Vượt 183% kế hoạch năm
Theo đại diện UBND tỉnh Bình Dương, năm 2015 tỉnh đề ra mục tiêu thu hút FDI hơn một tỷ USD. Kết quả, đến cuối năm đã thu hút 2,83 tỷ USD, vượt 183% so kế hoạch năm; trong đó có 188 dự án cấp mới với số vốn 2 tỷ 64 triệu USD và 123 dự án tăng vốn thêm 766 triệu USD. Phần lớn nguồn vốn đầu tư năm 2015 tại Bình Dương tập trung vào sản xuất công nghiệp với các ngành nghề tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh lớn như điện tử, cơ khí, dược phẩm, công nghiệp hỗ trợ… tại các KCN và cụm công nghiệp theo đúng quy hoạch, phù hợp với chủ trương mời gọi đầu tư bền vững mà tỉnh đề ra. Với kết quả này, tính chung đến nay Bình Dương đã thu hút 2.568 dự án FDI đến từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư hơn 23 tỷ USD.
Nhận định về nguồn vốn FDI trong năm 2015, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Trúc cho biết: “Nổi bật là tỉnh đã thu hút một số dự án đầu tư lớn vào công nghiệp hỗ trợ, nhất là những ngành hàng có lợi thế khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)”. Chỉ ra cụ thể, ông Nguyễn Thanh Trúc nêu dẫn chứng, như: Dự án nhà máy sản xuất đồ gỗ tại cụm công nghiệp Thanh An có vốn đầu tư 50 triệu USD của Công ty Wood Best Holding Limited (Xa-moa), dự án nhà máy sản xuất sợi có vốn đầu tư hơn 274 triệu USD tại KCN Bàu Bàng của Công ty TNHH Far Eastern Polytex (Béc-mu-da), dự án nhà máy sản xuất giấy có vốn đầu tư một tỷ USD tại KCN Singapore Ascendas - Protrade của Công ty TNHH Cheng Loong Bình Dương Paper (thuộc Tập đoàn Cheng Loong của Đài Loan - Trung Quốc)… Bên cạnh các dự án mới, nhiều DN hoạt động ổn định, tăng vốn mạnh nhằm mở rộng sản xuất như: Công ty TNHH Giấy Kraft Vina (Thái-lan liên doanh Nhật Bản) tăng vốn thêm 130 triệu USD, Công ty TNHH Procter & Gamble Đông Dương (Hoa Kỳ) tăng vốn thêm 48,5 triệu USD, Công ty TNHH Giấy Chánh Dương (Đài Loan) tăng vốn thêm 74 triệu USD…
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, môi trường ổn định và thuận lợi của Việt Nam là yếu tố quan trọng hàng đầu để DN đầu tư, trong bức tranh chung đó, nơi nào phù hợp thì DN chọn lựa để đến. Chia sẻ về quyết định đầu tư vào Bình Dương trong năm 2015, ông Tsai Tong Ho, Tổng Giám đốc Tập đoàn Cheng Loong cho biết: “Môi trường đầu tư tại Việt Nam hiện nay rất thuận lợi để đầu tư. Qua khảo sát thực tế, nhận thấy Bình Dương có cơ sở hạ tầng rất tốt và hiện đại, nhất là các KCN được quy hoạch đồng bộ và kết nối vùng thông suốt rất phù hợp cho chiến lược đầu tư lâu dài, cho nên tập đoàn quyết định chọn Bình Dương để đầu tư”. Trong khi đó, ông S.Ta-chi-oa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aiphone Communications Việt Nam (Nhật Bản) cho biết: “Công ty đầu tư nhà máy tại Bình Dương từ năm 2008 với vốn đầu tư 15,6 triệu USD, trong quá trình đầu tư, DN luôn nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ chính quyền tỉnh, qua đó tạo thuận lợi cho đầu tư hiệu quả. Vì vậy, công ty quyết định tăng vốn thêm gần 4,5 triệu USD để mở rộng sản xuất các sản phẩm viễn thông”.
