Ngày càng có nhiều căn hộ phù hợp với nhu cầu người dân được đưa ra thị trường-Ảnh Thoa Nguyễn
Điểm chờ… cuối năm 2013?
Tại buổi tọa đàm về triển vọng thị trường bất động sản 2013 diễn ra ngày 23-10 tại Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Dầu khí toàn cầu (GP - Invest), đã đề cập những khó khăn của thị trường bất động sản và cho biết doanh nghiệp này chưa đưa ra quyết định khởi công dự án trên mảnh đất đẹp tại Hà Nội. Vệc khởi công dự án được dời đến thời điểm tháng 7, tháng 8 năm 2013 vì theo ông Hiệp, khi đó vấn đề tái cấu trúc hệ thống ngân hàng hoàn tất thì doanh nghiệp mới có thể đưa ra những chính sách hợp lý.
Còn ở thời điểm hiện tại, Công ty cổ phần Đầu tư Dầu khí toàn cầu vẫn đang ở trạng thái cầm cự và cố gắng tồn tại. Ông Hiệp cho rằng, ở vào thời điểm này, doanh nghiệp nên chờ đợi thời cơ. “Khả năng phải đến cuối năm 2013 may ra thị trường mới hồi phục trở lại được”, ông Hiệp dự báo.
Như vậy, việc tái cấu trúc ngân hàng sẽ tác động rất lớn đến các chủ đầu tư địa ốc, nhất là doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào vốn vay ngân hàng. Trước việc một số doanh nghiệp chờ đợi hệ thống ngân hàng được làm sạch mới tính đến chuyện khởi công dự án, ông Trần Văn Tần, Trưởng phòng tín dụng, Vụ tín dụng Ngân hàng Nhà nước, cho rằng không nên chờ nhà băng tái cơ cấu mới triển khai dự án mà cần tự cân đối dòng tiền để có thể sống được trong bối cảnh hiện nay.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Tần cũng cho hay, năm tới, tín dụng cho bất động sản cao cấp, văn phòng cho thuê vẫn bị kiểm soát chặt chẽ, song “ngân hàng vẫn mở hầu bao đối với các dự án sắp hoàn thiện, nhà ở xã hội…”, ông Tần nói.
Không đưa ra dự báo về thời điểm thị trường bất động sản có thể phục hồi, nhưng ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện chiến lược phát triển cho rằng bất động sản sẽ hồi sinh nếu có những chính sách đúng đắn về kiều hối và vàng. Ông Thắng phân tích, trung bình mỗi năm lượng kiều hối đổ về trong nước khoảng 10 tỉ đô la Mỹ... và trong bối cảnh vốn địa ốc khan hiếm, nếu đưa được những nguồn tiền từ kiều hối, vàng vào bất động sản thì thị trường sẽ ấm lên.
Tuy nhiên, đại diện Viện chiến lược cũng cho rằng, để "giải cứu" cho địa ốc cần phải tránh những động thái kích cầu mạnh bởi kèm theo sự hồi sinh mạnh của địa ốc là việc nền kinh tế phải đối mặt với nguy cơ lạm phát cao.
Thị trường đang điều chỉnh
Thực tế cho thấy, từ đầu năm 2012, thị trường luôn thuộc về người mua khi nhiều chủ đầu tư áp dụng những chương trình khuyến mãi hấp dẫn, cộng với những chính sách hỗ trợ cho vay tín dụng với lãi suất ưu đãi… Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gặp phải không ít khó khăn khi người mua có tâm lý chờ đợi giá giảm hơn nữa, nhất là tại thời điểm này nhiều doanh nghiệp liên tục đưa ra những chính sách hạ giá bán.
Để có thể cải thiện được thanh khoản trên thị trường, nhiều chủ đầu tư đã có những thay đổi linh hoạt nhằm đưa ra những sản phẩm có giá bán và diện tích phù hợp hơn với nhu cầu của người dân.
Theo bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng bộ phận nghiên cứu của Savills Hà Nội, thực tế thị trường đang có những điều chỉnh nhất định. Nghiên cứu của Savills cho thấy, tỷ trọng căn hộ trung cấp và bình dân được bán ra từ đầu năm đến nay chiếm phần lớn, diện tích căn hộ cũng được điều chỉnh nhỏ lại hợp với nhu cầu ở thực. Bên cạnh đó, những dự án có sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực, có vị trí tốt được giao dịch thành công nhiều hơn.
Không chỉ là sự điều chỉnh từ phía người bán, phía người mua cũng đã có những thay đổi. Hai hoặc ba năm về trước, 70% người mua nhà là để kiếm lời thì thời điểm này phần lớn người mua là người có nhu cầu ở thực, và tỷ lệ người có nhu cầu mua nhà để ở thực lên tới 80% và cao hơn thế.
Theo thống kê của Công ty cổ phần CB Richard Eills (CBRE), đến nay tại Hà Nội số lượng căn hộ tồn đã vượt 21.000 căn trong khi tại TPHCM là khoảng 18.000 căn. Nếu tính trung bình mỗi căn hộ có giá khoảng 2 tỉ đồng thì số tiền đang “chôn” ở gần 40.000 căn hộ này vào khoảng 80.000 tỉ đồng.
Theo các công ty tư vấn, một lượng lớn căn hộ thuộc hàng tồn kho nằm ở phân khúc trung và cao cấp do hệ quả của một thời gian trước đó, nguồn cung bất động sản cao cấp được đầu tư tràn lan dẫn đến dư thừa như hiện nay.