ADB đưa ra nhận định kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2015 và 6,6% trong năm 2016.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 22/9 đã công bố Báo cáo Cập nhật triển vọng phát triển Châu Á. Trong đó, phần đánh giá về kinh tế của Việt Nam, ADB nhấn mạnh: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2015 và 2016 sẽ vượt mức kỳ vọng, với các chính sách tiền tệ và tài khóa hợp lý góp phần khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô, những cải cách chính sách gần đây đã củng cố niềm tin của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ADB, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Phóng viên đã phỏng vấn Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á ADB Eric Sidgwick về những thách thức đặt ra đối với Việt Nam.
Ông Eric Sidgwick Giám đốc quốc gia Ngân hàng ADB.
PV: Trước tiên, xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn Đài TNVN. Thưa ông, vì sao ADB đưa ra nhận định kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2015 và 6,6% trong năm 2016?
Ông Eric Sidgwick: Tôi đưa ra nhận định này dựa trên 3 yếu tố. Thứ nhất, ADB đưa ra 2 con số dự báo ở mức cao năm nay và năm sau là nhờ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở Việt Nam đẩy mạnh sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
Thứ hai là tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam giảm, sức tiêu dùng tăng đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế.
Yếu tố thứ ba là nhờ chính sách điều hành tiền tệ và thuế của Chính phủ đáp ứng được sự nhanh nhạy của thị trường.
Tóm lại 3 yếu tố đầu tư nước ngoài tăng, kiểm soát lạm phát và chính sách của chính phủ đã góp phần tạo nên tăng trưởng của kinh tế Việt Nam như chúng ta đã thấy.
PV: Năm 2015 đã chứng kiến nhiều nỗ lực của chính phủ Việt Nam nhằm tạo ra một diện mạo mới cho ngành kinh tế. Chẳng hạn như việc cải cách Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); cải cách hành chính thuế, hải quan... Ông đánh giá như thế nào về tác động của các cải cách thể chế kinh tế này?
Ông Eric Sidgwick: Điểm đầu tiên tôi ghi nhận chính là việc Chính phủ Việt Nam đã thực thi các chính sách một cách hiệu quả, tạo ra những cải cách căn bản thúc đẩy tăng trưởng, giúp duy trì sức hút đầu tư; đẩy mạnh cải cách thủ tục thuế cho các doanh nghiệp cũng như cải cách hệ thống ngân hàng.
Mặt khác, việc xây dựng, sửa đổi các Luật mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, không chỉ giúp đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu mà còn đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ quốc gia. Việc sửa đổi, xây dựng mới một số Luật cũng sẽ giúp cho nền kinh tế Việt Nam có tính cạnh tranh cao hơn.
PV: Thực tế cho thấy tiến độ thực hiện các tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, lĩnh vực ngân hàng và hoạt động đầu tư công nhìn chung chậm hơn so với kế hoạch đề ra. Điều này đang tạo ra những áp lực rất lớn đối với Việt Nam. Ông có đồng tình với quan điểm này?
Ông Eric Sidgwick: Phải thừa nhận rằng tiến trình cải cách là cực kỳ cần thiết. Cải cách các doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng sẽ là khâu cơ bản nhất nhưng cũng sẽ khó khăn nhất đòi hỏi thời gian và nỗ lực.
Phải nói thật rằng tỷ lệ phần trăm các phần việc cải cách so với các mục tiêu đặt ra còn chậm nhưng không có cách nào khác là chúng ta phải tiến hành dần dần thôi.
PV: Tháng trước Trung quốc đã liên tiếp phá giá đồng NDT. Dù vẫn giữ nguyên mức lãi suất tiền tệ-không tăng lãi suất cho đồng USD, nhưng phiên họp của FED hôm 18/9 cũng đã tác động không nhỏ đến thị trường toàn cầu. Ông có khuyến cáo gì cho Việt Nam để giảm bớt những áp lực như vậy?
Ông Eric Sidgwick: Theo những gì chúng ta thấy, kinh tế Việt Nam khá là "mong manh". Hàng hóa được nhập phần lớn đến từ Trung Quốc trong khi đó những thị trường xuất khẩu chủ yếu lại là Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản... có rất nhiều tác động bên ngoài đến thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, dù kinh tế Trung Quốc suy thoái nhưng chúng ta đang chứng kiến sự tăng trưởng ổn định của Châu Âu và Mỹ. Ngoài ra Việt Nam còn có một thị trường nội địa khá sôi động, điều đó cho thấy kinh tế Việt Nam được phát triển đồng đều cả trong và ngoài nước. Đó là một yếu tố quan trọng.
Chúng ta đều biết, những thay đổi gần đây trên nền kinh tế thế giới, cụ thể là sự trồi sụt của kinh tế Trung Quốc sẽ và tiếp tục gây ra ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Sự mất giá của đồng Nhân dân tệ đã được Chính phủ Việt Nam xử lý bằng cách hạ giá đồng tiền của mình.
Do đó Việt Nam sẽ không chịu tác động lớn từ sự kiện này. Quan trọng hơn đó là Chính phủ Việt nam phải củng cố sự cạnh tranh trong và ngoài nước của doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể là tiến hành những cải cách luật pháp và hành chính thích hợp cũng như đẩy mạnh đầu tư.
Với những biến động của kinh tế thế giới như vậy, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục nâng cao cảnh giác và giám sát thị trường quốc tế để đưa ra những quyết định phù hợp. Cán cân thương mại sẽ là yếu tố quyết định đối với mọi vấn đề.
PV: Năm 2015 sắp kết thúc, cũng đã có những khuyến cáo Việt Nam cần thận trọng trên con đường tăng trưởng. Ông có cho rằng khuyến cáo này là hợp lý?
Ông Eric Sidgwick: Theo tôi, những cảnh báo luôn luôn cần được chúng ta xem xét cẩn trọng. Với Việt Nam, tăng trưởng kinh tế là một trong những yếu tố được ưu tiên nhưng quan trọng hơn cả đó là sự ổn định của nền kinh tế và sự tăng trưởng bền vững.
Khủng hoảng tài chính năm 2011 đã cho Việt Nam những bài học quý báu. Đó là tăng trưởng luôn phải đi cùng với ổn định và bền vững. Chính phủ Việt Nam đã hiểu được điều đó và đặt phát triển bền vững là yếu tố ưu tiên hàng đầu.
PV: Mới đến đảm nhiệm cương vị giám đốc ngân hàng ADB tại Việt Nam, ông có thể chia sẻ những cảm nhận đầu tiên của mình về Việt Nam?
Ông Eric Sidgwick: Kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển tốt và có những cơ sở vững chắc. Ngân hàng ADB luôn sẵn sàng hợp tác với Việt nam.
Điều quan trọng đối với tôi, đó là được tận mắt chứng kiến sự thay đổi của Việt Nam cùng với sự giúp đỡ của ADB; được thấy kết quả của những dự án hợp tác giữa hai bên và sự cải thiện trong cuộc sống của người dân Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Nhóm PV (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.