Năng động trong cách làm
Chia sẻ về thu hút FDI, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm cho rằng, điểm đột phá đầu tiên và quan trọng nhất để thu hút FDI hiệu quả là tỉnh biết tận dụng và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương; luôn năng động trong cách nghĩ và cách làm; quan tâm đầu tư phát triển mạnh, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và xã hội; cung ứng ngày càng tốt các dịch vụ, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực; cải cách thủ tục hành chính tinh gọn, một cửa; tập trung đền bù, giải tỏa, tạo quỹ đất sạch khá lớn để chuẩn bị đón các nhà đầu tư… Những việc làm này đã thật sự tạo môi trường đầu tư thông thoáng, góp phần thu hút FDI đạt cao trong năm 2015.
Giải pháp nêu trên của Bình Dương tuy không mới, nhưng quan trọng là kinh nghiệm và cách làm. Tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, lãnh đạo các cấp của tỉnh luôn quan tâm đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, xem những khó khăn của DN là khó khăn của tỉnh để từ đó có biện pháp tháo gỡ. UBND tỉnh Bình Dương thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại, gặp gỡ DN để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của DN. Qua gặp gỡ và đối thoại, những ý kiến tâm huyết và thật lòng của DN phản ánh về những vướng mắc được tỉnh kịp thời giải quyết nhanh chóng, những vấn đề vượt thẩm quyền thì tỉnh phối hợp cùng DN kiến nghị lên cấp trên xem xét, giải quyết thấu đáo. Chính sự trọng thị và gần gũi này đã tạo thân thiện giữa chính quyền với nhà đầu tư. Mối quan hệ này không chỉ mang tính hành chính, mà còn thể hiện sự quan tâm, sâu sát, tạo niềm tin cho DN an tâm đến đầu tư.
Năng động về cách làm, trong các giải pháp thu hút FDI tại Bình Dương, yếu tố “đi trước đón đầu” được tỉnh phát huy tối đa trong năm 2015. Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương Trần Văn Liễu cho biết: Với lợi thế 28 KCN trên địa bàn, khi TPP còn đang đàm phán thì lãnh đạo UBND tỉnh nhận định sẽ có làn sóng FDI chảy mạnh vào Việt Nam, nhất là các ngành hàng có lợi thế cạnh tranh khi gia nhập TPP. Vì vậy, từ cuối năm 2014 và đầu năm 2015, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý và các chủ đầu tư các KCN trên địa bàn đẩy nhanh hoàn thiện hạ tầng, chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch tại các KCN để đón nhận làn sóng đầu tư mới. Nhận định đúng tình hình đã phát huy hiệu quả, nhờ vậy mà tỉnh đã thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn vào sản xuất của các tập đoàn mạnh trên thế giới.
Đồng chí Trần Thanh Liêm cho rằng, với tỷ trọng vốn FDI hiện nay chiếm gần 43% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đóng góp hơn 69% tổng giá trị sản xuất của ngành công nghiệp và chiếm gần 80% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu, tỉnh luôn xem FDI là nguồn vốn rất quan trọng tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần tích cực vào sự phát triển toàn diện của Bình Dương. Để thu hút FDI hiệu quả trong thời gian tới đồng chí Trần Thanh Liêm nhấn mạnh, năm 2016 và những năm tiếp theo, tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp: Tập trung triển khai hiệu quả các chính sách của T.Ư sát với tình hình thực tế của địa phương; tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp cải cách hành chính, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội một cách đồng bộ tạo động lực thu hút đầu tư; nhanh chóng giải quyết những vướng mắc cho các nhà đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN, khu đô thị, bệnh viện, trường học trên địa bàn; thực hiện tốt chương trình xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa - xã hội, chương trình đào tạo, thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phục vụ nhà đầu tư; bảo đảm giữ vững an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội và môi trường thuận lợi, an toàn nhất cho nhà đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN…
Với những giải pháp này và lợi thế nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía nam, tỉnh Bình Dương tin tưởng rằng nguồn FDI sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào tỉnh.