Các cổ đông lớn của ngân hàng này đã không đạt được các thỏa thuận trước khi diễn ra Đại hội. Nguyên nhân chính có thể là do các nhóm cổ đông đã không đạt được thỏa thuận trước đại hội. Cuộc chiến tranh chức “minh chủ” của Eximbank một lần nữa nổ ra và có thể kéo ngân hàng này chìm sâu vào khủng khoảng.
Đại chiến trước Đại hội
Cơ cấu cổ đông cho thấy Eximbank chỉ có duy nhất một cổ đông lớn là ngân hàng của Nhật Bản Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) sở hữu 15% cổ phần. Tỷ lệ sở hữu trong nước là 70%, nước ngoài 30%. Trong danh sách 10 thành viên hội đồng quản trị hiện tại chỉ có duy nhất bà Lương Thị Cẩm Tú sở hữu số cổ phần lớn là 13,80 triệu cổ phần, các thành viên còn lại đều không sở hữu hoặc sở hữu không đáng kể. Tổng số cổ đông đến thời điểm chốt danh sách đại 18/01/2019 lên đến 14.365 cổ đông.
Cơ cấu trên cho thấy Eximbank là một ngân hàng hết “đại chúng”. Tuy nhiên, thực tế có thể không hoàn toàn như vậy. Kể từ đầu năm 2019 đến gần ngày đại hội có tới gần 500 triệu cổ phiếu, tương đương với gần 50% tổng số cổ phiếu có quyền tự do chuyển nhượng của ngân hàng được giao dịch thỏa thuận. Điều này khiến nhiều người nghi ngờ có làn sóng ngầm trong việc dịch chuyển của nhà đầu tư đối với Eximbank.
Nhìn lại quá khứ cho thấy cuộc chiến ở Eximbank cũng đã từng diễn ra dữ dội. Những nhà lãnh đạo vang bóng một thời của ngân hàng này là ông Lê Hùng Dũng và ông Trương Văn Phước đã phải ra đi nhưng cuộc chiến tranh dành quyền lực tại Eximbank vẫn luôn nóng bỏng. Trong năm 2016, Eximbank cũng đã có 2 lần tổ chức đại hội cổ đông bất thành. Các nhóm cổ đông lớn của ngân hàng này vẫn không tìm được tiếng nói chung.
“Cuộc chiến” gần đây nhất có lẽ là việc ông Lê Minh Quốc bị HĐQT bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT từ ngày 22/03/2019. HĐQT cũng đã thông qua việc bầu bà Lương Thị Cẩm Tú giữ chức danh Chủ tịch HĐQT thay cho ông Quốc. Tuy vậy, ngay sau đó, ông Lê Minh Quốc đã có đơn yêu cầu và được Tòa án quyết định “Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”, buộc dừng quyết định bầu bà Tú làm Chủ tịch. Dù Eximbank đã khẳng định là tuân thủ quy định của pháp luật và Điều lệ của ngân hàng nhưng Tòa án nhân dân TP HCM vẫn buộc Eximbank tạm dừng thực hiện Nghị quyết.
Vào ngày 5/4 vừa qua, nhóm cổ đông Eximbank đã có văn bản đề nghị Chủ tịch HĐQT triệu tập cuộc họp để xem xét thảo luận và quyết định thông qua các nội dung như thay đổi ban lãnh đạo, bãi nhiệm Chủ tịch HĐQT Lê Minh Quốc và bầu chủ tịch HĐQT mới; xem xét thông qua các thủ tục pháp lý cho việc gia hạn chức danh Tổng giám đốc đối với ông Lê Văn Quyết - Thành viên HĐQT. Tuy vậy, cho đến trước Đại hội cổ đông bất thường ngày 26/04 vừa qua thì việc bãi nhiệm ông Quốc vẫn chưa thể diễn ra. Nội dung bãi nhiệm ông Quốc và bầu ông Quyết không có trong các tờ trình tại Đại hội lần này. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến đại hội bất thành và các cổ đông vẫn còn phải “thương lượng” với nhau.
Tương lai mù mịt
Với mức giá đang giao dịch quanh mức 17.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu EIB của Eximbank vẫn là một trong những cổ phiếu ngân hàng có thị giá khá cao. Đặc biệt, kể từ đầu năm đến nay cũng đã có tới gần 1/2 tổng số cổ phiếu có quyền tự do chuyển nhượng của ngân hàng này được giao dịch thỏa thuận. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng này cũng lên tới gần 30%. Điều này cho thấy Eximbank vẫn là một ngân hàng có sức hấp dẫn cao.
Nguồn: CafeLand
Tuy nhiên, nhìn vào các con số tài chính của Eximbank thì tương lai của ngân hàng này khá mờ mịt. Chính HĐQT của Eximbank cũng cho rằng hoạt động của Ngân hàng đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có trong lịch sử phát triển. Từ năm 2013, kết quả kinh doanh của Eximbank bắt đầu lao dốc không phanh. Đỉnh điểm, năm 2014 và 2015 lợi nhuận ngân hàng này chỉ còn ở mức tượng trưng lần lượt là 56 và 40 tỷ đồng. Năm 2018 lợi nhuận của ngân hàng này chỉ 661 tỷ đồng, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước và kém xa nhiều ngân hàng khác.
Các con số khác cũng cho thấy tình trạng hoạt động của Eximbank cũng khá bế tắc. Tăng trưởng tín dụng trung bình khoảng 5%, một mức quá thấp so với nhiều ngân hàng khác. Trong khi đó tăng trưởng tổng tài sản của ngân hàng này trong giai đoạn này trung bình mỗi năm giảm 2%. Doanh thu từ lãi thuần trung bình mỗi năm cũng giảm tới 4,2%.
Số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ nợ xấu năm cuối năm 2018 của Eximbank chỉ có 1,85% so với tổng dư nợ. Đây là con số khá thấp và “đẹp trong mơ” đối với một ngân hàng hoạt động bình thường. Tuy vậy, bên cạnh con số nợ xấu này thì Eximbank cũng đã bán cho VAMC tới 5.462 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt. Như vậy, tính cả con số này thì tỷ lệ nợ xấu của Eximbank là trên 7% chứ không phải là chưa đến 2%. Bên cạnh đó, thì một số rủi ro khác khi khoản cho vay đầu tư chứng khoán từ việc cầm cổ phiếu STB của Sacombank hiện nay vẫn chưa xử lý được.
Không chỉ lao đao bởi kết quả kinh doanh bết bát và chìm đắm trong cuộc chiến tranh chức “minh chủ” mà gần đây Eximbank cũng phải chịu khá nhiều rủi ro trong kinh doanh. Vụ khách hàng VIP mất 245 tỷ ở Eximbank chi nhánh TP.HCM và 50 tỷ đồng tại Eximbank Đô Lương (Nghệ An) không chỉ khiến ngân hàng này thiệt hại về tài chính mà còn khiến uy tín bị suy giảm.
Tóm lại, từ cuộc chiến tranh dành quyền lực, thiếu sự đồng thuận giữa các cổ đông và yếu kém trong quản trị đã đẩy Eximbank vào tình thế hết sức khó khăn. Dù có đối tác chiến lược là một ngân hàng lớn của Nhật Bản nhưng xem ra tình trạng bết bát của Eximbank khó được cải thiện trong ngắn hạn. Việc “quần hùng” chọn được “minh chủ” để dẫn dắc Eximbank vươn lên vẫn còn khá mờ mịt.
Nguồn: CafeLand