CafeLand - Ngày 22/08 vừa qua, tỷ giá một lần nữa lại có sự biến động bất thường khi đột ngột đồng loạt tăng thêm 100 đồng mỗi Đô la. Việc tăng mạnh của tỷ giá được cho là nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán chao đảo. Trước hiện tượng này đích thân NHNN phải trấn an người dân bằng thông cáo lý giải về hiện tượng tăng bất thường của tỷ giá. Trước đó một số chuyên gia cũng dự báo NHNN sẽ tiếp tục nới rộng tỷ giá. Vậy tỷ giá trong thời gian tớ sẽ đi về đâu?

Có thể cho rằng việc tỷ giá biến động trong thời gian qua một phần là do tâm lý của người dân. Ảnh: Internet

Cách đây hơn 1 tháng tỷ giá lần thứ 2 lên cơn sốt mạnh mẽ. Đã có lúc tỷ giá thị trường tự do lên đến hơn 22.000 đồng/USD, tức là cao hơn tỷ giá chính thức khoảng 700 đồng cho mỗi USD. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây tỷ giá đã về mức tương đối ổn định và không còn có sự chênh lệch giữa tỷ giá thị trường chợ đen và niêm yết của các ngân hàng. Điều này đã làm dịu bớt sự lo lắng của không ít người đối với tỷ giá.

Tuy nhiên, trong ngày 22/08 một lần nữa tỷ giá bất ngờ lại có sự biến động rất mạnh. Tin tức thị trường cho thấy tỷ giá cuối giờ chiều đã lên tới 21.220 VND/USD, cao hơn 100 đồng so với đầu giờ sáng. Trước hiện tượng đó một lần nữa không ít người bày tỏ lo ngại sẽ có một đợt sốt tỷ giá mới. Đặc biệt khi mà lạm phát tại Hà Nội tháng 8 đã bất ngờ tăng mạnh đến 3,7%.

Để trấn an người dân ngay trong chiều ngày 22/08, NHNN đã có ngay thông cáo lý giải về những diễn biến bất thường của tỷ giá. Theo đó, NHNN nhận định nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý của một số thông tin, nhận định thiếu cơ sở liên quan đến định hướng điều hành tỷ giá của NHNN. Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục khẳng định không điều chỉnh tỷ giá và tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, đồng thời sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm duy trì sự ổn định của thị trường ngoại tệ và tỷ giá.

Đối với nhiều người, tuyên bố của NHNN chưa thật sự thuyết phục nếu không có được những bằng chứng sắc đáng. Thực tế, trước đây không ít lần ngay khi tuyên bố không phá giá nhưng ngay sau đó NHNN đã làm ngược lại. Do vậy, nghi ngờ về những thông báo của NHNN chỉ là động tác trấn an không phải là không có cơ sở. Vậy thực tế liệu tỷ giá từ nay đến cuối năm có biến động mạnh như năm 2009, 2010 và 2011 hay không?

Để trả lời câu hỏi đó trước hết chúng ta phải tìm nguyên nhân căn bản gây ra biến động tỷ giá. Nguyên nhân đầu tiên phải nhắc đến chính là cung cầu ngoại tệ trên thị trường. Cầu ngoại tệ chủ yếu đến từ việc mua USD để trả cho hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu. Ngoài ra, còn cầu tích trữ ngoại tệ và cầu ngoại tệ của các doanh nghiệp và cá nhân đang sống ở Việt Nam chuyển ra bên ngoài (chuyển ra nước ngoài để đầu tư hoặc chuyển lợi nhuân, tiền công, cũng có thể cất trữ). Trong khi đó cung ngoại tệ chủ yếu đến từ tiền thu ngoại tệ từ xuất khẩu, tiền kiều hối, tiền vay vốn, tiền viện trợ và tiền từ các dòng vốn đầu tư gián tiếp hoặc trực tiếp.

Tổng hợp các dòng vốn ra và vào một quốc gia gọi là cán cân thanh toán tổng thể. Nếu dòng ngoại tệ chuyển ra khỏi một quốc gia nhiều hơn vào thì gọi là thặng dư cán cân thành toán, ngược lại gọi là thâm hụt cán cân thanh toán.

Thực tế chúng ta thấy cán cân thương mại (riêng hàng hóa) của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm chỉ thâm hụt chưa đến 300 triệu USD. Nếu tính cả nhập khẩu vàng thì tổng thể cán cân thương mại cũng thâm hụt chưa đến 3 tỷ USD. Đây là mức thấp hơn rất nhiều so với những năm trước đó. Dòng vốn ra khác để trả nợ, vốn đầu tư gián tiếp hoặc các doanh nghiệp chuyển tiền về nước theo nước tính chưa đến 4 tỷ USD. Trong khi đó các dòng vốn đổ vào Việt Nam như vốn ODA, FDI vẫn được duy trì như những năm trước. Chẳng hạn trong 7 tháng đầu năm FDI giải ngân đạt 6,7 tỷ USD. Theo tính toán của NHNN trong 6 tháng đầu năm Việt Nam vẫn thặng dự cán cân thanh toán và ước tính trong cả năm sẽ thặng dư 5 tỷ USD.

Trên thực tế thì NHNN cho biết dự trữ ngoại hối hiện tại của NHNN trên 30 tỷ USD, tăng hơn 5 tỷ USD so với đầu năm. Những con số trên cho thấy là cung cầu ngoại tệ của Việt Nam vẫn khá cân bằng.

Có thể cho rằng việc tỷ giá biến động trong thời gian qua một phần là do tâm lý của người dân. Hơn nữa, việc đồng USD tăng giá khá mạnh so với hầu hết các đồng tiền khác trên thế giới cũng đã gián tiếp gây sức ép lên tỷ giá. Mặt khác, dù chế độ tỷ giá của Việt Nam hiện nay là chế độ tỷ giá gần như cố định nhưng nó vẫn phải luôn chịu ảnh hưởng tức thời bởi cung cầu thị trường trong ngắn hạn. Do vậy, tỷ giá USD/VND có biến động trong biến động 1-3% cũng là điều bình thường.

Như vậy, với việc tỷ giá lên cơn sốt ở một vài thời điểm nào đó cũng không thực sự đáng ngại. Xét về xu thế tỷ giá trong khoảng một năm tới sẽ khó có sự biến động mạnh. NHNN cũng hoàn toàn có đủ nguồn lực và công cụ để duy trì tỷ giá ở mức tương đối ổn định phù hợp với mục tiêu đề ra.

Hoàng Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.