16/10/2020 10:00 PM
Một trong những mặt được qua quy hoạch là nguồn thu từ đất cho ngân sách đã tăng đáng kể qua các năm.

Nguồn thu từ đất (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp) cho ngân sách đã tăng đáng kể qua các năm, theo báo cáo vừa được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà gửi đến Quốc hội

Kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Nghị quyết số 134/2016/QH13 của Quốc hội về Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp quốc gia là nội dung của báo cáo này.

Tuy nhiên, Bộ trưởng trình bày: 2020 là năm cuối của thời kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Chính phủ đang triển khai lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó có nội dung tổng hợp kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011-2020 và đề xuất nhu cầu sử dụng đất thời kỳ 2021-2030. Do đó, để đánh giá kết quả thực hiện một cách đầy đủ, toàn diện Chính phủ sẽ tổng hợp trình Quốc hội khi đề xuất phương án Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phần kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất ước thực hiện đến năm 2020, Bộ trưởng cho biết Nhóm đất nông nghiệp: 27.095,90 nghìn ha, chiếm 81,80% diện tích tự nhiên, vượt 0,21% so với chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội; trong đó: đất trồng lúa 3.771,36 nghìn ha (đất chuyên trồng lúa nước 3.418,14 nghìn ha); đất rừng phòng hộ 5.287,51 nghìn ha; đất rừng đặc dụng 2.299,94 nghìn ha; đất rừng sản xuất 7.533,94 nghìn ha; đất làm muối 13,50 nghìn ha; đất nuôi trồng thủy sản 799,04 nghìn ha.

Nhóm đất phi nông nghiệp: 4.528,31 nghìn ha, chiếm 13,67% diện tích tự nhiên, đạt 94,73% so với chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội; trong đó: đất quốc phòng 278,54 nghìn ha; đất an ninh 61,97 nghìn ha; đất khu công nghiệp 129,14 nghìn ha; đất phát triển hạ tầng 1.390,30 nghìn ha; đất có di tích, danh thắng 25,96 nghìn ha; đất bãi thải, xử lý chất thải 16,28 nghìn ha; đất ở tại đô thị 179,71 nghìn ha.

Nhóm đất chưa sử dụng: 1.499,36 nghìn ha, chiếm 4,53% diện tích tự nhiên, vượt 14,42% so với chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội.

Đánh giá chung, theo Bộ trưởng, một trong những mặt được là nguồn thu từ đất (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp) cho ngân sách đã tăng đáng kể qua các năm.

Cụ thể: năm 2015 là 84.810 tỷ đồng, năm 2016 là 115.290 tỷ đồng, năm 2017 là 104.400 tỷ đồng, năm 2018 là 121.400 tỷ đồng, năm 2019 đạt trên 191.500 tỷ đồng, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất, quyền lợi của Nhà nước, chủ đầu tư và đảm bảo ổn định xã hội.

Bên cạnh đó, giữ ổn định diện tích đất lúa để bảo đảm mục tiêu an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030, trong đó giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa theo Kết luận của Bộ Chính trị; sản xuất lương thực, thực phẩm bền vững và áp dụng những phương thức sản xuất nông nghiệp có khả năng chống chịu giúp tăng năng suất và sản lượng, duy trì hệ sinh thái, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và các thảm họa khác và dần dần cải tạo chất lượng đất đai.

Về hạn chế, báo cáo nêu rõ, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phụ thuộc vào thu hút đầu tư, nguồn vốn để thực hiện các công trình, dự án; một số công trình, dự án cấp quốc gia sử dụng vốn từ ngân sách Trung ương chưa triển khai hoặc triển khai chưa đúng tiến độ (như Sân bay Quốc tế Long Thành, một số tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, đường vành đai ven biển, đường vành đai vùng kinh tế trọng điểm, các trường đại học,...) nên ảnh hưởng đến kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Trung Chính (BL)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.