“Hà Nội đang nói nhiều đến việc phát triển các khu đô thị vệ tinh. Cá nhân tôi thấy nghi ngờ về điều này. Chúng ta phải tạo lập được hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội ở các đô thị vệ tinh thì mới kéo người dân vào ở được. Tuy nhiên, xây dựng hạ tầng rất tốn kém và chúng ta đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Theo tôi, phương án khả thi là xây dựng, phát triển xen kẽ dần dần. Đô thị phát triển đến đâu thì triển khai hạ tầng đến đó theo nguyên tắc 'vết dầu loang'", ông Nam nói.
Về việc hạn chế xây dựng nhà cao tầng trong nội đô mà TP.HCM, Hà Nội đang thực hiện, ông Nam không tán thành chủ trương này. Theo ông Nam, nhà cao tầng là xu hướng phát triển tất yếu của đô thị văn minh. Ngay trong quy hoạch đô thị của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu đô thị cấp 1 phải có 80% nhà cao tầng.
"Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng rất đông dân, nếu không tiết kiệm đất, xây nhiều nhà thấp tầng sẽ lãng phí", ông Nam nêu quan điểm và khiến nghị, nên xây dựng các nhà cao tầng để dành đất làm công viên, trường học. Nên tách bạch việc xây nhà cao tầng với quản lý dân số, tránh cách hiểu cứ xây nhà cao tầng là gây tắc nghẽn giao thông.
Theo ông Nam, những vị trí đẹp nên ưu tiên phát triển kinh doanh, thương mại thay vì sử dụng làm các cơ quan công quyền hay triển lãm tranh, ảnh. Ảnh: Thành Nguyễn.
Về việc ý kiến cho rằng, nên hạn chế tình trạng nhập cư vào các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, ông Nam cho rằng, đây là một xu hướng tự nhiên không thể ngăn cản. Các thành phố cần chấp nhận, phân tích và đưa ra biện pháp giải quyết hợp lý, thì sẽ tận dụng được sự đóng góp của lực lượng này.
Cũng theo ông Nam, hiện có nhiều công sở, nhiều công trình công cộng ở những vị trí rất đắc địa, hiệu quả sử dụng chưa cao gây lãng phí. Chẳng hạn các phòng triển lãm tranh trên phố Đinh Tiên Hoàng, Tràng Thi, Hàng Bài… Vị trí các phòng triển lãm đẹp nhưng chẳng mấy khi có người xem.
Do đó, ông Nam cho rằng, khu vực này nên nhường cho hoạt động kinh doanh, thương mại sẽ hiệu quả hơn nhiều việc đặt các cơ quan công sở, công trình công cộng.