Sự ảo diệu của con số tăng trưởng GDP
Nhìn chung tất cả đều tỏ ra khá lo lắng về triển vọng kinh tế khi mà GDP quý 3 vừa qua giảm đến 6,17%. Những băn khoăn lo lắng của bạn bè tôi hẳn cũng là câu hỏi mà nhiều người tự đặt ra. Thực tế không dễ dàng đưa ra một câu trả lời chính xác trong các điều kiện bất định như hiện nay.
Mới chỉ cách đây vài tháng, Chính phủ vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng hơn 6%, Ngân hàng thế giới (WB) vẫn dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,6%. Thậm chí mới chỉ cách đây hơn 1 tháng, Bộ Kế hoạch Đầu tư vẫn còn dự báo tăng trưởng GDP cả năm đạt 4,5%. Tuy nhiên, giờ đây khả năng GDP năm nay đạt được con số tăng trưởng 3% cũng đã khá xa vời.
Thật vậy, theo Tổng cục Thống kê GDP tính theo giá hiện hành trong 9 tháng đầu năm là 5,98 triệu tỷ đồng, tăng 50,1% so với cùng kỳ năm trước. GDP tính theo giá cố định năm 2010 là 3,64 triệu tỷ đồng, tăng 41,33% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, xét về số tuyệt đối GDP của Việt nam đã có một sự bứt phá mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc GDP tăng đột biến trên con số thống kê lại là do điều chỉnh phương pháp thống kế số liệu GDP. Con số tăng trưởng GDP được Tổng cục Thống kê công bố trong 9 tháng chỉ tăng có 1,42%, mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ gần đây.
Với mức tăng 9 tháng đầu năm thì để tăng trưởng GDP năm 2021 đạt được 3%, GDP quý 4 phải tăng 6,2%, nếu 3,5% GDP quý 4 phải tăng ở mức 7,72%. Nếu để đạt mục tiêu tăng trưởng 6% như yêu cầu của chính phủ thì GDP quý 4 tăng 11,66%.
Mức tăng này là điều rất khó khả thi khi mà cho đến hiện nay mọi hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn đang ngưng trệ và triển vọng phục hồi trong ngắn hạn không mấy khả quan.i
Các kịch bản tăng trưởng GDP năm 2021
Nhìn vào các con số thống kê đó làm nhiều người sẽ khá bi quan. Không chỉ có vậy, hiện hàng ngày chúng ta vẫn chứng kiến hàng nghìn bệnh nhân Covid mới và hàng trăm người tử vong.
Kinh nghiệm từ các quốc gia khác cho thấy dù đã tiêm vắc xin với tỷ lệ cao nhưng nguy cơ dịch bênh quay trở lại luôn hiện diện. Đặc biệt, khi mà ngày càng có nhiều người từ vùng dịch như TP.HCM, Bình Dương đang ào ạt hồi hương. Không chỉ có vậy, đây là một lực lượng lao động khá quan trọng giúp kinh tế trọng điểm cả nước như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai phục hồi.
Tuy nhiên, thực tế khi nhìn thấu vào các con số thì tình hình có thể không đến mức trầm trọng như chúng ta tưởng tượng. Thật vậy, trước hết nhìn vào mức tăng trưởng GDP quý 3 ta thấy mức giảm mạnh nhất là đến từ khu vực dịch vụ với GDP giảm lên tới 9,28%.
Trong đó, vận tải, kho bãi, bán buôn, bán lẻ, dịch vụ lưu trú và ăn uống có mức giảm nặng nề nhất. Việc GDP trong lĩnh vực này giảm cũng là điều tất yếu bởi các hoạt động dịch vụ này ở các khu vực phải thực hiện giãn cách gần như bị ngưng trệ. Như vậy, mức giảm này cũng không quá nghiêm trọng và nó có thể nhanh chóng phục hồi khi tình trạng giãn cách được nới lỏng dần.
Hoạt động sản xuất công nghiệp cũng bị suy giảm 5,02%, trong đó ngành xây dựng giảm tới 11,41%. Mặc dù đây cũng là mức giảm khá cao nhưng cũng là khá khả quan trong bối cảnh việc cách li xã hội ở vùng kinh tế Đông Nam Bộ gần như bị đóng băng.
