CafeLand - Trong mấy ngày qua thị trường chứng khoán rúng động bởi thông tin bầu Kiên bị bắt. Giá cổ phiếu lao dốc không phanh, thị trường vàng rối loạn, tỷ giá có chiều hướng tăng. Số người đến ngân hàng ACB rút tiền tăng lên một cách bất thường. Có thể nói đây là một “cơn bão” tài chính thực sự. Trước bối cảnh đó liệu thị trường bất động sản có vô can ?

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Thị trường tài chính rối loạn

Chỉ trong 3 ngày sau khi Ông Nguyễn Đức Kiên - người được xem là “ông trùm” trong giới ngân hàng bị bắt, chỉ số VN-Index đã giảm 10,17%, xuống còn 392,82 điểm, xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2 đến nay. Trong khi đó chỉ số HNX-Index giảm tới 13,33%, và xuống chỉ còn 61,23 điểm, mức thấp nhất từ giữa đầu tháng 2 đến nay. Dường như tất cả các cổ phiếu trên sàn bất kể tốt xấu đều bị bán tháo. Khối lượng dư bán giá sàn lên đến hàng triệu cổ phiếu.

Có thể nói đó là một sự hoảng loạn thực sự trên thị trường chứng khoán, đây là một trong những sự cố hiếm xảy ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Thị trường xấu đến mức có ý kiến cho rằng nên ngừng giao dịch để tâm lý nhà đầu tư bình tĩnh trở lại.

Cùng với sự lao dốc của chứng khoán thì giá vàng trong nước cũng tăng vọt lên gần chạm mốc 45 triệu đồng/lượng và gia tăng khoảng cách so với giá vàng thế giới lên đến 3 triệu đồng/lượng. Ngoại tệ cũng lên cơn sốt, tỷ giá USD/VND đã vượt mốc 21.000 VND/USD. Trên thị trường liên ngân hàng lãi suất cũng tăng lên một cách bất thường.

Điểm đáng chú ý khác là khách hàng đến rút tiền từ ACB tăng lên một cách đột biến. Theo thông báo của ACB trong 2 ngày 21 và 22/08, khách hàng đã rút 8.000 tỷ đồng khỏi ngân hàng này. Để đối phó với tình trạng rút tiền trong 2 ngày qua ACB đã vay từ NHNN hơn 7.000 tỷ đồng. Thông tin từ ACB cho biết hiện tại ngân hàng này có hơn 30.000 tỷ đồng để đối phó với các vấn đề thanh khoản.

Những thông tin đó đủ thấy thị trường tài chính đang rối loạn như thế nào. Đây có lẻ là một tâm lý bi quan quá mức của nhà đầu tư. Thực tế thì thanh khoản của ngân hàng ACB khá tốt và NHNN cũng cam đoan là không để ACB mất thanh khoản. Còn thị trường chứng khoán cũng phản ứng rất mạnh đây có thể là những lo sợ mang tính bầy đàn. Tuy nhiên, việc “phòng thủ” của nhà đầu tư là một điều kiện cần thiết để tồn tại.

Bất động sản sẽ về đâu?

Thị trường bất động sản đã trải qua một giai đoạn dài đóng băng. Sự khó khăn của thị trường này là một điều ai cũng nhận ra. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quan điểm lạc quan cho rằng thị trường nay sẽ phục hồi vào cuối năm nay hoặc ít ra từ giữa năm sau.

Ngược lại, không ít chuyên gia cho rằng tình trạng đầu cơ làm giá trên thị trường bất động sản trong suốt thời gian qua đã đẩy giá bất động sản lên quá cao. Giá bất động sản nhiều nơi đã giảm 30-50% nhưng vẫn còn cao so với nhu cầu thực tế. Vì vậy, giá bất động sản hiện nay chưa gần với nhu cầu thực. Điều này đồng nghĩa với bất động sản vẫn sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn phía trước.

Hiện nay, NHNN đã nới lỏng khá mạnh chính sách tiền tệ, đồng thời Chính phủ cũng tăng chi tiêu để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, những chính sách này cũng chưa thể làm cho thị trường bất động sản khởi sắc.

Chưa ấm trở lại, thị trường bất động sản lại như bị dội thêm một gáo nước lạnh sau thông tin bầu Kiên bị bắt. Thật vậy, thị trường tài chính và thị trường bất động sản vốn có quan hệ “máu thịt” với nhau. Do đó, một khi thị trường tài chính rối loạn, ngân hàng gặp khó khăn thì nguồn tín dụng cho bất động sản càng bị thu hẹp. Thị trường bất động sản trong lúc “ốm yếu” nhưng không được tiếp sức thì càng trở nên yếu ớt.

Cho đến nay thông tin về việc bắt giữ ông Kiên và TGĐ ACB Lý Xuân Hải vẫn chưa được tiết lộ một cách đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin chính thống cho rằng ông Kiên bị bắt do sử dụng các công ty con để đầu tư tài chính, thâu tóm ngân hàng một cách phi pháp. Như vậy, một khi ông Kiên bị bắt giữ thì các khoản vay ngân hàng lên đến hàng nghìn tỷ đồng “gặp nguy”. Bên cạnh đó người ta cũng hình dung về bức tranh không mấy sáng sủa về hàng chục ngân hàng, công ty mà liên quan đến ông Kiên.

Như vậy, lo ngại về dòng tiền vào bất động sản sẽ tiếp tục bị siết chặt là điều hoàn toàn có cơ sở. Thị trường bất động sản vốn đang khó khăn lại phải chịu thêm một áp lực không nhỏ. Phải chăng bất động sản sớm muộn cũng phải theo chân “chứng khoán”.

Song Long
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.