất đai sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua...

Kỳ vọng “điểm rơi”

Nhìn lại năm 2013, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đánh giá, với hàng loạt chính sách liên quan đến thị trường bất động sản được ban hành, tình hình thị trường bất động sản nói chung và thị trường nhà ở nói riêng đã có phản ứng tích cực, niềm tin của thị trường đang dần được hồi phục. Cơ cấu nguồn cung nhà ở đã bắt đầu có sự điều chỉnh phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường, nên thanh khoản, nhất là phân khúc nhà ở xã hội và những căn hộ có diện tích nhỏ, giá dưới 15 triệu đồng/m2 tăng lên đáng kể.

Với việc các chủ đầu tư tích cực thực hiện công tác maketing, linh hoạt trong bán hàng, tăng khuyến mại, chiết khấu... giúp giá nhiều dự án giảm mạnh so với thời điểm “sốt nóng” của giai đoạn 2008 - 2010, thậm chí, nhiều dự án giá giảm tới 50%, trở về giá tương đương thời điểm 2006.

“Giá bất động sản thời gian qua giảm mạnh, trở về với giá trị thực, bởi giá thời kỳ bất động sản nóng là giá ảo”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đánh giá và cho biết, các chủ đầu tư cũng buộc phải giảm giá bán để tăng thanh khoản, giảm thiểu hàng tồn kho, tránh đọng vốn. Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư cũng tiết giảm chi phí không cần thiết để giảm giá thành sản phẩm...

“Có thể nói, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đã đạt được những kết quả khả quan ban đầu. Tuy nhiên, thị trường bất động sản rất rộng lớn và phức tạp, liên quan đến nhiều loại thị trường khác. Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, cần sự quyết tâm và nỗ lực không chỉ của ngành xây dựng, mà còn phải có sự phối hợp chặt chẽ và vào cuộc của các ngành, các cấp, các địa phương. Bên cạnh đó, các chính sách điều tiết thị trường cũng cần phải có thời gian để có thể đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Đồng tình với nhận định trên, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, tính đến thời điểm hiện nay, các chính sách liên quan đến thị trường bất động sản (trong đó có Luật Đất đai sửa đổi vừa mới được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực kể từ 1/7/2014) đã được hoàn thiện tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, cũng còn có một vài quy định pháp luật còn vướng mắc nên cần được sửa đổi kịp thời. Đồng thời, hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Đất đai sửa đổi cần gấp rút ban hành cho kịp thời điểm có hiệu lực của sắc luật này.

“Tôi kỳ vọng ‘điểm rơi’ của chính sách sẽ là thời điểm từ quý III/2014 và khi đó, thị trường bất động sản chắc chắn sẽ khởi sắc hơn”, ông Ánh nhận định.

Minh Nhật (Đầu tư Chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.