Trên thực tế số liệu về tăng trưởng GDP luôn là một con số mang tính tương đối. GDP là tổng giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất trong quốc gia trong một thời kỳ nhất định.
GDP được ước tính dựa vào việc điều tra thống kế từ nhiều nguồn khác nhau và trên một số mẫu nhất định sau đó ước tính ra quy mô của toàn bộ nền kinh tế. Do đó con số tuyệt đối với GDP hay kể cả con số tăng trưởng đều không thể chính xác.
Một minh chứng rõ ràng nhất là cách đây hơn 3 năm Việt Nam đã tiến hành đánh giá lại quy mô nền kinh tế. Theo cách tính mới thì GDP tính từ năm 2010 đến 2020 đã được điều chỉnh tăng từ 25-27% so với các số liệu trước đó. Những số liệu này được áp dụng và công bố chính thức từ năm 2021.
Chính vì vậy, mà số liệu GDP hiện hành 9 tháng đầu năm 2021 đã tăng tới 43,5% so với cùng kỳ, còn tính theo giá cổ định năm 2010 tăng tới 41,3%. Tuy nhiên, con số tăng GDP chính thức công bố chỉ là 1,42%.
Trong đó, khu vực dịch vụ được điều chỉnh tăng tới 52,19%. Ngành được điều chỉnh tăng nhiều nhất là thông tin và truyền thông. GDP của ngành này trong 9 tháng năm 2020 theo giá cổ định năm 2010 là 30,099 tỷ đồng, thì cùng năm nay lên tới 198,979 tỷ đồng, tức tăng 5,61 lần. Một số ngành khác ghi nhân mức tăng mạnh là vận tải, kho bãi, hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ.
Như vậy, tôi cho rằng việc GDP năm 2021 có tăng 2% hay 6%, thậm chí giảm thì ý nghĩa thực tế đối với nền kinh tế giai đoạn hiện nay không quá cao. Năm 2020, dịch bệnh bùng phát ở hầu hết quốc gia và GDP các nước này đều giảm 5-10%. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề quá hệ trọng với những quốc gia này.
Kinh tế, Mỹ, Châu Âu đang dần lấy lại đà phục hồi và tăng trưởng từ 5-7% trong năm 2021. Đặc biệt, hệ thống tài chính toàn cầu vẫn giữ được sự ổn định tương đối tốt nên thị trường chứng khoán và bất động sản ở hầu hết quốc gia đều tăng trưởng khá mạnh.
Nếu nhìn vào diễn biến nền kinh tế thực làm chúng ta sẽ hết sức lo lắng bởi chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị gián đoạn. Khan hiếm hàng hóa đang làm cho giá cả nhiều mặt hàng tăng mạnh. Giá nông sản, sắt thép và nhiều nguyên liệu cơ bản đang ở mức cao nhất trong 10 năm gần đây.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia tiếp tục bơm tiền ra nền kinh tế và tăng chi đầu tư để kích thích kinh tế. Điều này báo hiệu khả năng lạm phát sẽ tăng mạnh thời gian gian tới.
Nhìn lại kinh tế trong nước chúng ta cũng không thể lạc quan được khi mà khu vực sản xuất gặp nhiều khó khăn. Nợ xấu đang tăng mạnh và đang ngưỡng trên 7,2% (tính cả nợ đang tái cơ cấu và nợ của VAMC). Nhiều khả năng nợ xấu vẫn còn tiếp tục tăng mạnh khi mà hoạt động kinh tế chưa thể sớm phục hồi.
Dịch bệnh đang tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác. Dù vậy, kinh nghiệm từ các quốc gia khác cho thấy những thiệt hại từ nền kinh tế thực đã không tác động sâu rộng đến hệ thống tài chính. Hơn nữa, các Chính phủ cũng đều có các chính sách mạnh mẽ để hỗ trợ nền kinh tế.
Tôi cũng tin tưởng rằng sắp tới Chính phủ Việt Nam cũng sẽ có nhiều biện pháp hỗ trợ, kích cầu nền kinh tế và giữ vững ổn định cho hệ thống tài chính. Do đó, dù hiện tại khó khăn nhưng cơ hội cho thị trường bất động sản, một số lĩnh vực kinh doanh vẫn lớn nhưng nhìn về tương lai của nền kinh tế tôi vẫn có cái nhìn khá tích cực.