Ngày 30/6 là thời điểm các ngân hàng thương mại phải giảm dư nợ cho vay phi sản xuất xuống còn 22% và đến 31/12 còn 16%. Bài toán đặt ra đối với các DN kinh doanh BĐS là phải “xoay” như thế nào để tồn tại và phát triển nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi. Tuy nhiên, vấn đề đang gây tranh cãi hiện nay là BĐS liệu có phải là ngành phi sản xuất?

Lối thoát nào cho DN BĐS?

Nhiều chuyên gia kinh tế và các DN BĐS cho rằng, xếp BĐS vào lĩnh vực phi sản xuất là không hợp lý bởi, BĐS là đầu ra cho rất nhiều ngành khác như sản xuất VLXD, ngành Xây dựng, kiến trúc... Vì vậy BĐS cũng gián tiếp tham gia sản xuất. Ông Lê Hoàng Châu phân tích: “Phân khúc nhà ở giá trung bình và nhà giá thấp trực tiếp góp phần đảm bảo an sinh xã hội trong dài hạn theo đúng tinh thần Chỉ thị 11 của Chính phủ. Vì vậy không thể coi BĐS là ngành dịch vụ phi sản xuất được”.


Một số chuyên gia khác cũng cho rằng, nếu xem nhà ở chung cư, căn hộ dành cho người có thu nhập thấp là sản phẩm hàng hóa do DN làm ra thì không thể gọi ngành này là phi sản xuất. Do vậy vốn dành cho nó không thể xếp vào loại vốn cho lĩnh vực phi sản xuất. Hơn thế, BĐS có đóng góp rất lớn vào tăng trưởng GDP hàng năm của nền kinh tế và quan trọng hơn, nó đang tạo việc làm cho một lượng lớn lao động, là mắt xích quan trọng trong chuỗi tiêu thụ VLXD và các dịch vụ đi kèm. Thị trường BĐS không chỉ là ngành tạo cơ sở vật chất cho xã hội, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước mà còn góp phần tạo công ăn việc làm và thúc đẩy các ngành sản xuất khác phát triển.


Do bị siết tín dụng nên mục tiêu hiện nay của các DN BĐS là phải bán được hàng để trả lãi vay, trả nợ và tiếp tục đầu tư. Vì vậy thời gian qua các DN đã phải tìm mọi cách xoay xở như cho khách hàng ở thử, giảm giá, trả góp lãi suất bằng 0, chiết khấu lớn cho khách hàng mua sỉ… nhằm để bán được sản phẩm. Kỳ vọng của các DN hiện nay không phải là kiếm lời mà là duy trì sức chịu đựng và có tiền trả ngân hàng nhiều. Tuy nhiên, những chiêu khuyến mãi gây sốc đó vào thời điểm này cũng vẫn không kích được cầu. Ông Trần Tấn Thiện - Chủ tịch HĐQT Cty BĐS Song Phát cho biết: “Với mức lãi suất như hiện nay, các DN thà chấp nhận bán lỗ để lấy tiền trả ngân hàng còn hơn trả lãi vay ngất ngưởng trên 25%/năm. Tuy nhiên, để hút được nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư hiện nay các DN phải dở nhiều trò, nhiều chiêu”.


TS Lê Thẩm Dương - Giảng viên trường Đại học Ngân hàng TP.HCM phân tích: “Các DN phải tự cứu lấy mình chứ đừng trông chờ vào Nhà nước. Nếu cuối cùng DN không gỡ được thì ngân hàng phải phát mãi để thu lại tiền”.


Ngày 30/6 đã đến nhưng “đích” dư nợ cho vay phi sản xuất 22% vẫn còn xa. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cuối năm 2008, tổng dư nợ cho vay BĐS khoảng trên 115 nghìn tỷ đồng, chiếm 95% tổng dư nợ toàn bộ nền kinh tế. Đến năm 2009, tổng dư nợ cho vay BĐS đã lên 219 nghìn tỷ đồng, tăng 36,1% so với 2008. Chỉ tính đến cuối tháng 10/2010, dư nợ cho vay BĐS đã đạt 224.843 tỷ đồng, tăng 22,01% so với cuối năm 2009. Cuối năm, con số này tăng khoảng 23,5%, đạt 228 nghìn tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tập trung chủ yếu ở hai TP lớn là Hà Nội chiếm khoảng 16% và TP.HCM khoảng 46%, còn lại là các địa phương khác. Vốn cho vay BĐS là vốn dài hạn, gặp lúc thị trường BĐS đang khó khăn nên các ngân hàng rất khó khăn trong việc đòi nợ. Mặc dù các DN BĐS đã phải dùng nhiều chiêu để bung hàng với hy vọng thu được tiền trả nợ nhưng người mua vẫn không mặn mà.


Nếu Chính phủ không thay đổi cách nhìn đối với ngành BĐS, e rằng các DN sẽ rất khó tìm được lối thoát. Bởi, không tiếp cận được nguồn vốn đồng nghĩa với việc các DN sẽ đứng trước nguy cơ phải dừng dự án. Như vậy lãi mẹ sẽ đẻ lãi con, các DN sẽ bị đẩy vào tình thế không có khả năng trả nợ!

Theo Cao Cường (Báo Xây Dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0