Nhiều năm nay, không gian tĩnh tại các đô thị lớn trên cả nước luôn là vấn đề nan giải mà các nhà quản lý loay hoay tìm giải pháp. Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh kéo theo quỹ đất dần hạn hẹp. Thực trạng thiếu bãi để xe, trông giữ xe (đặc biệt là ôtô) do không gian công cộng không thể đáp ứng nổi nhu cầu đậu xe đang gia tăng sức ép đáng kể lên các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM...

Khu để xe trên cao của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Ảnh: Thái Anh

Thực trạng đáng lo

Sức đáp ứng nhu cầu đỗ xe ở Hà Nội đang rất kém so với số lượng phương tiện giao thông cơ giới ngày một tăng kể từ vài năm trở lại đây, nhất là sau khi Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính từ 1/8/2008. Rộng 3.300km2 và là 1 trong 17 thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới nhưng đến nay quỹ đất dành cho giao thông tĩnh của Hà Nội hiện chỉ chiếm 2 - 3% so với chuẩn 25 - 30% ở các đô thị phát triển (!). Hà Nội hiện có 5 điểm đỗ xe là 2 bến xe Mỹ Đình (1 và 2), bến xe Dịch Vọng, bến xe Cầu Chui và bến Kim Ngưu nhưng các bến đều đã quá tải và chỉ đáp ứng được 8 - 10% nhu cầu sử dụng. Theo thống kê đến hết tháng 1/2010, Thủ đô có khoảng 300 nghìn ôtô và 3,5 triệu xe máy. Đấy mới là nói đến con số đăng ký chính thức tại CSGT, so với xe chuyển đổi chủ không đăng ký, xe từ các nơi khác về… thì con số này mới chỉ là một phần nhỏ. Với tốc độ tăng chóng mặt kèm theo dân số Hà Nội vượt xa con số ngót 7 triệu người như hiện nay trong vòng 2 - 3 năm nữa, con số này sẽ lớn đến mức nào?

Lúc đó những hệ lụy từ việc thiếu không gian cho đỗ xe sẽ trở thành thảm họa cho đời sống sinh hoạt thường ngày bởi nạn tắc đường, ùn ứ giao thông liên tục, cộng với ô nhiễm không khí tiếng ồn không thể kiểm soát nổi. Chưa nói đến tương lai, thực trạng người dân phải tràn vỉa hè lòng đường để gửi xe, đỗ xe trong nội đô khi đến các trung tâm mua sắm giải trí đã quá quen thuộc. Những con phố như Bà Triệu, Triệu Việt Vương, Chùa Bộc, Đê La Thành… luôn trong tình trạng xe và người cùng chen nhau trên vỉa hè. Hoàn toàn dễ hiểu bởi không dựng bừa ra vỉa hè, quây tạm tràn xuống lòng đường thì lấy đâu chỗ gửi xe cho khách hàng vào mua bán, sử dụng dịch vụ(!). Nghịch lý: Càng nhiều KĐT, chung cư mới thì càng ít không gian công cộng, không gian tĩnh cho giao thông lại tiếp diễn…

Khai thông bế tắc

Trước thực trạng này, đã có một vài đề xuất mang tính cấp bách được đưa ra và áp dụng thành công tại Hà Nội cũng như TP.HCM. Cụ thể, TP.HCM đã nghiên cứu xây dựng các bãi đậu xe nổi nhiều tầng sử dụng bằng thiết bị tự động trong khi chờ xây dựng các bãi đậu xe ngầm như bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám (gồm 5 tầng ngầm với diện tích sàn là 72.321m2), bãi đậu xe khu vực sân bóng đá Tao Đàn (4 tầng ngầm, với diện tích sàn 40.000m2), bãi đậu xe Công viên Chi Lăng (gồm 7 tầng ngầm), bãi đậu xe khu vực sân vận động Hoa Lư (5 tầng với diện tích sàn gửi xe là 49.838m2) (hầu hết các dự án này đến nay vẫn chưa được khởi công).

Giải pháp bãi đỗ xe thông minh cũng đã được Sở GTVT Hà Nội xem xét vào đầu năm 2010 với đề xuất sử dụng bãi đỗ xe thông minh của Cty TNHH Phát triển công nghệ (CFTD). Với rất nhiều tiện ích và công năng như tiết kiệm diện tích sàn nhờ mô hình “tháp” hoặc “chồng tầng, bậc thang” áp dụng từ Nhật Bản, giải pháp này tưởng như đã là cứu cánh cho nhu cầu bức thiết về giao thông tĩnh tại nhiều đô thị lớn nhưng đến nay lại không còn ai nhắc tới (?). Hiện Hà Nội chỉ có duy nhất Bệnh viện Bạch Mai sử dụng khu để xe trên cao mang tính ưu việt hơn hẳn nhờ kết cấu hình xoắn ốc tận dụng tối đa không gian trên cao và không hề phá vỡ kiến trúc khu vực xung quanh. Chi phí đầu tư cho 1 bãi đỗ xe thông minh đến nay vẫn chưa có con số cụ thể. Tuy nhiên, chính ông Nguyễn Quang Nam - TGĐ CFTD cũng thừa nhận việc thu hút các DN tham gia đầu tư cho công nghệ này là rất “khó” bởi đó là một công nghệ mới và khả năng hoàn vốn quá nhiều khó khăn nên ít ai mặn mà.

Đó có lẽ là lý do cho việc những đề xuất mang tính áp dụng công nghệ mới đó bị lãng quên. Cái gốc của vấn đề chính là hài hòa lợi ích DN với lợi ích xã hội. Giải quyết vấn đề này vẫn là sự chung tay của 3 nhân tố: Nhà quản lý, nhà đầu tư và người dân. Trong đó, nhà quản lý cần cho thấy vai trò chỉ đạo, tạo điều kiện thu hồi vốn cho nhà đầu tư thông qua việc đóng góp từ người dân. Tháng 7 vừa qua, thông tin Hà Nội có thể thí điểm áp dụng mô hình điểm đỗ xe nhiều tầng và sàn đỗ xe kiểu cơ giới hóa (dùng thang máy) từ Viện Chiến lược và Phát triển GTVT - đơn vị được giao xây dựng "Đề án nghiên cứu sắp xếp mạng lưới điểm đỗ xe, bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020" đã làm nức lòng người dân cũng như những nhà chuyên môn.

Hy vọng rằng, động thái này sẽ khai thông thế bế tắc cho tình hình hiện nay, thay vì chỉ dừng ở thí điểm như những đề xuất ý tưởng nhiều năm qua!

Cafeland.vn - Theo Nguyễn Văn (Báo Xây Dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland