20/10/2012 5:44 PM
Các nhà đầu tư bất động sản ở Trung Quốc đã trải qua một năm đầy khó khăn khi chính phủ nước này đưa ra nhiều chính sách ngăn chặn tình trạng đầu cơ đẩy giá bất động sản lên cao.

Trong số 16 tỷ phú bất động sản trong danh sách 100 người giàu nhất Trung Quốc của Forbes, có 8 người đã mất hàng đống tiền trong năm qua. Tổng số thiệt hại của họ lên đến 3,87 tỷ USD, chiếm 16% tài sản của họ. Chỉ số chứng khoán bất động sản Thượng Hải đã giảm 10% kể từ tháng 9 năm ngoái.

Hui Ka Yan, Chủ tịch tập đoàn bất động sản Evergrande, thiệt hại nhiều nhất trong số các tỷ phú bất động sản. Ước tính tài sản của ông giảm tới 21% xuống còn 4,9 tỷ USD trong năm 2012, đẩy ông xuống vị trí thứ 8 trong danh sách. Lợi nhuận của công ty đã giảm 21% xuống còn 598 triệu USD trong nửa đầu năm 2012. Cách đây một năm, mức tăng trưởng lợi nhuận của công ty là 148% khi giá nhà ở các thành phố sâu trong nội địa lên đến mức đỉnh điểm.

Tài sản của bà Zhang Xin, CEO của SOHO China và là một nữ tỷ phú tay trắng làm nên nổi tiếng ở Trung Quốc, cũng giảm đi đáng kể do giá cổ phiếu giảm. SOHO China, công ty bất động sản lớn nhất ở Bắc Kinh đã công bố giảm tới 65% lợi nhuận ròng trong 6 tháng đầu năm, do số dự án hoàn thành ít hơn dự đoán. Giá cổ phiếu của công ty cũng giảm khoảng 20% so với một năm trước đây.

Năm 2012 được coi là “mùa đông băng giá” đối với ngành bất động sản. Tuy nhiên, vẫn có một ngoại lệ. Đó là với trường hợp của tỷ phú Wang Jianlin, người đứng thứ 3 trong danh sách 100 của Forbes với tổng tài sản 8 tỷ USD. Wang Jianlin là chủ tập đoàn Dalian Wanda, chuyện phát triển các bất động sản thương mại, khách sạn xa xỉ, khu du lịch cao cấp, các trung tâm mua sắm và nhà hát, rạp chiếu phim. Tài sản của ông đã tăng gấp đôi trong năm qua sau khi có một giao dịch cá nhân làm bộc lộ giá trị thực về những tài sản ông sở hữu.

Ảnh minh họa

Danh sách 8 tỷ phú bất động sản giảm tài sản trong năm qua của Forbes


Bắc Kinh đã nỗ lực hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản để ngăn chặn việc hình thành bong bóng tài sản. Trong hai năm qua, chính phủ đã đưa ra nhiều quy định về tài chính, vay thế chấp, tăng các thuế, phí mua nhà, hạn chế mua nhà thứ hai và tăng cường xây dựng nhà chi phí thấp ở hơn 40 thành phố.

Tuy nhiên, chính tốc độ tăng trưởng kinh tế trì trệ đã dẫn đến việc nới lỏng một số chính sách, bao gồm cả việc cắt giảm lãi suất nhiều lần trong năm qua. Các nhà phân tích cho rằng nếu thị trường bất động sản “hạ cánh mềm” sẽ giúp tránh rủi ro lớn cho nền kinh tế vốn đang tăng trưởng tốc độ yếu nhất nhất trong 22 năm qua.

Các quan chức chính phủ vẫn liên tục cam kết các chính sách kìm giá bất động sản vẫn được duy trì trong thời gian tới, và sự tăng giá của thị trường bất động sản sẽ không còn quá nóng như trước đây.

Trong một báo cáo hồi tháng 8, SOHO China cho rằng “Mùa xuân của thị trường bất động sản, đặc biệt với các nhà phát triển nhà ở, vẫn chưa tới”.

Bất động sản là ngành trung tâm của kinh tế Trung Quốc đặc biệt trong hơn 10 năm qua. Lĩnh vực bất động sản chiếm tới 13% GDP của Trung Quốc trong năm 2011 và tác động trực tiếp tới hơn 40 ngành công nghiệp khác nhau.

Theo Dương An (VnMedia/Forbes)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.