Hình minh họa
Hàng chục nghìn người dân tại TP.HCM đón tin vui trước Tết
Theo Báo TN&MT, chiều ngày 16/1, tại buổi họp báo thường kỳ về kinh tế - xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã có báo cáo về tiến độ giải quyết các vướng mắc liên quan đến cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho người mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, ngày 5/11/2024, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 5013/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác chuyên trách giải quyết những khó khăn trong công tác cấp Giấy chứng nhận. Tổ công tác này là bước đi chiến lược nhằm xử lý các vấn đề tồn đọng và thúc đẩy hiệu quả thị trường Bất động sản.
Sau hơn hai tháng hoạt động, Tổ công tác đã tổ chức 12 cuộc họp nhằm xem xét và tháo gỡ vướng mắc cho 66 dự án nhà ở thương mại, tương ứng với 37.214 căn hộ, căn nhà và thửa đất.
Kết quả, 41 trong số 66 dự án đã được giải quyết, tương đương với 27.575 căn hộ/căn nhà/thửa đất/officetel được cấp sổ hồng. Bên cạnh đó vẫn còn tồn đọng tại các dự án nhà ở thương mại đã được cấp phép đầu tư, đưa vào sử dụng nhưng chưa hoàn tất việc cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà.
Dự án "siêu cảng” tỷ USD ở Cần Giờ vừa có bước tiến đặc biệt quan trọng
Theo quyết định vừa được Thủ tướng phê duyệt, dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ thực hiện ở Cù lao Gò Con Chó, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Cảng sẽ thực hiện các dịch vụ liên quan khai thác cảng container, cảng biển và các dịch vụ khác.
Dự án sử dụng khoảng 571 ha đất, tổng kinh phí đầu tư theo đề xuất của nhà đầu tư nhưng không thấp hơn 50.000 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày có quyết định chủ trương đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP.HCM TP.HCM chỉ đạo cơ quan chuyên môn xác định cụ thể tổng vốn đầu tư của dự án theo đề xuất của nhà đầu tư để ghi nhận trong quá trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định. Dự án được hưởng các cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có) theo quy định của pháp luật hiện hành.
Mục tiêu của Dự án là xây dựng và phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, bao gồm các dịch vụ liên quan đến khai thác cảng container cảng biển và các dịch vụ khác. UBND TP.HCM xác định các sản phẩm và dịch vụ cụ thể để đảm bảo hiệu quả của cảng trung chuyển quốc tế.
Vừa lên thành phố trực thuộc Trung ương, địa phương này mời gọi loạt dự án nhà ở xã hội nghìn tỷ
Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế đang phát hành thông báo mời nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện Dự án nhà ở xã hội tại phường Phong Hiền, thị xã Phong Điền, TP. Huế.
Dự án có sơ bộ chi phí thực hiện 1.430,379 tỷ đồng; tổng diện tích sử dụng đất khoảng 26,17 ha tại phường Phong Hiền, thị xã Phong Điền, TP. Huế. Mục tiêu đầu tư xây dựng mới nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội và đáp ứng các điều kiện về nhà ở, cư trú, thu nhập và người lao động. Hạn cuối nộp hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án đến 15 giờ 00 ngày 25/2/2025.
Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế đã phát hành thông báo mời nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện Dự án nhà ở xã hội tại Khu đất XH1 thuộc Khu B - đô thị mới An Vân Dương.
Chính thức chuyển giao bắt buộc GPBank cho VPBank và DongA Bank cho HDBank
Ngày 17/1/2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Lễ công bố Quyết định chuyển giao bắt buộc Ngân hàng thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank) cho Ngân hàng TMCP Việt Nam thịnh vượng (VPBank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank) cho Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank).
Sau khi được chuyển giao bắt buộc, GPBank và DongA Bank sẽ là các Ngân hàng thương mại TNHH một thành viên do VPBank và HDBank sở hữu 100% vốn điều lệ.
DongA Bank vào diện kiểm soát đặc biệt từ năm 2015. Cùng năm này, GPBank cũng được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, do nhà nước sở hữu 100% vốn. Chục năm qua, hai nhà băng này được các ngân hàng quốc doanh hỗ trợ quản trị và tự tái cơ cấu, trước khi được chính thức chuyển giao bắt buộc về HDBank và VPBank.
Giữa tháng 10/2024, hai nhà băng 0 đồng cùng thời kỳ là CBBank và OceanBank cũng đã được chuyển giao bắt buộc về Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Quân Đội (MB). Hiện nay, Ngân hàng Sài Gòn (SCB) là nhà băng thuộc diện kiểm soát đặc biệt còn lại chưa có phương án xử lý.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, VPBank và HDBank là những ngân hàng thương mại cổ phần có đủ năng lực, kinh nghiệm, nền tảng tài chính vững chắc để tổ chức thực hiện thành công các phương án chuyển giao bắt buộc. Đồng thời, với cơ chế được áp dụng theo các quy định của pháp luật, việc nhận chuyển giao bắt buộc cũng là cơ hội để VPBank, HDBank mở rộng hoạt động, triển khai các mô hình kinh doanh mới, hiện đại.
-
Bất động sản 24h: Diễn biến mới tại sân bay Phan Thiết
Chỉ điểm những nguyên nhân khiến giá nhà tăng cao, Thủ tướng ra công điện yêu cầu làm ngay việc này; Chỉ đạo mới của Chính phủ về sân bay ở Bình Thuận; Diễn biến mới về cây cầu gần 1.000 tỷ đồng qua sông Sài Gòn... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.