Từ nay đến năm 2020, TP HCM sẽ hoàn thành 35.000 chỗ ở tập trung cho công nhân. Chính quyền TP thể hiện rõ quyết tâm với mục tiêu đã ấp ủ nhiều năm nhưng vấn đề là quỹ đất ở đâu

Tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP HCM khóa IX, UBND TP đã trình tờ trình về dự thảo Chương trình phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2016-2025. Theo đó, giai đoạn 2016-2020, TP sẽ phấn đấu hoàn thành khoảng 20.000 căn nhà ở xã hội và 35.000 chỗ ở tập trung cho công nhân (CN), tương đương 350.000 m2. Đến giai đoạn 2021-2025, dự kiến phát triển khoảng 1,96 triệu m2 sàn nhà ở xã hội và khoảng 385.000 m2 sàn nhà ở CN.

Xem xét mở rộng hỗ trợ cho vay

Để thực hiện mục tiêu, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết tiếp tục mở rộng đối tượng được vay vốn kích cầu, không chỉ đối với các dự án nhà ở lưu trú cho CN mà cả các dự án nhà ở xã hội cho thuê, được hỗ trợ toàn bộ lãi suất không quá 70% của phần vốn đầu tư xây dựng với thời gian không quá 7 năm cho 1 dự án.

Đồng thời, xem xét mở rộng chính sách hỗ trợ cho vay đối với các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhà trọ cho CN, người lao động, sinh viên cho thuê.

Bên cạnh đó, UBND TP sẽ hoàn chỉnh và sớm triển khai thực hiện đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các KCX, KCN"; đầu tư xây dựng nhà ở lưu trú cho CN, nhà trẻ, siêu thị…

TP nghiên cứu thí điểm cơ chế thực hiện quy định doanh nghiệp (DN) có sử dụng lao động trong các KCN đóng góp lợi tức để tạo lập quỹ đầu tư xây dựng nhà ở lưu trú cho CN.

Chung cư Nhân Phú xây dựng một trường mầm non cho con em công nhân. Ảnh: Bạch Đằng

Là cơ quan "chủ xị" chương trình này, Giám đốc Sở Xây dựng TP Trần Trọng Tuấn cho biết trước khi đưa ra mục tiêu trên, sở đã phối hợp với LĐLĐ TP, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP đánh giá thực trạng CN cũng như thực trạng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho CN đã và đang triển khai.

Đồng thời, rà soát các quỹ đất, dự án mà đầu tư đăng ký để trên cơ sở đó đưa ra các chỉ tiêu về chỗ ở cho CN.

Theo ông Tuấn, hiện nay có tình trạng một số nhà lưu trú CN có đầu tư xây dựng nhưng còn nhiều bất cập, CN không vào ở. Chủ đầu tư và LĐLĐ TP đang chấn chỉnh để bảo đảm hiệu quả sử dụng nhà lưu trú CN.

Đề cập khả năng tạo 35.000 chỗ ở tập trung từ nay đến năm 2020, ông Tuấn cho biết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, đặc biệt khuyến khích các DN có quỹ đất làm nhà ở xã hội cho CN. Về nhà ở giá rẻ cho CN, ông Tuấn nói TP cũng đang triển khai nhưng chỉ làm vài dự án chứ không thể làm đại trà vì không phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội TP.

Còn nhiều khó khăn

Ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN TP HCM, cho biết nhu cầu chỗ ở của CN các KCX-KCN vẫn rất lớn, từ 35.000-40.000 chỗ. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng các nhu cầu này vẫn còn rất hạn chế.

Vừa qua, hệ thống Công đoàn TP HCM nói chung và Công đoàn các KCX-KCN đã kiến nghị gói kinh phí 900 tỉ đồng để xây dựng các thiết chế dành cho CN, lao động thu nhập thấp. Các thiết chế này bao gồm cả nhà ở lẫn các dịch vụ xã hội khác. Thế nhưng, quỹ đất để thực hiện vẫn tiếp tục là vấn đề nan giải.

Ngay cả gói 900 tỉ đồng đã đề xuất hiện nay vẫn chưa thể triển khai cụ thể thêm vì chưa có quỹ đất bố trí để thực hiện, Công đoàn TP vẫn đang tiếp tục kiến nghị vấn đề này.

Trước chính sách này, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Trương Lâm Danh ủng hộ hoàn toàn nhưng ông tỏ ra lo lắng khi nhìn nhận chương trình sẽ gặp nhiều khó khăn bởi chuyện này nhiều nhiệm kỳ HĐND TP đã đề cập.

