“Chúng tôi nhận thấy rằng nền kinh tế Việt Nam thể hiện khả năng chống chịu đáng kể trong khủng hoảng COVID-19, tốt hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, con đường phục hồi có thể vẫn còn trắc trở do vẫn còn nhiều bất định cả trong nước và trên toàn cầu”, Báo cáo“Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao? Tác động kinh tế của COVID-19” do Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) vừa công bố đưa ra nhận định.
WB khuyến nghị, Việt Nam cần tìm mọi cách để kích thích kinh tế trong vài tháng tới sao cho không gây hại về bền vững tài khóa và bền vững nợ về lâu dài. Ảnh: Getty Images
Đầu năm 2020, tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam dựa vào cả nhu cầu của nước ngoài và tiêu dùng trong nước. Hai động lực trên đóng góp đến trên 75% tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2016-2019 trên cơ sở tăng trưởng cao về xuất khẩu và tiêu dùng tư nhân.
Trong thời gian tới, theo WB, hai động lực trên khó có thể ngay lập tức quay lại các mức trước khủng hoảng. Nhu cầu của nước ngoài vẫn còn yếu vì nhiều quốc gia trên thế giới vẫn bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, khiến cho tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa và hoạt động du lịch sẽ chững lại. Đồng thời, tiến trình phục hồi trong nước có thể thấy được ngay sau khi gỡ bỏ hầu hết các biện pháp giãn cách xã hội được cho là không kéo dài.
Phần lớn doanh nghiệp và hộ gia đình trong nước có lẽ còn áp dụng các kế hoạch đầu tư và tiêu dùng thận trọng. Hành vi tránh rủi ro như vậy là đương nhiên trong bối cảnh còn nhiều bất định trong nước và trên toàn cầu, theo WB
Vì quá trình quay lại quỹ đạo tăng trưởng như trước COVID-19 có thể mất thời gian, WB khuyến nghị, Chính phủ lúc này cần tìm mọi cách để kích thích kinh tế trong vài tháng tới sao cho không gây hại về bền vững tài khóa và bền vững nợ về lâu dài.
Với tầm nhìn như vậy, WB cho rằng, các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam cần cân nhắc ba hướng hành động.
Một là, phải tiếp tục từng bước nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại, từng bước mở cửa quốc gia để đón khách quốc tế đồng thời tìm ra giải pháp tốt nhất cho nhu cầu kinh tế và y tế. Mở cửa biên giới sẽ giúp đẩy mạnh ngành du lịch, hiện đóng góp đến gần 10% GDP của Việt Nam, cho phép khách doanh nghiệp nhập cảnh khi quốc gia đặt mục tiêu thu hút thêm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Chính phủ có thể cân nhắc chủ động thỏa thuận với các quốc gia “an toàn” để thống nhất về cơ chế đi lại chung và/hoặc cân nhắc kế hoạch cho phép và thu hút khách du lịch cao cấp có thể chi trả cho các chuyến bay thuê bao/thương mại đắt tiền và toàn bộ chi phí liên quan đến kiểm dịch và/hoặc biện pháp y tế dự phòng sau khi nhập cảnh Việt Nam.
Hai là, tập trung vào chính sách tài khóa, là công cụ truyền thống để kích thích khôi phục kinh tế trong thời gian tới. Đối với Việt Nam, chính sách đó không nhất thiết có nghĩa là phải chi nhiều hơn mà nên đẩy nhanh tốc độ triển khai ngân sách đầu tư đã phê duyệt. Nếu Chính phủ có khả năng nâng cao tốc độ triển khai ngân sách được phê duyệt cho năm 2020 từ 65 lên 75%, tỷ lệ đầu tư công trên GDP sẽ tăng thêm 1,5 điểm phần trăm GDP, qua đó trực tiếp bơm khoảng 4 tỷ USD vào nền kinh tế trong nước. Điều này dù sao cũng đòi hỏi Chính phủ có hành động cụ thể nhằm cải thiện vê quản lý chương trình đầu tư công.
Ba là, hỗ trợ khu vực tư nhân phục hồi. Tuy nhiên, WB cho rằng, các cấp có thẩm quyền nên thực hiện theo cách có lựa chọn chứ không nên dùng nguồn lực để hỗ trợ cho mọi doanh nghiệp. Như đã nêu trên, không phải doanh nghiệp nào cũng bị khủng hoảng COVID-19 gây ảnh hưởng như nhau.
Một số ít bị ảnh hưởng bởi các biện pháp giãn cách xã hội, chẳng hạn tại khu vực nông thôn. Nhiều doanh nghiệp có khả năng phục hồi tương đối nhanh ngay sau khi Chính phủ gỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế đi lại trong nước vào cuối tháng 4. Điều này đặc biệt đúng với các doanh nghiệp nhỏ ở khu vực phi chính thức có khả năng linh hoạt để tái mở cửa và đáp ứng được nhu cầu trong nước tăng lên; doanh số bán lẻ tăng đến 10% vào tháng 5 và tháng 6.
