ThS. Vũ Ngọc Bảo

ThS. Vũ Ngọc Bảo
Thạc sỹ Chính sách công (MPP) Đại học Fulbright Việt Nam

Tham nhũng và lãng phí nhìn từ câu chuyện vỉa hè

06/07/2020 2:40 PM
ThS. Vũ Ngọc Bảo ThS. Vũ Ngọc Bảo
CafeLand - Tôi chuyển đến xây nhà tại một khu đô thị mới, nơi được quy hoạch khá đầy đủ và đồng bộ. Hệ thống điện, nước được chôn dưới nền đất, cây xanh được trồng gọn gàng dọc hai bên vỉa hè. Theo quy định tôi phải làm giấy đề nghị sử dụng tạm vỉa hè để Ủy ban Nhân dân phường xác nhận. Sau một nhiều lần đi lại và được một người bạn chắp mối để gửi một cái bì thư thì lá đơn của tôi được duyệt.

Tham nhũng và lãng phí nhìn từ câu chuyện vỉa hè

Việc thi công nhà tốn nhiều thời gian, cùng nhiều xe cơ giới vào ra công trình, đặc biệt là các xe bê tông, xe bồn thi công sàn bê tông. Các phương tiện này làm hư hỏng vỉa hè lót gạch. Tôi phải xin bản vẽ thiết kế của ban quản lý dự án khu đô thị để tiến hành sửa chữa lại vỉa hè. Trong quá trình sửa chữa các kỹ thuật viên kiểm tra và nhắc nhở chúng tôi từng chi tiết nhỏ như rải cát đầm cát và cán phẳng, rải đá hộc, đá dăm, cán phẳng và đầm chặt sau đó đổ bê tông cán phẳng, lèn chặt rồi dán gạch lên trên cùng.

Trải nghiệm thực tế làm tôi có ý nghĩ vỉa hè đang được quản lý rất chặt chẽ để nó thực hiện đúng chức năng vốn có của nó. Tuy nhiên, cũng chính từ những trải nghiệm của tôi khiến tôi phải suy nghĩ lại. Thật vậy, hàng ngày, tôi thường cho con đến ăn sáng trước cổng trường học, rồi đưa cháu vào lớp học. Một hôm, đang loay hoay dắt chiếc xe máy của mình băng qua khu vực vỉa hè mà chủ quán đang sửa nền để bê tông làm nơi kê bàn bán bún, thì thấy bà chủ quán băng ngang tôi như tên bắn. Bà đến để đuổi chiếc xe hơi đang chuẩn bị đậu xe ngay trước phần quán của bà.

Lúc đầu bà nhắc, không được đậu trước cửa quán, người tài xế nói vọng ra “cho cháu dừng xe nhờ tí cho con vào lớp rồi đi liền”. Nhưng bà chủ quán vẫn không đồng ý, tiếng la mắng ầm ĩ nổi lên. Khu vực này là cổng trường nên rất nhiều xe đến dừng để đón và trả trẻ em. Nhưng quan điểm của bà chủ quán thì phần vỉa hè và phần lòng đường trước cửa là sở hữu của bà, vì vậy bà chủ quan rất vất vả la mắng những người lạ đến đậu xe, để xe máy trên vỉa hè mà không vào ăn bún.

Vỉa rõ ràng là nơi dành cho người ta đi bộ, điều này là khẩu hiệu cho những đợt ra quân làm đẹp vỉa hè, chống lấn chiếm vỉa hè thời gian qua. Vỉa hè cũng là nơi để công ty điện lực đào lên để chôn các đường cáp ngầm cung cấp điện. Vỉa hè để trồng cột đèn chiếu sáng, nơi các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông trăng dây như mạng nhện. Vỉa hè cũng là nơi các công ty cấp thoát nước đào lên để đặt ống cấp nước, xây các hố gom nước thải.

Bên cạnh chức năng có tính chất “công cộng đó” như một luật bất thàn văn vỉa hè cũng là nơi bán hàng ăn vặt của các gánh hàng rong, nơi để xe, để các biển hiệu, hay là nơi kê bàn ghế của các quán nhậu.v.v. Ngoài ra còn rất nhiều tổ chức hưởng lợi thông qua khai thác vỉa hè làm địa điểm trong giữ xe, hay cấp phép sử dụng tạm vỉa hè.

