Nhu cầu ở là một nhu cầu thiết yếu và chính đáng đối với mỗi người dân. Nhà nước nên có chính sách an dân, tức là mỗi một người dân có quyền sở hữu quyền sử dụng đất ở tối thiểu 16 m2, 25 m2 hoặc 40 m2 tùy theo qui định, mà ở đây số m2 này không phải chịu bất kỳ một loại thuế nào.
Nếu có sở hữu thêm quyền sử dụng đất ở 1m2 nào thì phải đánh thuế gia tăng theo khung, bậc và phải đánh thuế thật cao để tránh trường hợp đầu cơ và tích tụ đất ở gây nên lãng phí tài nguyên quốc gia.
Lãng phí ở đây là lãng phí kép:
1- Lãng phí do một lượng tiền, vàng chạy lòng vòng, luẩn quẩn và chôn vào bất động sản.
Tiền, vàng này do đâu mà có? Vàng phải nhập từ nước ngoài, tiền phải bảo chứng bằng vàng từ nước ngoài.
Tính trên bình diện vĩ mô thì nguồn lực này không tạo ra sản phẩm hữu ích và giá trị thặng dư có lợi cho đất nước. Nó chỉ chuyển động từ túi của những người ít hiểu biết hoặc biết nhưng cắn răng chịu đựng để đi vào túi nhiều kẻ cơ hội, những người có đặc quyền đặc lợi…
2- Lãng phí do không tạo ra lợi nhuận cho quốc gia:
Nghĩa là nếu nguồn lực này đầu tư vào nghiên cứu sản phẩm mới, công nghệ mới hoặc sản xuất ra một sản phẩm cụ thể để xuất khẩu ra khỏi biên giới Việt Nam để đem vàng và đô la về cho Việt Nam thì đó không phải là lợi ích sao?
Hãy nghĩ về một điều đơn giản là tại sao một công ty Đài Loan thành lập được một nhà máy sản xuất ra khăn lạnh chỉ 500 đồng một cái nhưng họ có có thể mang hàng triệu đô la về nước mỗi năm? Tại sao có hàng ngàn nhà máy sản xuất của Hàn Quốc, Nhật Bản có mặt trên đất nước Việt Nam mà chúng ta lại có rất ít nhà máy của chính mình. Chúng ta đang làm thuê cho nước ngoài ngay trên mảnh đất của quê hương mình.
3- Lãng phí thứ ba là lãng phí cơ hội để Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu.
Kết luận: Không nên kích thích thị trường bất động sản, không nên quá chú tâm vào tăng thu ngân sách từ sang nhượng đất đai. Hãy đầu tư cho kinh tế tri thức, kinh tế sản xuất-xuất khẩu và gia tăng đầu tư cho khoa học để tạo ra các loại tài sản mềm như Google, Microsoft, Facebook…