Hồng Quý

Hồng Quý
Nhà báo

Sự rảnh rỗi đáng sợ

27/02/2020 8:44 AM
Hồng Quý Hồng Quý
CafeLand - Trong nhóm Zalo lớp 10 của con gái tôi từ sau Tết tới nay ngập tràn các thông tin, thông báo và hỏi đáp về dịch cúm virus corona. Xen giữa những ngổn ngang của hàng trăm câu hỏi đáp ấy xuất hiện một lời than: “Nghỉ hoài vậy khổ quá! Em làm trong trường, lương giờ hưởng có 30%...”

Lời than thở của cô giáo tên Dung chìm nghỉm giữa hàng loạt câu hỏi đáp khác về lịch nghỉ ở trường, lịch học online. Song nó để lại nỗi lo lắng rất lớn trên nền lo lắng chung về dịch bệnh. Đó là kinh tế!

Trò chuyện một lát, Dung cho biết giáo viên, đặc biệt những người công tác tại trường tư hay các trung tâm ngoại ngữ, năng khiếu… đang đứng trước sự rảnh rỗi đáng sợ: thừa thời gian và thiếu thu nhập các khoản. Dạy chỗ này, giảng chỗ kia, nơi ít, nơi nhiều đều quan trọng trong công cuộc đối phó với những tờ hoá đơn dội về hàng tháng. Nay với thu nhập thế này, biết lấy gì trang trải?

Giáo viên như cô Dung là những người bị tác động trực tiếp, và nỗi lo ấy thật dễ hiểu. Song họ không phải là đối tượng điêu đứng duy nhất hiện nay.

Giới kinh doanh du lịch giờ như đang ngồi trên đống lửa. Tổng giám đốc một công ty lữ hành tại TP.HCM cho biết, hiện khoảng 70% khách hàng của công ty đã hủy tour vì e ngại dịch bệnh. Cả tour đi nước ngoài lẫn các tour du lịch nội địa đều chịu chung số phận.

Số khách du lịch từ các thị trường lớn quen thuộc như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đến Việt Nam đều giảm mạnh. Các hoạt động vận chuyển hàng hóa liên quan đến những thị trường lớn này cũng bị ảnh hưởng ngay lập tức do nhu cầu tiêu dùng giảm, hoạt động sản xuất bị hạn chế. Tình trạng các xe chở nông sản bị ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc cho thấy tác động của cơn dịch này đối với nền kinh tế nhanh chóng đến mức nào.

Không chỉ có du lịch, ngành hàng không cũng đang đứng trước thời khắc khó khăn khủng khiếp. Các hãng hàng không trong nước, từ Vietnam Airlines, Vietjet Air cho tới Jetstar Pacific đang chứng kiến cảnh nhiều chặng quốc tế bị ngưng, khách đến và đi các tuyến nội địa giảm, khiến doanh thu của các hãng đi xuống.

Tưởng chừng miễn nhiễm, nhưng giới kinh doanh bất động sản cũng đang đứng ngồi không yên từng ngày, thậm chí là rất lo lắng nếu tình trạng này kéo dài.

Cô Dung chia sẻ, chồng cô, một môi giới bất động sản tại quận 2, cho biết ở thời điểm trước Tết, anh nhận được ít cuộc gọi mua bán hơn những năm trước. Song anh nghĩ, ăn Tết xong thị trường sẽ khá lên và đâu sẽ lại vào đấy.

“Nhưng từ sau Tết đến nay, càng lúc càng ít người gọi điện hỏi han mua bán. Có những ngày còn không có lấy một cuộc gọi nhỡ, chưa từng thấy!” anh chồng cô Dung than thở.

Các số liệu bắt đầu cho thấy điều đó ở quy mô lớn hơn. Thống kê từ một trang mua bán nhà đất online cho thấy, giao dịch ở TP.HCM liên tục giảm ở mức hai con số. Đi gần hết hai tháng của năm mới, thị trường như vẫn chưa chịu tỉnh giấc ngủ xuân.

Sở dĩ như vậy là do học sinh, sinh viên chưa vào học, để lại một lượng nhà trọ trống vắng rất lớn, đặc biệt với những thành phố như TP.HCM. Tình trạng này khiến nguồn cung ở các phân khúc khác như căn hộ cho thuê, nhà nguyên căn hay nhà phố cũng bị ùn ứ theo kiểu dồn toa.

Nhiều gia đình nuôi con ăn học đã quyết định tạm lánh về quê để giảm chi phí. Những người vốn dĩ làm công việc không ổn định nay lại gặp khó mùa dịch cũng tìm đường ‘ở ẩn’ tạm lánh nơi đắt đỏ. Nhiều gia đình khác trả nhà để tận dụng cơ hội được thuê chỗ rẻ hơn.

Hệ luỵ tới rất nhanh. Nhiều chủ quán đã bắt đầu hết sức để chống chọi, trả lại mặt bằng sau hơn một tháng ế ẩm ngay sau Tết. Để ứng phó, nhiều chủ nhà phải giảm giá thuê, đồng thời rao trên các trang mua bán online với mong muốn cải thiện được tình hình. Nhưng đăng thì đăng vậy, chứ những cuộc gọi đến và đi đang giảm thê thảm.

Những cuộc gọi số lạ ngày nào hay bị bỏ qua, nay ngồi chờ cũng không thấy. Có một sự hụt hẫng không hề nhẹ với tất cả, từ người đi dạy học cho tới dân làm ăn.

Cô Dung cho hay, vào những ngày này cô đành “giết thời gian” bằng việc đọc sách báo hay lượn lên các mạng xã hội nghe ngóng thông tin nhiều chiều cho qua ngày tháng khó. Giữa những thông tin trái chiều về dịch bệnh, cô bất chợt để ý trên Facebook chiều 24/2 vừa qua, một user nhiều người xem đăng status rao bán một trường mầm non ở quận Gò Vấp…

Hồng Quý
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.