Ngày 16-6-2008, Ban thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 09-NQ/TU về một số giải pháp khuyến khích các thành phần kinh tế xây dựng nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thực hiện, kết quả còn nhiều hạn chế...
">

Phần lớn công nhân ngoài tỉnh chọn nơi ở bình dân, phù hợp với thu nhập. Trong ảnh: Một dãy nhà trọ ở phường Trung Dũng, Biên Hòa.

* Doanh nghiệp chưa thấy được "đầu ra"...

Một trong những doanh nghiệp (DN) đi đầu trong việc tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân (CN) là Tổng công ty Sonadezi. Từ năm 2007, DN này đã hoàn thành 2 khu nhà ở tại khu dân cư Tam An (huyện Long Thành), dự kiến cho khoảng 1 ngàn công nhân thuê. Tuy nhiên, sau đó phải để không vì rất ít người đến thuê. Hiện tại, hai dãy nhà này đã được một công ty nước ngoài thuê lại toàn bộ. Theo ông Trần Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Sonadezi, việc xây dựng nhà CN phải đúng quy định của Nhà nước, cả về diện tích, thiết kế, cho nên chi phí đầu tư khá cao. Do vậy, mức giá cho thuê không thể thấp hơn so với các nhà trọ tại dân cư. Căn cứ vào vốn đầu tư, giá cho thuê thấp nhất là 6 triệu đồng/căn/tháng, thì phải mất 22 năm sau DN mới lấy lại vốn. Ngoài ra, chính sách đối với DN đầu tư vào nhà ở CN như miễn giảm thuế đất chưa rõ ràng, quy hoạch nhiều nơi chưa phù hợp... Đây chính là những khó khăn khiến nhiều DN không "mặn mà" với lĩnh vực này.

Cùng quan điểm với ông Hải, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tín Nghĩa Cao Ngọc Đức nhấn mạnh: "Thời gian qua, giá nguyên vật liệu luôn biến động, nên chi phí các công trình xây dựng liên tục đội giá. Trong khi đó, vốn của các DN hạn chế, không đủ khả năng đầu tư một lúc vào nhiều công trình, trong đó có dự án nhà cho CN thuê, nên buộc lòng phải vay vốn. Song, lãi suất vay từ ngân hàng thường cao, chỉ riêng khoản lãi vay hàng năm cũng đã làm cho doanh nghiệp chật vật, chưa nói đến chuyện lợi nhuận. Nếu DN hạ giá cho thuê nhà ở để thu hút công nhân, thì mỗi công trình phải mất từ 30 - 40 năm mới có thể thu hồi đủ vốn. Đây là điều bất cập. Vì vậy, thời gian qua có ít DN tham gia đầu tư xây dựng nhà ở CN là có lý do khách quan, bởi chưa khuyến khích được các nhà đầu tư, ít nhất là về lợi nhuận và lợi ích lâu dài của DN".

* Làm sao khắc phục?

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 420 ngàn công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Trong đó, lao động nhập cư chiếm 60%. Thu nhập bình quân của công nhân trong các KCN, đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài khoảng hơn 2,3 triệu đồng/người/tháng; DN trong nước là 1,8 triệu đồng/người/tháng. Chỉ riêng khoản thuê ở trọ, công nhân mất khoảng 10% thu nhập, là khoản chi khá cao khiến người lao động luôn phải chọn nơi ở sao cho hợp lý nhất.

Mục tiêu Nghị quyết số 09-NQ/TU đề ra đến năm 2010 giải quyết 30% số công nhân lao động có chỗ ở ổn định, đủ điều kiện theo quy chuẩn, 100% nhà cho công nhân thuê phải được chỉnh trang, sửa chữa, đảm bảo đủ điều kiện tối thiểu theo quy định; đến năm 2015 nâng lên 70% số lượng công nhân có chỗ ở phù hợp với những tiêu chuẩn của Nhà nước...

Trước nhu cầu về nơi ở của công nhân, thời gian gần đây, một số DN có sử dụng lao động đã đầu tư xây dựng được 65 ngàn m2 nhà ở, bố trí khoảng 10 ngàn lao động (chiếm 5% nhu cầu); nhà do các công ty kinh doanh xây dựng cho công nhân thuê ở đạt 40 ngàn m2, dành cho 6 ngàn người (chiếm 3%). Ngoài ra, có đến hơn 13 ngàn cơ sở tư nhân xây phòng trọ để kinh doanh, với trên 100 ngàn phòng, bố trí khoảng gần 178 ngàn nhân khẩu (70,6% nhu cầu). Và còn có khoảng gần 15 ngàn hộ gia đình cho 283 ngàn lao động thuê hơn 100 ngàn phòng trọ bình dân, tập trung tại các địa phương: Biên Hòa, Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch...

Đánh giá về những kết quả thực hiện việc các thành phần kinh tế tham gia xây dựng nhà cho CN, Phó giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, thời gian qua, số lượng các nhà trọ, nhà trọ cho công nhân thuê ở đã giải quyết trước mắt những khó khăn cho người lao động; góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Song, phần lớn nhà CN thuê ở là do tư nhân xây dựng, chưa đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu, như: diện tích, chiều rộng thông thủy, chiều cao, cấp thoát nước, rác thải, cây xanh, ánh sáng, đường đi... Thực trạng chung là đời sống người lao động trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn nhiều khó khăn, nên dù nơi ở có chật hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu nhưng công nhân không có lựa chọn khác...

Cafeland.vn - Theo Báo Đồng Nai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland