TS. Lê Xuân Nghĩa cho hay, dòng chảy tài chính hiện nay trên toàn bộ nền kinh tế đang tắc và khả năng tắc kéo dài.
Tại Toạ đàm “Nhận diện dòng chảy tài chính trên thị trường bất động sản” mới đây, ông Nghĩa cho biết, toàn cầu hiện đang có xu hướng tiết kiệm nhưng không phải vì người ta không có tiền. Tại Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp thấp, công ăn việc làm tốt, thu nhập cao, người châu Âu cũng vậy, nhưng họ vẫn tiết kiệm. Họ tiết kiệm vì cảm thấy giá cả tăng, lãi suất cao, trong khi người Mỹ thường vay để chi tiêu.
Thứ hai là họ cảm thấy nguy cơ về chiến tranh, tăng giá năng lượng nên không dám chi tiêu. Tiếp nữa, người ta cảm thấy cần phải có một sự đầu tư mới, nên cần tiết kiệm hơn, sống giản dị hơn.
Cũng theo ông Nghĩa, từ năm 2026, tất cả các sản phẩm Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu đều phải báo cáo phát thải khí nhà kính.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cũng ra một sổ tay hướng dẫn báo cáo phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp. Sắp tới đây, có khả năng UBCKNN yêu cầu doanh nghiệp báo cáo phát thải khí nhà kính phải kèm với báo cáo tài chính và phải được kiểm toán.
“Nói như vậy để thấy rằng các doanh nghiệp hiện tại đang bắt đầu run sợ không dám vay vốn, ngân hàng cũng sợ không dám cho vay vì sợ các khoản vay cũ có thể bị tắc và các khoản vay mới không đáp ứng được tiêu chí xanh.
Dòng chảy tài chính chỉ còn lại ở bất động sản vì không ai bắt các doanh nghiệp bất động sản báo cáo khí phát thải. Đây là cơ hội rất lớn để phục hồi lại thị trường bất động sản, mặc dù nó là cơ hội chẳng tốt đẹp gì nhưng chúng ta không có nơi để đi nên đành phải đi thôi. Trong lúc khó khăn, cũng cần phải có chỗ vực lại nhu cầu tiêu thụ vốn", TS Lê Xuân Nghĩa nói.
Hiện nay, theo tiến sĩ, thị trường bất động sản cũng như thị trường xây dựng, thị trường vốn đang rơi vào cảnh thảm hại khi số nợ của các nhà thầu, công ty liên quan lên tới 170 nghìn tỷ đồng. Các nhà thầu xây dựng hiện chỉ dám khai thác đầu tư công, không dám nhảy vào đầu tư.
“Có thể thấy rằng dòng chảy kinh tế đang bế tắc thực sự, bế tắc của toàn bộ nền kinh tế và chỉ có một lối thoát là bất động sản”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.
Để khơi thông tài chính bất động sản, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng nên tập trung toàn bộ nguồn lực tài chính vào làm nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội. Đây là thị trường có dòng tiền rất tốt, nhu cầu rất cao nhưng hiện tại chúng ta chưa làm được.
Qua khảo sát 5 dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận thấy rằng có nhiều khó khăn cho phân khúc này.
Thứ nhất, nhà ở xã hội không phải nộp thuế sử dụng đất, đất đó lại là đất công, không thế chấp được tại ngân hàng để vay nên các ngân hàng không mặn mà. "Tại sao chúng ta không đánh thuế một vài phần trăm để trở thành đất tư trong vòng 50 năm, khi đó, ngân hàng có thể nhận thế chấp", chuyên gia đặt vấn đề.
Thứ hai là toàn bộ cơ chế đấu thầu nên thông thoáng hơn, doanh nghiệp nào có năng lực thì nên chỉ định xây dựng để thực hiện nhanh chóng.
Thứ ba, bỏ bớt quy định lợi nhuận không vượt quá 10% để các doanh nghiệp xây dựng nhà ở cao cấp, trung cấp, thấp cấp được bình đẳng như nhau.
Thứ tư, về tài trợ cho người mua nhà, cần tài trợ trực tiếp qua ngân sách, không nên qua ngân hàng. Hoặc có thể dùng ngân hàng để tài trợ như cách Singapore làm. Ví dụ như mua một nhà ở xã hội thì người mua được vay vốn ngân hàng và chỉ chịu lãi suất 2,5%/năm, phần vượt quá lãi suất thì chính phủ bù.
TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh cuộc khủng hoảng bất động sản hiện nay là thiếu cung dư cầu, cơ quan quản lý không tạo ra môi trường cân bằng.
Chuyên gia tái khẳng định quan điểm cần tập trung toàn bộ nguồn lực (pháp lý, hành chính, ngân hàng, ngân sách) để giải quyết nhà ở xã hội, từ đó hạ giá mặt bằng giá của toàn bộ thị trường, qua đó mới tái cấu trúc được hệ thống này.
-
Công ty tài chính tiêu dùng FE Credit, HD Saison, EVN Finance... bão lãi nhảy vọt
Theo báo cáo từ SSI Research, quý 3/2024 đánh dấu bước nhảy vọt đáng kinh ngạc của FE Credit khi lợi nhuận trước thuế đạt 270 tỷ đồng, tăng gấp 60 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
-
Chưa cưới, bạn gái bắt người yêu nộp hết tiền lương, sáng đi làm chỉ nói cần bao nhiêu là được
Mới đây, mạng xã hội lại được phen dậy sóng khi rộ lên câu chuyện của một cô gái 25 tuổi chia sẻ “bạn trai không chịu đưa hết tiền lương và tiền tiết kiệm cho mình giữ”.
-
Bỏ phố về quê: Lựa chọn nhất thời hay phương pháp hữu hiệu để giảm áp lực tài chính
Năm 2012, cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học loại Giỏi, Hoàng Lan (32 tuổi, Hải Dương) tự tin sẽ tìm được công việc phù hợp, lương cao tại thành phố. Nhưng mọi chuyện xảy ra không như ý muốn khiến cô phải “bỏ phố về quê” để xây dựng lại từ đầu....