CafeLand - Chỉ cách đây chưa đến 2 tuần, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhận định: “Điều kiện khách quan để điều chỉnh tỷ giá, để buộc phải điều chỉnh tỷ giá là chưa có”. Tuy nhiên, tối ngày 18/06, NHNN bất ngờ nâng tỷ giá liên ngân hàng thêm 1%. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 18/06/2013 và cũng là lần tăng mạnh nhất ngày 25/2/2011 đến nay.

Ngay sau khi thông tin tăng tỷ giá được công bố, tỷ giá của ngân hàng và thị trường chợ đen đã có những biến động khá mạnh, thị trường chứng khoán cũng chao đảo và không ít người lo ngại về biến động tỷ giá trong thời gian tới. Tuy nhiên, phân tích cho thấy tỷ giá ít có khả năng biến động mạnh.

Tỷ giá ít có khả năng biến động mạnh.

Điều chỉnh tỷ giá đã được đoán trước?

Theo đánh giá của giới chuyên môn, cung cầu ngoại tệ trong nước vẫn khá cân bằng khi trong 6 tháng đầu năm Việt Nam đã xuất siêu và các dòng ngoại tệ vào vẫn ổn định. Tuy nhiên, ngay trước thời điểm NHNN điều chỉnh tỷ giá trên thị trường ngoại tệ đã có khá nhiều biến động bất thường. Cầu ngoại tệ đã mạnh lên rõ rệt, thể hiện qua việc các ngân hàng thương mại nâng mạnh giá mua vào, áp sát giá bán ra. Cụ thể, Eximbank đã nâng mức giá mua sát mức giá bán ra chỉ có 6 đồng. Một số ngân hàng khác như ACB, BIDV cũng đã nâng tỷ giá mua vào lên sát mức tỷ giá trần.

Trước đó, đầu tháng 5, tỷ giá đã có những dấu hiệu biến động khá mạnh. Tỷ giá đang được giao dịch ổn định quanh mức 21.100 VND/USD đã liên tục tăng và giao dịch quanh mức 21.200 VND/USD kể từ đầu tháng 6 đến nay. Tỷ giá trong 3 tuần qua liên tục giữ ở mức khá ổn định.

Như vậy, việc NHNN công bố quyết định điều chỉnh tỷ giá trong tối 18/6 được xem là khá bất ngờ với nhiều người. Ngoài ra, việc tỷ giá có dấu hiệu biến động bất thường vài ngày trước khi thông tin này được công bố đã làm cho không ít người cho rằng dường như các ngân hàng đã biết trước hoặc đoán được việc tỷ giá được điều chỉnh tăng.

Tỷ giá vẫn sẽ ổn định

Ngay đầu phiên giao dịch sáng ngày 19/06, thị trường chứng khoán đã giảm rất mạnh. Trên khắp các diễn đàn nhà đầu tư đều bày tỏ lo ngại về việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN. Trước đây những lần điều chỉnh tỷ giá cũng đều ảnh hưởng mạnh đến thị trường chứng khoán. Phần lớn giới đầu tư đều cho rằng đây là một dấu hiệu của bất ổn vĩ mô vì vậy phản ứng tự nhiên của họ là sẽ thoát khỏi thị trường.

Trên thị trường ngoại hối cũng đã có những xáo trộn mạnh. Ngay trong sáng ngày 19/06, các ngân hàng đều nâng tỷ giá lên khác sát mức giá trần 21.458 VND/USD. Tức tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt tăng mạnh từ 100 - 154 đồng/USD so với ngày hôm trước. Cụ thể, giá mua và bán USD tại BIDV, Eximbank 21.320 - 21.400 đồng/USD; ACB lên 21.310 - 21.400 đồng/USD; Vietinbank 21.246 - 21.400 đồng/USD... Tuy nhiên, vào buổi chiều các ngân hàng đã đồng loạt giảm tỷ giá mua vào và bán ra xuống từ 50-60 VND/USD so với buổi sáng.

Cùng với sự “hạ nhiệt” của tỷ giá, phiên giao dịch buổi chiều thị trường chứng khoán cũng xuất hiện dấu hiệu tích cực. Kết thúc phiên VN-Index và HNX-Index chỉ giảm quanh mức 0,5%, thay vì mức hơn 1% vào buổi sáng.

Như vậy, dường như giới đầu tư và ngân hàng đang phản ứng quá mức với việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN. Xét về phương diện vĩ mô thì có nhiều điều kiện để tỷ giá tiếp tục ổn định trong thời gian tới. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm NHNN đã mua vào thêm 10 tỷ USD nâng mức dự trữ ngoại hối lên 30 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay. Điều này chứng tỏ ngoại tệ trong nền kinh tế đang dư thừa và NHNN có đủ ngoại tệ nếu muốn giữ tỷ giá ổn định.

Xét về cung cầu ngoại tệ thì ngoại tệ trong nước khá cân bằng. Trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất siêu được 1,6 tỷ USD. Các nguồn cung ngoại tệ khác như vốn FDI, ODA và kiều hối vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam. Theo ước tính sơ bộ thì trong năm 2014 Việt Nam có thể thặng dư cán cân thanh toán hơn 7 tỷ USD. Như vậy, rõ ràng cung ngoại tệ trong nước vẫn sẽ khá dồi dào. Một yếu tố khác làm cho tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định là tăng trưởng tín dụng trong nước ở mức thấp. Bên cạnh đó tình trạng đô la hóa của nền kinh tế cũng đang giảm mạnh.

Tuy vậy, cũng có những lý do có thể làm cho bất ổn tỷ giá. Tình hình căng thẳng Biển Đông có thể làm cho dòng vốn từ Trung Quốc sụt giảm và việc xuất khẩu một số mặt hàng nông sản của Việt Nam gặp khó khăn. Bên cạnh đó, bất ổn trong tâm lý người dân có thể làm cho tình trạng đô la hóa tăng trở lại. Một lý do quan trọng khác là với việc giảm mạnh của lãi suất tiền đồng thì người dân cũng có khuynh hướng nắm giữ nhiều ngoại tệ hơn. Những điều này có thể ảnh hưởng đến sự biến động tỷ giá trong ngắn hạn.

Hoàng Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.