Các doanh nghiệp khác, chủ yếu là doanh nghiệp lớn ở khu vực chính thức, được hưởng lợi từ vốn vay linh hoạt của ngân hàng và các biện pháp giãn thuế được triển khai trong gói hỗ trợ tài khóa được ban hành đầu tháng 4. Do vậy, WB cho rằng Chính phủ nên quan tâm nhiều hơn về đối tượng hỗ trợ tài chính, nếu không rủi ro sẽ là lãng phí nguồn lực công khan hiếm và gửi tín hiệu sai cho thị trường.
Sau khi xác định được những doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn kéo dài do khủng hoảng COVID-19 gây ra, Chính phủ cần cân nhắc giúp những đối tượng dự kiến có thể tiếp tục tồn tại và phục hồi nhanh chóng. Để tránh tác động tiêu cực kéo dài cho nền kinh tế và người lao động, điều hết sức quan trọng là các doanh nghiệp có thể đứng vững không được thoái lui và các tổ chức tài chính phải tiếp tục tạo điều kiện tiếp cận tín dụng và vốn lưu động cho doanh nghiệp theo cách bền vững.
Ngoài ra, WB cũng khuyến cáo, tại Việt Nam, Chính phủ phải nghĩ cách sao cho hỗ trợ các doanh nghiệp tốt nhất ít nhất ở hai ngành sau:
Thứ nhất là ngành du lịch, vốn đóng góp đến 7,9% GDP và sử dụng trực tiếp 750.000 người lao động trong năm 2017. Lệnh cấm du khách quốc tế (lên đến 18 triệu người năm 2019) và hạn chế vận tải hành khách trong nước từ tháng 3-4 gây tác động mạnh cho ngành. Mặc dù các biện pháp hạn chế trong nước được nới lỏng dẫn đến du lịch trong nước phần nào được phục hồi trong tháng 5 và tháng 6, nhưng chưa thể bù đắp được cho những tổn thất của ngành. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành vẫn gặp khó khăn về tài chính.
Thứ hai là ngành chế tạo chế biến hàng xuất khẩu. Mặc dù ngành này nhìn chung đã phục hồi trong hai tháng qua, nhưng các ngành công nghiệp xuất khẩu có nguy cơ dễ tổn thương do sức cầu nước ngoài đang yếu đi. Thực chất, ngoại trừ các mặt hàng máy tính và linh kiện, kim ngạch xuất khẩu của toàn bộ các mặt hàng đều bị suy giảm trong sáu tháng qua, và xu hướng đi xuống tiếp tục tăng tốc theo thời gian.
Chính phủ có thể áp dụng các giải pháp tài khóa như giãn và hoãn thuế tạm thời, trợ cấp và giảm phí, hoặc hỗ trợ tiền trực tiếp một cách hợp lệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNV&N) có lịch sử tín dụng tốt và có khả năng hoàn trả; trợ cấp một lần cho các doanh nghiệp có quy mô ở khu vực phi chính thức đang muốn chuyển sang khu vực chính thức; cơ cấu cứu trợ đặc biệt nhằm cho vay vốn lưu động cho doanh nghiệp vừa và nhỏ theo trần lãi suất hàng năm trong một giai đoạn hạn chế; quỹ đoàn kết ngành du lịch nhằm quảng bá các điểm đến đặc biệt của hội đồng ngành du lịch; thẻ chiết khấu du lịch qua phối hợp với hàng không, khu nghỉ dưỡng, khách sạn; miễn giảm thuế thu nhập cho các cá nhân có phát sinh chi tiêu cho du lịch trong nước.
Việt Nam đến nay đã có những động thái theo hướng này, cụ thể thông qua hàng loạt các biện pháp của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước nhằm nới lỏng điều kiện tín dụng và áp lực thanh khoản bằng các gói hỗ trợ tài khóa do Chính phủ công bố đầu tháng
Nhưng có ý kiến cho rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ khu vực tư nhân, Chính phủ cũng cần khuyến khích quá trình tái phân bổ nguồn lực từ các doanh nghiệp dự kiến khó có thể phục hồi nhanh chóng sang các hoạt động đem lại lợi nhuận cao hơn. Chẳng hạn tại Singapore, tài xế lái taxi được khuyến khích chuyển sang giao hàng hoặc đặt hàng trực tuyến, khối lượng đã tăng nhanh chóng trong đại dịch. Tương tự, các nền tảng số an toàn cần được khuyến khích phát triển để lĩnh vực khám chữa bệnh từ xa được phát triển, các cửa hàng có thể mở ra kinh doanh trực tuyến, báo cáo của WB cho hay.
-
Sau Covid-19, nhà đầu tư FDI sẽ “nhắm” đến Việt Nam nhiều hơn
Với việc kiểm soát tốt dịch Covid-19, môi trường đầu tư ngày càng cải thiện, Việt Nam được xem là điểm đến thu hút nhiều hơn nguồn vốn FDI sau đại dịch.