12/06/2013 8:47 AM
CafeLand - Một trong những sự kiện được chú ý nhất trong thời gian qua chính là việc thành lập VAMC và xử lý nợ xấu. Không ít người kỳ vọng VAMC sẽ xử lý nợ xấu và giúp nền kinh tế tăng trưởng. Tuy nhiên, xem xét nguyên nhân sâu xa của việc hình thành nợ xấu ở Việt Nam và các giải pháp xử lý của Chính phủ thì rất khó kỳ vọng nợ xấu sẽ nhanh chóng được xử lý.

Nguyên nhân gốc rể của nợ xấu

Để đánh giá được hiệu quả thực sự của VAMC và các giải pháp xử lý nợ xấu, trước tiên chúng ta phải xác định được nguyên nhân thực sự gây ra nợ xấu, từ đó đối chiếu với các giải pháp mà đề án xử lý nợ đưa ra để xác định tính hiệu quả. Thực vậy, theo quy định nợ được xếp từ nhóm 3 đến 5 được xếp vào nhóm nợ xấu. Có nhiều tiêu chí để xếp nhóm nợ của khách hàng vào nợ xấu nhưng tiêu chí cơ bản nhất là thời gian chậm trả nợ lớn hơn 90 ngày.

Các nguyên nhân căn bản khiến phát sinh nợ xấu được nhiều đến trong thời gian qua chính là khó khăn chung của kinh tế trong nước và thế giới. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan đến từ việc cho vay thiếu kiểm soát. Nhiều cổ đông ngân hàng sử dụng vốn huy động để phục vụ cho các công ty thân thuộc của mình. Ngân hàng đã không thẩm định đúng rủi ro khách hàng, thậm chí cán bộ ngân hàng móc nối với doanh nghiệp để cho vay. Từ việc cho vay thiếu kiểm soát đó dẫn đến ngân hàng cho vay những dự án rủi ro cao, có tính chất đầu cơ... Kết quả cuối cùng là khách hàng không thể trả được nợ đúng hạn hoặc mất khả năng trả nợ dẫn tới nợ xấu.

Tuy nhiên, những nguyên nhân kể trên chỉ là “bề nổi”, sâu xa hơn đến từ những vấn đề trong cấu trúc nội tại của nền kinh tế. Nếu xem nền kinh tế là một cỗ máy thì nợ xấu chính là một trong những chất thải của cỗ máy đó. Một cỗ máy được thiết kế tinh vi, công nghệ hiện tại và được vận hành bởi những con người tài năng thì hiệu suất sẽ cao hơn và chất thải sẽ ít hơn. Nền kinh tế cũng vậy, nếu có một cấu trúc thiếu hoàn thiện và điều hành kém thì sẽ dẫn đến hiệu quả kém và nợ xấu phát sinh là một hệ quả tất yếu.

Thực tế, hiệu quả đầu tư của Việt Nam rất thấp được thể hiện qua hệ số ICOR cao và mức đóng góp của tiến bộ công nghệ trong tăng trưởng kinh tế ở mức rất thấp. Nguyên nhân của hiện tượng này đồng vốn trong nền kinh tế đã không được đầu tư vào những nơi tạo ra hiệu quả và thất thoát trong đầu tư quá lớn. Ngoài ra, thiếu đầu tư theo chiều sâu để nâng cao năng suất mà chỉ chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá bằng cách mở rộng đầu tư quá mức. Những vấn đề bất cập này cùng với việc điều hành yếu kém sớm muộn sẽ đẩy nền kinh tế đến bờ vực khủng hoảng và nợ xấu tăng cao là một hệ quả tất yếu không thể tránh khỏi.

Khó thành công

Sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng đề án thành lập Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) được Chính phủ thông qua tại Nghị định 53. Đề án chi tiết được phê duyệt tại Quyết định 483/QĐ-TTg ban hành ngày 31/5/2013. Trước đó, NHNN cũng chính thức ban hành Thông tư 12 để giãn thời gian hiệu lực của Thông tư 02 thêm 1 năm. Như vậy, các ngân hàng sẽ tiếp tục được tái cấu trúc nợ và trì hoãn việc trích lập dự phòng nợ xấu.

