Sau 5 tháng thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, dù số vụ vi phạm xây dựng trên địa bàn đã giảm mạnh nhưng việc cưỡng chế các công trình vi phạm còn gặp nhiều vướng mắc, nhiều địa phương còn lúng túng trong việc xử lý các công trình, gây tâm lý không tốt trong nhân dân.

Tháo dỡ một công trình không phép tại quận Thủ Đức. Ảnh: CTV

Điển hình như việc xử lý những sai phạm tại chung cư Khang Gia Tân Hương (số 377, đường Tân Hương, phường Tân Quý, quận Tân Phú) do Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển địa ốc Khang Gia làm chủ đầu tư. Năm 2016, cơ quan chức năng phát hiện chủ đầu tự có các vi phạm khi thực hiện dự án như: thay đổi kết cấu tại tầng 1, tầng lửng và tầng 2, tháo gỡ hệ thống phòng cháy, chữa cháy để ngăn thành 71 căn hộ (20 đến 70 m2/căn), trong đó, cá biệt có hai căn có diện tích chỉ 15 m2/căn, núp dưới hình thức “mua bán ki-ốt” để bán cho khách hàng với giá từ 20 triệu đồng/m2. Thanh tra Sở Xây dựng đã ra thông báo, đến tháng 6-2018, chủ đầu tư phải tháo dỡ diện tích vi phạm xây dựng, nếu không, UBND quận Tân Phú tổ chức cưỡng chế, báo cáo kết quả lên UBND thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, dù đã nhiều năm trôi qua, nhưng những vi phạm tại công trình nêu trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, chính quyền địa phương đang khảo sát thực tế để xác định bộ phận công trình cần tháo dỡ?!

Tương tự, tại quận 7, theo báo cáo sơ kết công tác thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU mới đây, trên địa bàn quận còn 47 công trình không phép và 322 công trình sai phép đang chờ xử lý. Mặc dù quận đặt kế hoạch mỗi quý xử lý 30% số công trình vi phạm xây dựng tồn đọng, nhưng tiến độ thực hiện khá chậm. Tại quận 12, tính đến cuối năm 2019, địa phương này đã vận động tháo dỡ, cưỡng chế 45 trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, còn tồn đọng tới 151 trường hợp (trong đó, 54 trường hợp đã có kế hoạch cưỡng chế; các trường hợp còn lại đang theo dõi, vận động tháo dỡ, đưa vào kế hoạch cưỡng chế). Tình trạng này cũng diễn ra tại quận Thủ Đức: trong năm 2019, quận tổ chức thực hiện hơn 110 quyết định cưỡng chế tháo dỡ, gần gấp bốn lần so với năm 2018, song, hiện nay trên địa bàn quận vẫn còn hơn 360 công trình vi phạm xây dựng cần xử lý.

Đánh giá của UBND thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, sau khi triển khai thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU, số vụ vi phạm xây dựng trên địa bàn thành phố đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, việc xử lý các công trình vi phạm xây dựng còn tồn đọng trước đây vẫn chưa dứt điểm, tỷ lệ thực hiện chưa cao.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận 9 Hoàng Minh Tuấn Anh, nguyên nhân khiến việc xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng còn chậm là do việc tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (theo Thông tư 05/2017 của Bộ Tài chính) còn nhiều vướng mắc, khó thực hiện. Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh đã có công văn đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính. Ngoài ra, để thuận lợi trong việc áp dụng chế tài không cung cấp điện, nước đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng (các công trình xây dựng trên đất không được phép xây dựng), cần có sự chỉ đạo cụ thể của UBND thành phố đối với các doanh nghiệp cung cấp điện, nước để bảo đảm thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt.

Một nguyên nhân khác được Chủ tịch UBND quận 12 Lê Trương Hải Hiếu đưa ra là, đa phần lớn các công trình vi phạm xây dựng sai phép trên địa bàn quận đều đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng, trong đó có những công trình đã được chủ đầu tư chuyển nhượng cho nhiều người. Do đó, việc tổ chức khảo sát, lập phương án tháo dỡ thường mất rất nhiều thời gian để thực hiện. Tại một số phường, lực lượng công chức địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường còn thiếu, địa bàn rộng dẫn đến việc kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng chưa kịp thời. Đó là chưa kể, một số công chức được giao nhiệm vụ tham mưu kiểm tra xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng còn chưa đáp ứng yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ, chất lượng chưa đồng đều nên quá trình lập hồ sơ xử lý còn chưa chặt chẽ, phải lập lại hồ sơ làm kéo dài thời gian xử lý vi phạm xây dựng; một số chủ công trình vi phạm cố tình trì hoãn không chấp hành khiếu nại, khiếu kiện các quyết định hành chính gây khó khăn cho công tác xử lý.

Tại quận 7, Trưởng phòng Quản lý đô thị Võ Hoàng Huân cho biết, nhiều công trình sai phép thực hiện trên công trình cũ, nên việc tháo dỡ phần sai phép để không ảnh hưởng đến công trình cũ là rất khó khăn. Nếu gây ảnh hưởng thì chủ đầu tư có thể khiếu kiện. Ngoài ra, có trường hợp kế hoạch cưỡng chế đã có nhưng đến gần thời điểm cưỡng chế, chủ công trình thông báo tự tháo dỡ. Khi đó, kế hoạch cưỡng chế phải dừng lại, chi phí nhân công, thuê mượn máy móc vẫn phải chi trả...

Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Lý Thanh Long cũng cho rằng, việc thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt cực kỳ khó khăn, càng những năm sau số vụ việc chưa thi hành và phải cưỡng chế thi hành lại tăng hơn so với năm trước. Nhà nước phải bỏ tiền ra để thực hiện cưỡng chế, nhưng các quận, huyện sẽ không có nguồn kinh phí nếu không dự trù trước, mà quan điểm của Sở Xây dựng thành phố là không để tồn tại công trình vi phạm.

Vũ Nguyên (ND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.