Việc sửa Thông tư 02 ngoài việc tác động tích cực đến ngân hàng và các doanh nghiệp nói chung thì sẽ tác động rất lớn doanh nghiệp bất động sản. Ảnh: KL
Theo lãnh đạo của NHNN, cơ quan này sắp ban hành thông tư sửa đổi Thông tư 02 về phân loại nợ và tiêu chuẩn trích lập dự phòng. Nội dung được “tiết lộ” là tại Thông tư mới những quy định khắt khe về phân loại nợ xấu của Thông tư 02 sẽ được hoãn lại. Ngoài ra, các khoản nợ dù đáng lẽ theo quy định bị xếp vào nợ xấu nhưng “bản chất” đang tốt thì các tổ chức tín dụng phải khắc phục, không chuyển lên nhóm có rủi ro cao hơn như quy định tại Thông tư 02.
Một điểm đáng lưu ý khác là Thông tư sửa đổi Thông tư 02 là các khoản nợ trước đây phải chuyển nhóm theo khuyến cáo của Cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước tạm thời sẽ dừng. Hiện nay, sau mỗi đợt thanh tra cơ quan thanh tra của NHNN thường đưa ra một danh sách “khuyến cáo” mà các ngân hàng sẽ phải di dời các khoản nợ trong danh sách đó qua nhóm 3. Thanh tra NHNN không chỉ khuyến cáo khoản nợ đủ tiêu chuẩn thành nợ xấu mà với cả những khoản vay thiếu hồ sơ, mục đích cho vay chưa rõ ràng, quy trình thủ tục không phù hợp cũng bị đưa vào danh sách khuyến cáo.
Thực tế, thông tin này không quá bất ngờ vì trước đây Thống đốc NHNN từng khẳng định sẽ sửa Thông tư 02. Tuy nhiên, việc “nới lỏng” này nằm vượt dự ngoài dự đoán của nhiều người vì nó không những không siết chặt thêm so với hiện nay mà có phần còn có phần “dễ dãi” hơn. Trước thông tin này doanh nghiệp và ngân hàng dường như thở phào nhẹ nhõm.
Đối với các doanh nghiệp trong ngành bất động sản thì thông tin này càng có ý nghĩa vì mức độ tác động sẽ rất lớn. Thị trường bất động sản đã đóng băng một thời gian khá dài và nhiều dự án bất động sản lớn thì rơi vào tình trạng “đắp chiếu” chưa biết ngày nào gỡ ra được. Theo dự báo của nhiều chuyên gia thì năm 2014 có thể nhiều doanh nghiệp không thể tiếp tục cầm cự và buộc phải phá sản trước áp lực nợ. Tuy nhiên, với việc Thông tư 02 được sửa lại theo hướng như trên thị nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ thoát khỏi án tử.
Điều này được thấy rất rõ từ báo cáo tài chính của các doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết. Chẳng hạn, Bất động sản Phát Đạt (PDR) năm 2013 doanh thu chỉ vọn vẹn 39 tỷ đồng, lượng tiền mặt cuối năm chỉ còn 7,43 tỷ đồng. Đây là những con số quá nhỏ bé so với nợ ngắn hạn của công ty lên đến 650 tỷ đồng, trong đó gần 200 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn. Con số này lại càng nhỏ so với còn số hơn 5.000 tỷ đồng hàng tồn kho và 3.000 tỷ đồng nợ vay. Như vậy, nếu không được liên tục gia hạn nợ gốc và kể cả lãi vay thì Bất động sản Phát Đạt đã phá sản từ lâu.
Không chỉ có riêng Phát Đạt tình trạng này khá phổ biến ở các doanh nghiệp bất động sản. Ngay cả đối với “đại gia phố núi” như Hoàng Anh Gia Lai thì mảng bất động sản gần như đóng băng. Trong năm vừa qua lãnh đạo doanh nghiệp này đã buộc phải tách phần lớn mảng kinh doanh bất động sản ở Việt Nam của doanh nghiệp này ra một công ty hoàn toàn độc lập với Công ty HAGL hiện nay. Việc tách bất động sản của HAGL được xem như là một giải pháp để Tập đoàn này giảm bớt gánh nặng nợ nần từ mảng kinh doanh này.
Theo báo cáo của NHNN thì nợ xấu bất động sản cuối năm 2012 khoảng 28.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 13,5% tổng dự nợ bất động sản. Như vậy, so với mức nợ xấu chung của toàn bộ nền kinh tế chỉ khoảng 4% thì tỷ lệ nợ xấu bất động sản cao hơn rất nhiều. Cuối năm vừa qua VAMC rất tích cực trong mua nợ xấu của các ngân hàng thương mại. Theo thông tin từ NHNN thì có đến 70% nợ xấu mà VAMC mua trong thời gian qua là nợ xấu liên quan đến bất động sản.
Mới đây ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV cho biết “BIDV mạnh dạn đề nghị Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ cho phép khoanh nợ đối với những khoản vay bất động sản, như là một trong những giải pháp quan trọng để cứu thị trường”.
Những thông tin đó cho thấy nợ xấu bất động sản đang là một vấn đề hết sức trầm trọng. Như vậy, việc sửa Thông tư 02 ngoài việc tác động tích cực đến ngân hàng và các doanh nghiệp nói chung thì sẽ tác động rất lớn doanh nghiệp bất động sản. Với việc áp lực trả nợ được giảm bớt, thậm chí có thể được vay thêm tiền để phát triển hoàn thiện dự án. Điều này cũng giống như doanh nghiệp bất động sản đang “chết đuối vớ được cọc”.