Phát biểu trước Quốc hội, Thống đốc NHNN cho rằng VAMC sẽ xử lý 40.000 đến 70.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm nay. Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận VAMC có thể xử lý nợ xấu trong vòng 3-5 năm. Hiện nay, không ít người kỳ vọng VAMC và những giải pháp xử lý nợ xấu khác sẽ nhanh chóng là “tan cục máu đông” để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Quyết định 483 đưa ra 2 đề án xử lý nợ xấu nợ xấu song song. Đề án 1 đưa ra các giải pháp giúp tố chức tín dụng (TCTD) và khách hàng tự xử lý nợ xấu, còn Nhà nước tạo hành lang pháp lý phù hợp để quá trình tự xử lý diễn ra nhanh hơn. Những giải pháp trong đề án này đã được thực hiện trước đó như việc giãn nợ, tái cấu trúc nợ, buộc tổ chức tín dụng tăng cường trích lập dự phòng, mở rộng tín dụng đối với bất động sản…. nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả.

Đề án 2 quy định về thành lập “Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng”. Nội dung đề án này tương tự như Nghị định 53. Theo đó, thì VAMC sẽ mua nợ xấu từ các TCTD bằng 2 phương án. Phương án 1, VAMC sẽ mua theo giá thị trường và sử dụng nguồn vốn mà công ty này huy động được. Phương án 2, công ty này mua nợ xấu bằng giá trị sổ sách sau khi đã trích lập dự phòng bằng trái phiếu đặc biệt VAMC tự phát hành.

Với phương án thứ nhất dường như VAMC chưa sẵn sàng vì vốn của VAMC quá nhỏ. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế vĩ mô, cơ sở pháp lý và nguồn lực hiện tại rất khó để VAMC có thể mua nợ theo giá thị trường. Như vậy, việc mua nợ của VAMC chủ yếu là thông qua phương án 2. VAMC dường như không sẵn sàng để xử lý nợ mà chủ yếu là ủy quyền lại cho chính ngân hàng vừa bán nợ tự xử lý. VAMC chỉ đóng vai trò trung gian như một cơ quan hành chính hơn là một công ty kinh doanh thực sự.

Điểm mấu chốt trong phương án này là TCTD có trái phiếu đặc biệt có thể tái chiết khấu để vay vốn từ NHNN. Hàng năm ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng một khoản tiền tối thiểu bằng 20% giá trị trái phiếu. Giải pháp giúp cho TCTD có nợ xấu có thể trì hoãn việc thua lỗ và có nguồn tiền tái cấp vốn để hỗ trợ hoạt động và nợ xấu được khoanh lại để từ từ xử lý.

Như vậy, thực tế VAMC không thực sự tập trung xử lý nợ xấu như một công ty quản lý tài sản thông thường trên thế giới. VAMC dường như chỉ là một giải pháp kỹ thuật để NHNN bơm tiền vào nền kinh tế thông qua trái phiếu đặc biệt và giúp TCTD trì hoãn việc trích lập dự phòng và phải xử lý nợ xấu ngay lập tức.

Với các giải pháp xử lý nợ xấu đó Chính phủ đã không đi thẳng vào xử lý tận gốc nợ xấu và ngăn chặn nguồn phát sinh nó. Dường như Chính phủ đang kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi và nợ xấu cũng sẽ dần được xử lý. Tuy nhiên, xem xét bản chất của việc hình thành nợ xấu và thực trạng nợ xấu hiện nay thì ít ai dám kỳ vọng giải pháp chỉ mang tính “kỹ thuật” này sẽ thành công. Không những vậy, rủi ro phía trước là rất lớn khi tiền được bơm vào nền kinh tế và nợ xấu tiếp tục được che dấu. Muốn xử lý nợ xấu điều kiện bắt buộc là phải tái cấu trúc lại nền kinh tế để tăng hiệu quả chứ không thể xử lý bằng các giải pháp “kỹ thuật”.

Hoàng Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.