Trong các nguyên nhân có nguyên nhân bất ổn về chính sách đất đai và việc thực thi công vụ của các cán bộ địa chính.

Nghị quyết 30 của Quốc hội khóa 13 xác định “bảo đảm đến ngày 31/12/2013 căn bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu trong phạm vi cả nước.” Vậy nhưng đến thời điểm này, thành phố Hà Nội vẫn còn tồn đọng nhiều hồ sơ chưa giải quyết đến nơi đến chốn. Trong số nhiều nguyên nhân dẫn tới thực tế này có nguyên nhân bất ổn về chính sách đất đai và việc thực thi công vụ của các cán bộ địa chính.

Không tranh chấp, vẫn vướng...

Ông Nguyễn Quý Tiến mua 2 căn hộ 103, 203 ở tập thể D1, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy nhưng mới chỉ có căn 103 được Sở Nhà đất trước đây cấp sổ đỏ. Đến nay, ông Tiến là hộ dân đầu tiên và là hộ duy nhất được cấp trong tổng số 11 hộ ở dãy D1, phường Dịch Vọng.

Làm thủ tục nhận sổ đỏ tại UBND quận Ba Đình (Ảnh minh họa/ANTĐ)

Ông Tiến cho biết, vướng mắc nảy sinh từ khi việc xác nhận cấp sổ đỏ chuyển về cấp phường. Cán bộ phường giải thích, dãy nhà này chỉ có 2 tầng nên đang còn lựa chọn phương án cấp theo căn hộ hay theo nhà chung cư, do vậy chưa thể cấp sổ đỏ. Trong khi đó, phòng Tài Nguyên môi trường quận Cầu Giấy lại cho rằng, hợp đồng mua bán 6 bản là không hợp lệ nên không được cấp sổ đỏ.

Ông Tiến cho biết, ở thời điểm mua nhà năm 1990, hợp đồng mua bán đều lập 6 bản, trong đó 2 bản bên mua giữ, 4 bản bên bán giữ. Cơ chế chính sách của nhà nước thời điểm đó chưa rõ ràng. Người dân đã nộp đầy đủ tiền mua và thuế trước bạ, người ta phải được cấp sổ đỏ mới đúng.”

Cũng tại phường Dịch Vọng, 13 năm nay, các hộ dân ở khu tập thể F1 và F2, sau nhiều lần bổ sung giấy tờ theo yêu cầu của phường nhưng vẫn được giải thích do vướng dự án hạ đường dây điện nên chưa cấp được sổ đỏ. Điều làm người dân bức xúc là dù trả lời như vậy, nhưng thực tế trong tổng số 23 hộ dân ở cùng khu tập thể lại rải rác có tới 5 hộ đã được cấp sổ đỏ.

Theo bà Vũ Thị Bình nhà số 231, dãy F2 là Trưởng ban mặt trận Tổ quốc tại khu dân cư 18 lý do hạ đường dây điện làm chậm tiến độ cấp sổ đỏ là không chính đáng: “Khi nói thiếu cái này cái khác, chúng tôi đã nộp đủ rồi, tại sao vẫn không cấp. Chúng tôi đề nghị rất nhiều, các cuộc họp, tiếp xúc cử tri nhưng phường chưa giải quyết gì. Lý do gì mà cùng mua từ một công ty, nhưng chỉ mấy nhà được cấp sổ đỏ, còn 17 nhà đến nay vẫn không được cấp?”

Việc cấp sổ đỏ cho 11 hộ dân ở tập thể Bộ Điện Than, tổ 54 khu tập thể Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa chậm trễ lại là do cơ quan chủ quản “quên” không bàn giao khu tập thể cho địa phương.

Bà Đặng Vĩnh Tâm, Bí thư chi bộ Xã Đàn, phường Nam Đồng, quận Đống Đa- một trong số 11 người được phân nhà cho biết: ở khu tập thể này, người được phân nhà năm 1979, người được phân nhà năm 1989. Các hộ đã nhiều lần xin xác nhận bàn giao, song cán bộ Bộ Công thương giải thích: Bộ Điện Than đã qua nhiều lần tách nhập, thành Bộ Năng lượng và nay là Bộ Công Thương nên không nhận được bàn giao về khu tập thể này. Cán bộ hiện nay của bộ không biết khu tập thể nằm ở đâu và 11 người được phân nhà là ai nên không thể xác nhận được!