"Điểm vướng hiện nay là nhà ở, chỗ ở cho CN chưa phù hợp. Gò bó về nấu nướng, hoạt động giải trí và nhiều nơi chưa bố trí phù hợp với khu dân cư, trong khi đó việc xây dựng nhà giá rẻ cho CN không phải chuyện dễ".

Để chương trình hiệu quả, ông Danh cho rằng khi xây dựng các khu lưu trú không nên tách biệt với khu dân cư và phải gần với nơi làm việc để thuận tiện việc đi lại. Ngoài ra, nhà CN phải phù hợp với điều kiện sinh hoạt của CN, phân định cái nào dành cho CN đơn lẻ, khu nào dành cho gia đình.

Vấn đề còn lại là TP làm sao để khuyến khích DN tham gia chương trình này, vì cộng đồng cũng chính là vì mình. "Nếu làm được như vậy chúng ta sẽ thành công" - ông Danh đúc kết.

"Chúng tôi rất mừng"

Chung cư Nhân Phú (Tổng Công ty CP Phong Phú) khánh thành vào tháng 10-2014 với tổng mức đầu tư 150 tỉ đồng trên diện tích đất 4.500 m2 ở quận 9, TP HCM.

Chung cư gồm 10 tầng, 197 căn, diện tích từ 50-65 m2. Trong đó có 170 căn để bán, còn lại cho thuê 27 căn đối với người lao động công ty. Giá bán ở mức 9 triệu đồng/m2, tương đương từ 450 triệu đồng/căn 50 m2 đến gần 600 triệu đồng/căn 65 m2.

Phương thức thanh toán trả trước 20% là người lao động có thể nhận nhà, còn lại 80% trả góp từ 10-15 năm, tùy thu nhập. Bên cạnh đó, các căn hộ cho thuê cũng có giá khá mềm ở mức 2,5-3 triệu đồng/căn.

Chị Lê Thị Hà Anh từ Huế vào TP HCM gần 15 năm, làm việc cho công ty hơn 7 năm. Chồng chị làm nghề tự do, vợ chồng có 2 con đang đi học. "Vừa rồi được công ty giải quyết mua căn hộ 56 m2 chúng tôi rất mừng. Trả góp trong 10 năm, bình quân mỗi tháng chi trả chừng 4-5 triệu đồng nên cũng vừa sức, nhà lại chỉ cách công ty chừng 500 m nên rất tiện đi làm.

Nếu không được xét duyệt mua nhà chung cư vừa qua, chúng tôi cũng không biết được đến bao giờ mới sở hữu một căn hộ" - chị Hà Anh tâm sự.

B.Đằng

Anh Nguyễn Quốc Hưng, Công ty Sài Gòn Precision -kcx linh Trung 1

Thiếu chỗ ở cho CN có gia đình

TP có chủ trương xây dựng 35.000 chỗ ở tập trung cho CN (thường là khu lưu trú), tôi thấy điều này chưa hợp lý. Vì nhà lưu trú đa số dành cho CN độc thân theo kiểu ghép 6-8 CN/phòng. Và sau lập gia đình, họ phải ra ngoài ở vì rất ít nhà lưu trú có bố trí phòng riêng cho các cặp vợ chồng.

Có một DN tại KCX Linh Trung 1 xây dựng nhà lưu trú cho 2.000 CN ở nhưng công suất cũng chỉ ở mức 50% vì họ không dành cho CN đã lập gia đình. So về số lượng, CN có gia đình vẫn lớn hơn gấp nhiều lần CN độc thân. Vậy tại sao TP không xây dựng các khu nhà ở giá rẻ dành riêng cho CN làm việc tại các KCX-KCN?

Chúng tôi thường hỏi nhau tại sao Bình Dương, một tỉnh sát TP HCM lại có thể xây được nhà giá rẻ với giá từ 100-300 triệu đồng/căn. Nếu giá đất ở TP cao hơn, chi phí cao hơn thì giá có thể là 300-500 triệu đồng/căn. CN sẵn sàng mua trả góp hoặc thuê dài hạn.

Ông Võ Duy Sáng, Chủ tịch CĐ Tổng Công ty CP Phong Phú:

Nhu cầu nhiều, đáp ứng không nổi

Nhu cầu nhà ở của CNV công ty vẫn còn nhiều, tổng công ty rất mong muốn tiếp tục tạo điều kiện cho người lao động sở hữu nhà ở. Nhưng trước mắt vẫn chưa có kế hoạch cụ thể để phát triển thêm mô hình này.

Quỹ đất là một vấn đề nan giải, quỹ đất của tổng công ty đã cạn và đất đai xung quanh công ty đã được lấp đầy. Do đó, phát triển chung cư ưu đãi là một khó khăn lớn cho công ty.

H.Đào - B.Đằng ghi

Phan Anh - Bạch Đằng (NLD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.