Người xưa có câu “lân đâu cận đấy” điều này trở nên chính xác khi đa số nhà dân coi phần vỉa hè trước nhà là của gia đình họ và họ được đặc quyền khai thác sử dụng. Bởi vậy, tuy được quản lý, cấp phép và giám sát chặt chẽ, nhưng các gia đình đều có cách riêng để sửa chữa vỉa hè phù hợp với nhu cầu sử dụng riêng của họ. Khu dân cư xung quanh nhà tôi cũng vậy, dù là dãy phố mới, nhưng chỗ thì vỉa hè cao, chỗ lại thấp, mỗi chỗ một kiểu gạch tùy theo chiều cao của nền nhà, sở thích, hay mục đích sử dụng. Họ có thể để mấy chậu cây cảnh, đặt thùng xốp trồng rau, kê bàn, ghế đá ngồi uống nước, hay trồng thêm cây. Cái vỉa hè nhanh chóng biến thành một phần mở rộng thêm của căn nhà.

Bài báo “Bí mật sau vỉa hè quận 1” đăng trên báo “Người lao động” đã chỉ ra đến 48 tổ chức thì có nhiều tổ chức khác nhau thậm chí có cả thanh tra hay đội trật tự đô thị được quyền khai thác vỉa hè làm bãi đỗ xe.

Do có nhiều bên sử dụng, và dùng cho nhiều mục đích khác nhau, lợi ích cũng khác nhau nên vỉa nhanh hè xuống cấp và lồi lõm. Cộng thêm nhu cầu đào vỉa hè để sửa chữa, thi công lắp đặt các công trình công cộng là rất cao. Đặc biệt những khu phố mới nơi có công trình hạ tầng chưa ổn định thì nhu cầu đào vỉa hè càng cao, tần suất đào vỉa hè càng dày. Ngoài ra hàng cây trồng trên vỉa hè cũng đóng góp tích cực làm suy giảm chất lượng nền gạch lót vỉa hè. Những lý do này rất khách quan để vỉa hè phải sửa chữa thường xuyên.

Tuy nhiên, tôi cho rằng việc dùng vật tư đắt tiền hay thi công cầu kỳ như lót cát, lu lèn, hay rải đá cấp phối, rồi bê tông nền sau đó mới tiến hành dán gạch thì ngoài việc tăng chi phí thi công còn tăng chi phí sửa chữa hay chi phí của các bên khi đào bới lắp đặt cơ sở hạ tầng. Việc bê tông hóa làm các loại cây trồng 2 bên đường không có đất bám, làm nước mưa không thấm được vào đất sẽ tạo sức ép lên hệ thống cống thoát vốn rất nhỏ. Vì vậy, phải chăng việc thi công vỉa hè chỉ nên sử dụng vật liệu đơn giản dễ kiếm, dễ thi công sẽ giúp tiết kiệm và tránh lãng phí đáng kể cho ngân sách công.

Trên thực tế vỉa hè không đơn giản chỉ là “vỉa hè” mà nó còn liên quan đến rất nhiều yếu tố khác. Việc sử dụng vật liệu đơn giản, rẻ tiền trong nhiều trường hợp có thể là tối ưu. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp nó không phải là mong mõi thật sự của các bên liên quan.

Gói thầu sửa, cải tạo vỉa hè đặt tiền trở nên hấp dẫn không chỉ với những nhà thầu thi công mà còn hấp dẫn với các đơn vị chủ quản, chủ đầu tư. Sức hấp dẫn khiến một số nơi quyết định sửa hay lót lại vỉa hè với mật độ khá thường xuyên, thậm chí chỉ một thời gian ngắn sau khi làm mới, hay ngay cả khi chất lượng vỉa hè còn đẹp, chất lượng gạch lót còn khá tốt.

Tuy là lãng phí cho ngân sách nhà nước, nhưng rất nhiều bên liên quan đạt được các lợi ích hấp dẫn rất lớn. Vì vậy họ thường cố gắng thúc đẩy để các chính sách sửa chữa vỉa hè vẫn được thực thi. Thậm chí các dự án này còn chưa tính toán đầy đủ các khoản chi phí, cũng như công khai minh bạch trong quy trình đấu thầu và lựa chọn nhà thầu.

Bác Hồ từng nói “Tham ô không bằng lãng phí”, bởi tham ô là có thể mang tiền của công về nuôi vợ con những đồng tiền tham ô đôi khi còn có ích. Nhưng lãng phí thì không ai được hưởng cả. Việc lãng phí còn thể hiện sự vô trách nhiệm của các bên liên quan hay nghiêm trọng hơn khi ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, chính phủ thường xuyên phải đi vay để cân đối ngân sách.

Vũ Ngọc Bảo
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.