Sau nhiều lần gửi hồ sơ đi, trả hồ sơ về, phòng Tài nguyên môi trường quận Đống Đa cũng hướng dẫn phường Nam Đồng giải quyết cấp sổ đỏ cho các hộ theo nghị định 61 năm 1994 của Chính phủ. Tuy nhiên, khi vừa hoàn thiện hồ sơ theo hướng dẫn của nghị định này, Phòng Tài nguyên - Môi trường quận Đống Đa lại hướng dẫn phải mua nhà theo Nghị định 34 của Chính phủ, và phải làm lại hồ sơ từ đầu!

Như vậy, sự chậm trễ về hồ sơ dù không phải lỗi của các hộ dân, nhưng họ lại là người phải gánh chịu tất cả. Sau hàng chục năm đeo đuổi thủ tục làm sổ đỏ, có người đã qua đời, số còn tuổi cao sức yếu vẫn chưa được nhận sổ.

Bà Đặng Vĩnh Tâm năm nay cũng đã 79 tuổi cho biết: “Giấy tờ đến nay phường đã làm xong. Tôi nộp trước ngày 6/6, người ta hẹn 2 tháng sau, tức là tháng 8 sẽ hoàn thành. Nhưng tháng 9 vừa rồi, cán bộ trả lời đang chờ chỉ dẫn của Nghị định 34. Tôi đề nghị giải quyết theo Nghị định 60, 61, nếu theo Nghị định 34 thì nhân dân ở đây không có đủ khả năng, ngay bản thân tôi bây giờ cũng rất khó khăn.”

Việc cấp sổ đỏ còn tùy tiện

Vướng mắc trong việc làm sổ đỏ của 39 hộ dân ở 3 khu tập thể không hề có tranh chấp này chỉ là phần nhỏ bé trong tổng thể những “rắc rối” chưa giải quyết được của quá trình cấp sổ đỏ ở thành phố Hà Nội. Không chỉ có nguyên nhân từ việc thay đổi của chính sách đất đai, sự thiếu trách nhiệm của cơ quan chủ quản mà còn có cả yếu tố tiêu cực, tùy tiện của một số cán bộ địa phương.

Phát biểu tại Hội nghị chuyên đề “Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn thành phố Hà Nội” diễn ra ngày 16/9, Phó Chánh Thanh tra thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cũng chỉ ra việc tùy tiện trong cấp giấy chứng nhận sử dụng đất: “Việc người dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phụ thuộc hoàn toàn vào xác nhận của Ủy ban nhân dân phường, xã. Bởi vì bản đồ địa chính, thông tin địa chính và các quy định về quản lý địa chính không thực hiện trong quãng thời gian dài kể cả sau khi có luật 1993. Do đó, dễ dẫn tới việc cấp giấy chứng nhận tùy tiện, có người được cấp, người không. Đây là một trong những loại nảy sinh khiếu kiện trong dân rất phức tạp.”

Theo Bộ tài nguyên và môi trường, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là 2 địa phương chậm nhất cả nước trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (dưới 70%). Hiện thành phố Hà Nội đã cấp gần 1,1 triệu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở cho các hộ gia đình, cá nhân. Tuy nhiên, theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã vẫn còn 125.000 hồ sơ sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân còn tồn đọng, vướng mắc kéo dài trong quá trình xét duyệt cấp giấy chứng nhận. Đối với các tổ chức, có gần 7.600 thửa đất được cấp giấy chứng nhận đạt gần 40%. Hiện toàn thành phố mới có khoảng 20.000 căn hộ tại các khu đô thị mới được cấp giấy chứng nhận, trong khi đó tổng số căn hộ đã hoàn thành và đang xây dựng tại các dự án ước gần 500.000 căn hộ.

Cũng phải nói thêm rằng, để tìm hiểu về hướng giải quyết các hồ sơ sử dụng đất tồn đọng của thành phố Hà Nội, phóng viên VOV đã liên hệ bằng cả văn bản và nhiều lần bằng điện thoại với lãnh đạo Sở Tài Nguyên môi trường thành phố Hà Nội nhưng tới nay vẫn chưa được trả lời với lý do bận việc. Làm việc tại UBND phường Lê Đại Hành, lãnh đạo phường khẳng định, phường không có bất cứ vướng mắc gì trong việc làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Còn chủ tịch UBND phường Nam Đồng từ chối trả lời với lý do bận việc!

Nguyên Nhung (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.