Quy hoạch quá nhiều, chất lượng thấp, không gắn với nguồn lực thực hiện nên nhiều bản quy hoạch lập xong không có giá trị thực tế.
Ảnh minh họa.
Trao đổi với PV về những tồn tại trong vấn đề quy hoạch, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Chúng ta phải mạnh dạn điều chỉnh, phải làm một cuộc cách mạng trong quy hoạch. Những tồn tại, hạn chế như quy hoạch phân tán, không hiệu quả, tùy tiện, chia cắt, cục bộ, cát cứ, xung đột lợi ích giữa các ngành, giữa các địa phương... sẽ được khắc phục trong Luật Quy hoạch tới đây”.
Dẹp tình trạng “chạy” quy hoạch
Phóng viên: Thưa ông, với tư cách là người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật quy hoạch, ông có thể cho biết những bất cập nào lớn nhất về vấn đề quy hoạch hiện nay?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Trong quá trình xây dựng luật, chúng tôi đã tiến hành tổng kết hoạt động quy hoạch giai đoạn 2001-2010, nghiên cứu những vấn đề bất cập. Chúng tôi thấy có hai bất cập lớn nhất hiện nay trong quy hoạch: Một là quy hoạch quá nhiều, chất lượng thấp, không gắn với nguồn lực thực hiện nên nhiều bản quy hoạch lập xong không có giá trị thực tế. Thứ hai là quy hoạch còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu gắn kết, thể hiện qua nhiều bản quy hoạch giữa các bộ, ngành khác nhau.
Tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội (QH) vừa qua, chúng ta thấy nhiều đại biểu ủng hộ bỏ quy hoạch ngành nghề, sản phẩm để khơi thông phát triển. Luật Quy hoạch sẽ chuyển quy hoạch sản phẩm, ngành nghề cụ thể để sang quản lý bằng điều kiện kinh doanh một cách công khai, minh bạch, đúng thông lệ quốc tế. Điều này cũng nhằm đảm bảo sự quản lý của Nhà nước.
Khi đó, những quy hoạch không còn phù hợp như quy hoạch số lượng doanh nhân xuất khẩu gạo hay quy hoạch hệ thống bán lẻ rượu bia, nước giải khát cho từng vùng, quy hoạch nuôi cá tra… sẽ không còn tồn tại. Thay vào đó, những chủ thể nào đáp ứng được điều kiện kinh doanh sẽ tham gia vào những lĩnh vực đó.
Nhưng có lẽ điều này sẽ đụng chạm quyền lợi các bộ, ngành, địa phương vì nói gì thì nói, quy hoạch vẫn đang là một trong những nơi màu mỡ, thưa Bộ trưởng?
Chúng tôi, cũng như nhiều ý kiến tại QH, đều mong muốn quy hoạch ngành hoặc sản phẩm cụ thể không nên tiến hành nữa. Sản xuất bao nhiêu tấn cá tra, bao nhiêu hecta tôm, cái đó sẽ do thị trường quyết định chứ không phải là quy hoạch.
Nếu chúng ta quy hoạch một vùng sẽ sản xuất bao nhiêu tấn cá tra, bao nhiêu hecta tôm thì quy mô sản phẩm sẽ bị giới hạn, không phù hợp với nhu cầu thị trường và sức sản xuất của vùng. Vả lại, nếu có một quy hoạch không phù hợp như vậy thì tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng “chạy” quy hoạch như chúng ta từng thấy.
Nhiều người lo ngại nếu vậy sẽ không biết quản lý thế nào. Tôi khẳng định lại, chúng ta sẽ quản lý bằng điều kiện sản xuất, kinh doanh. Khi đó, việc nuôi cá tra, nuôi tôm, mở quán karaoke, quy hoạch sản xuất sản phẩm thuốc lá, hồ tiêu, cao su… sẽ được khuyến nghị về môi trường, về chất lượng, về đảm bảo an ninh, trật tự, phòng cháy chữa cháy… và để thị trường quyết định.
Điều này sẽ giúp bỏ được những loại giấy phép không phù hợp với kinh tế thị trường, là bước đột phá, giải pháp quan trọng thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Trì trệ vì không muốn thay đổi, lợi ích cục bộ
Nhưng ý kiến từ các bộ, ngành lại có vẻ không đồng thuận về Luật Quy hoạch?
Cái này Thủ tướng Chính phủ đã phê bình các bộ rồi. Khi có ý kiến khác thì các bộ, ngành phải trình lại Chính phủ và Thủ tướng để Chính phủ và Thủ tướng trình ra QH. Nếu chúng ta cứ “đẽo cày giữa đường” thế này thì không ra làm sao cả. Chúng ta đã nói rất nhiều về Luật Quy hoạch và QH cũng đã cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 2 QH khóa XIV. Tôi cũng đã trực tiếp giải trình các vấn đề với Ủy ban Thường vụ QH và QH. Các đại biểu QH, dư luận đồng tình rất cao.
Tôi không ngờ đến phiên họp Ủy ban Thường vụ QH mới đây, các bộ lại nói ngược như thế. Các ý kiến lẽ ra phải là góp ý hoàn thiện cho luật, chứ không phải các ý kiến nói ngược mà tôi đã nghe cách đây mấy tháng.
Theo Bộ trưởng, vì sao lại có sự bất nhất như thế?
Trước một sự thay đổi, phù hợp với xu thế thì chắc chắn có sự đụng chạm tới chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan, nhóm người. Có thể những cơ quan, một nhóm người nào đó chưa đồng tình và cứ như thế sẽ xảy ra sự trì trệ. Điều này có nguyên nhân là do tâm lý không muốn thay đổi.
Khi đụng chạm thì các cơ quan chỉ xem có bị giảm quyền hạn, công việc của mình hay không, chứ không theo hướng xem xét đến sự phải thay đổi có thúc đẩy sự phát triển xã hội hay không.
Các ý kiến nói ngược chung quy là muốn giữ lại các quy hoạch của mình. Nhưng như tôi đã nói thì những quy hoạch sản phẩm thì bỏ đi để giảm lãng phí, giảm xin-cho.
Bộ trưởng có thể lấy một quy hoạch nào đó làm ví dụ không?
Ví dụ, Bộ NN&PTNT có cả quy hoạch các điểm kiểm dịch động, thực vật. Nhưng về nguyên tắc, chỉ khi nào có dịch bệnh thì mới cần dựng các điểm này, rồi hết dịch thì phá đi, chứ việc gì phải xây lù lù ở đó.
Hay có nhiều ý kiến về việc quy hoạch không gian biển. Tất cả các nước đều làm quy hoạch này và chúng ta phải làm để phù hợp với thông lệ quốc tế, để bảo vệ chủ quyền. Nhiều ý kiến lo ngại không biết phải làm thế nào. Nhưng thực ra cách làm quy hoạch không gian biển không quá phức tạp vì đã có thông lệ và đó là yêu cầu tất yếu.
Xin cám ơn Bộ trưởng.
Châu Luận (Pháp luật TP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.